Mạng xã hội, quyền lực và trò chơi
- 07:34 03-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mạng xã hội, dù vô tình hay hữu ý, cuối cùng cũng đã dần chia sẻ cái gọi là “quyền lực thứ tư” với báo chí truyền thống theo cách trang bị cho mỗi người dùng một cơ hội ngang nhau về quyền lực truyền thông. Từ đó, mỗi người dùng, tuỳ khả năng, mục đích của bản thân mà sử dụng quyền lực đó theo cách mình muốn. Quyền lực đó không hề ảo, bởi thực tế một phó chủ tịch phường ở Văn Miếu phải mất chức, một bà mẹ phải xin lỗi cộng đồng bởi bênh con thái quá, trước áp lực truyền thông từ mạng xã hội.
Nhưng không phải đến khi những trường hợp cụ thể đó xảy ra thì người ta mới nhìn thấy quyền lực của mạng xã hội. Ngay khi một người dân giơ máy điện thoại lên như một cách thức để tự vệ thì ý thức về quyền lực đã được xác lập rồi. Tuy nhiên, đa số người dùng vẫn sử dụng quyền lực được trang bị bởi mạng xã hội với tâm thế tham gia một trò chơi trên cõi ảo.
Với tâm thế dùng mạng xã hội như một trò chơi, người ta dễ dàng a dua theo một quan điểm, dễ dàng cổ xuý cho bất cứ trào lưu nào, chỉ dựa trên cảm tính cá nhân, hoặc lợi ích trực tiếp mà không cần quan tâm tới khả năng chịu trách nhiệm đối với hậu quả từ hành vi trên mạng xã hội của bản thân. Thực tế vừa qua đã cho thấy, ai chơi mạng xã hội một cách đàng hoàng, có trách nhiệm sẽ được xã hội tín nhiệm nhờ những đóng góp tích cực. Ngược lại những ai chơi mạng xã hội với tâm thế vô trách nhiệm sẽ nhanh chóng bị cộng đồng bóc mẽ và lãnh hệ lụy.
Bởi vì khi những câu chuyện bịa đặt dễ dàng được lan truyền qua các tài khoản mạng xã hội của các cá nhân. Nó sẽ không hoàn toàn được nhìn nhận như là một câu chuyện bịa đặt nữa, khi xuất hiện trên trang cá nhân của những người dùng cụ thể. Bởi với danh tính thật, lý lịch thật, những chủ tài khoản mạng xã hội đã trở thành nguồn tin có thật.
Với mạng xã hội, mỗi người trong chúng ta đều được trang bị một công cụ để thực hành quyền lực truyền thông. |
Một bài báo dẫn lời các nguồn tin ẩn danh sẽ không có nhiều giá trị về thông tin. Nhưng thông tin từ các trang cá nhân có danh tính, về lý thuyết, mặc nhiên được coi là nguồn tin có trách nhiệm. Nhưng trên thực tế, khi tham gia mạng xã hội với tâm thế “chơi mạng, chơi facebook” thì tính trách nhiệm lại vô cùng mờ nhạt.
Sự thiếu vắng trách nhiệm của người “chơi” mạng xã hội khiến họ có thể lớn tiếng xúc phạm, chửi mắng bất cứ ai, chỉ dựa trên định kiến, hoặc tình cảm của mình. Họ cũng có thể làm lây lan nỗi sợ hãi, thù ghét, sử dụng bạo lực đối với đồng loại bởi những ý nghĩ của bản thân, thông qua suy diễn ác ý, hoặc ngây thơ, của cá nhân.
Đã có những cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng mạng xã hội để truyền thông sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng. Nhưng, đó đều là những trường hợp cá biệt, khi thông tin đó gây hậu quả nghiêm trọng, và rõ ràng như vụ hoang tin máy bay rơi gần đây. Vì những tin tức bịa đặt mà đã có những người vô tội bị đánh như hai phụ nữ bán tăm, có người bị đốt xe như chuyện ở Hải Dương. Song, những kẻ loan tin sai sự thật dẫn đến hậu quả đó thì chưa hề bị buộc chịu trách nhiệm.
Với mạng xã hội, mỗi người trong chúng ta đều được trang bị một công cụ để thực hành quyền lực truyền thông. Có quyền lực trong tay, người ta có thể sử dụng nó theo cách mình muốn, song không phải ai cũng có đủ kiến thức, kỹ năng, và cả tinh thần trách nhiệm để sử dụng quyền lực đó. Quyền lực không được kiểm soát, đã, đang, và sẽ luôn là điều đáng sợ ở bất cứ cộng đồng nào.
Để được quyền điều khiển phương tiện cơ giới, người ta cần phải được cấp bằng.
Để được quyền bán thuốc, hoặc chữa bệnh, người ta cần phải được cấp bằng.
Để được quyền biểu diễn nghệ thuật, như kéo đàn violin trên phố, người ta cũng cần xin giấy phép.
Để được xuất bản một tờ báo, một cuốn sách, người ta cũng cần được cấp phép.
Song, để được quyền sử dụng mạng xã hội cho mục đích truyền thông, không ai cần bằng cấp, không ai bị ràng buộc bởi các quy định của pháp luật, bởi việc sử dụng mạng xã hội vẫn đang được nhìn nhận như một trò chơi.
Quyền lực không bao giờ là một trò chơi, quyền lực luôn có khả năng làm tha hoá con người, quyền lực tuyệt đối sẽ có thể dẫn đến tha hoá tuyệt đối. Vì thế mà quyền lực luôn phải được kiểm soát. Chỉ có quyền lực truyền thông trên mạng xã hội thì chưa phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào.
Xu hướng lạm dụng quyền lực truyền thông trên mạng xã hội đang dần trở nên phổ biến trong mọi hành vi ứng xử giữa con người, với con người. Vì thế, đã đến lúc, thứ quyền lực tấy cần được kiểm soát, bằng luật lệ, bằng quy định, và bằng những chế tài nghiêm túc. Đã đến lúc không thể tiếp tục coi việc sử dụng mạng xã hội giống như một trò chơi.