Trường y trong cơn biến động điểm chuẩn
- 10:50 02-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Do cách thi và xét tuyển
Học viện Quân y có mức điểm chuẩn "đụng trần" với 30 điểm áp dụng với thí sinh nữ miền Nam (tổ hợp A00) và thí sinh nữ miền Bắc (tổ hợp B00), cao hơn 1.25 điểm so với năm ngoái là 28.75.
Ngành Y đa khoa các trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y dược TP.HCM có mức điểm chuẩn đều là 29.25 điểm, cao hơn từ 2.25 – 2.5 điểm so với năm 2016.
Các trường y dược khác trên cả nước cũng có mức điểm tăng cao từ 2-3 điểm, có trường tăng tới hơn 4 điểm. Chẳng hạn như ngành Y đa khoa của Trường Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, năm 2016 điểm chuẩn vào ngành này là 22.8 điểm thì năm nay là 27, tăng hơn 4 điểm.
Mức điểm chuẩn ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội trong 7 năm, từ 2010 - 2017 |
Không chỉ Y đa khoa, điểm chuẩn các ngành khác của các trường y dược cũng có mức điểm dâng cao từ 2-3 điểm. Như ĐH Y Hà Nội, 7/10 ngành của trường có mức điểm từ 26 trở lên.
Lý giải về mức điểm chuẩn "đụng trần" của năm nay, GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định, nguyên nhân chủ yếu là do việc thay đổi cách thức thi và xét tuyển chứ năng lực của học sinh không thể tăng vượt bậc chỉ trong 1 năm.
Chia sẻ quan điểm này, PGS. TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, mức điểm chuẩn cao là do năm nay thi bằng hình thức trắc nghiệm, đề thi chưa phân hóa nhiều, thí sinh được điểm rất cao.
Còn PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết: "Điểm cao thì thí sinh rất vui và có nhiều hi vọng, nhưng về mặt tuyển sinh là không nên vì các trường mong có sự phân hoá rõ rệt để có thể lựa chọn thí sinh đúng chất lượng. Mặt khác, chính điểm quá cao khiến thí sinh hụt hẫng vì các em cứ nghĩ được điểm cao sẽ trúng tuyển nhưng thực tế là chưa chắc đỗ".
Trên diễn đàn có tên “Chuyện nghề y” với hơn 150.000 người theo dõi, ý kiến nên trả kỳ thi đại học lại cho các trường thay vì "bắt" các trường tuyển sinh bằng kết quả của một kỳ thi tốt nghiệp đã nhận được nhiều đồng tình.
Một người dùng Facebook có tên Khánh Nguyễn nhận định: "Mọi năm thi đạt trên 25 điểm học sinh đó là giỏi rồi nhưng kỳ thi năm nay điểm số đó là bình thường. Tôi kiến nghị lên Bộ GD-ĐT cần xem xét đánh giá lại rút kinh nghiệm và bố trí lại phương thức thi ĐH các năm sau đạt chất lượng hiệu quả hơn".
Điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn vẫn trượt vì tiêu chí phụ
Mặt bằng điểm cao cộng thêm quy định làm tròn điểm tới 0,25 đã dẫn đến hiện tượng quá nhiều thí sinh có cùng một mức điểm cao.
Trong khi đó, các trường y dược dù cùng một ngành nhưng lại đưa ra những tiêu chí phụ rất khác nhau đã dẫn đến việc có những thí sinh trượt "đau đớn" vì các tiêu chí phụnhư trường hợp của N.P.H và V.H.H.
V.H.H mặc dù có điểm thi là 29,35 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng vào Trường ĐH Y dược TP.HCM dù trường này chỉ lấy 29,25 điểm.
Nguyên nhân là do, theo quy tắc làm tròn điểm, điểm xét tuyển của H là 29,25 điểm (do khu vực 3 nên không có điểm ưu tiên), bằng mức trúng tuyển của trường. Tuy nhiên, do tiêu chí phụ ưu tiên số 1 mà Trường ĐH Y dược TP.HCM đặt ra là điểm môn ngoại ngữ từ 9 trở lên trong khi H chỉ đạt 8,8 điểm môn Tiếng Anh nên không đỗ.
Còn N.P.H cũng "trượt" ngành Y đa khoa ĐH Y Hà Nội "trong đau khổ" vì tuy đạt mức điểm 29,25 điểm, bằng mức điểm chuẩn trúng tuyển vào ĐH Y Hà Nội năm 2017.
Tuy nhiên, xét theo tiêu chí phụ thì H vẫn trượt vì khác với Trường DH Y dược TP.HCM, tiêu chí phụ được ưu tiên số 1 của Trường ĐH Y Hà Nội là điểm chưa làm tròn của thí sinh phải đạt 29,20 điểm (trong khi điểm chưa làm tròn của H chỉ đạt 29,15).
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, việc đặt ra tiêu chí phụ là điều bắt buộc năm nay vì với mức điểm cao, nếu không có tiêu chí phụ, trường tốp cao như ĐH Y Hà Nội không thể tuyển sinh được.
Trong khi đó, ông Trần Văn Nghĩa (Cục phó Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT) cho rằng, dự đoán được tình hình điểm chuẩn của một số ngành như y đa khoa, Bộ đã khuyến cáo các trường đặt tiêu chí phụ là tổng điểm 3 môn thi của thí sinh chưa làm tròn là tiêu chí phụ đầu tiên.
Điểm ưu tiên có tạo nên "bất công"?
Câu chuyện 2 thí sinh KV3 (thành phố) có điểm thi trên 29 điểm nhưng vẫn không đỗ vào 2 trường y khoa lớn nhất của cả nước còn làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển vào những ngành đặc thù như ngành y.
Trả lời báo chí thí sinh H. ở Thạch Thất, Hà Nội trượt ĐH Y Hà Nội nói trên đã cho rằng, việc mình trượt vì tiêu chí phụ là không công bằng vì tiêu chí phụ 1 của trường là điểm xét tuyển chưa làm tròn nhưng lại bao gồm cả điểm ưu tiên và điểm khuyến khích.
"Em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ?”.
Một lần nữa, chính sách cộng điểm ưu tiên như thế nào là hợp lý lại được đặt ra.
Trên diễn đàn Chuyện nghề y, một người dùng Facebook có tên Nguyệt Ng nêu quan điểm phải bỏ điểm cộng cho thí sinh xét tuyển đại học và chỉ cộng với diện tốt nghiệp THPT. Lý do là “xét tuyển ĐH ganh đua nhau từng 0,25 điểm nhưng có người được cộng điểm ưu tiên tới 3,5 điểm thì không công bằng".
Ý kiến này đã có gần 5.000 lượt like và hơn 5.00 lượt chia sẻ. Nhiều người nhìn nhận vẫn nên cộng điểm ưu tiên vẫn nên nhưng không nên duy trì mức cao như hiện nay.
Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kim Phung, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay, chính sách ưu tiên là cần thiết để đảm bảo công bằng xã hội, xét trên diện rộng khi Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn và đặc biệt là miền núi…
"Tất nhiên, chính sách ưu tiên cũng không phải là bất di bất dịch, cũng cần thay đổi theo thời gian, khi các điều kiện chênh lệch đã được thay đổi" - bà Phụng nói.
Cộng thế nào? Trong một bài viết năm 2015 đăng trên website "Học thế nào", GS Toán học Hà Huy Khoái nêu ý kiến: Theo tôi thì “tư chất” của con người phân phối đều trong các vùng miền. Khó có thể nói người Hà Nội “nói chung” thông minh hơn người Hà Giang. Vậy nhưng chất lượng học sinh, và do đó kết quả thi, ở hai nơi hoàn toàn khác nhau. Chắc ai cũng thừa nhận lý do chủ yếu là điều kiện sống, điều kiện học hành. Để giải một bài toán, cần khoảng 5 khâu lý luận, thì một em ở Hà Nội đã được học 4 khâu, chỉ cần “sáng tạo” một khâu nữa là đủ. Ngược lại, một em ở miền núi chỉ mới được học 2 khâu, nếu sáng tạo thêm 2 khâu nữa, điểm vẫn thua em ờ Hà Nội, mà thực chất là kém khả năng sáng tạo hơn em học sinh miền núi . Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta có chính sách “ưu tiên”. Vùng khó khăn được cộng điểm. Điều đó hoàn toàn hợp lý... Vấn đề còn lại là: cộng thế nào? Trước đây, khi kỳ thì đại học tách riêng kỳ thi tốt nghiệp, với mức độ khó cao hơn, học sinh được khoảng 13 điểm là đỗ, thì việc cộng 2 điểm chảng hạn, là cộng thêm 15, 4% số điểm. Khi tiến hành “2 trong 1”, thực chất học sinh nếu chỉ cần tốt nghiệp thì được khoảng 12 điểm (3 môn), kết hợp điểm tổng kết năm là đủ. Để đỗ đại học thì cần khoảng 15-18 diểm. Như vậy, chỉ tranh nhau “suất đại học” trong khoảng 3 đến 6 điểm. Nếu vẫn cộng 2 điểm như trước thì tức là đã cộng thêm 2 trong tổng số 3-6 điểm, tức là cộng khoảng 33,3% đến 66, 6% số điểm. Có lẽ cần có một sự điều chỉnh cho hợp lý chăng? Chẳng hạn nếu định như trước kia, ưu tiên 15% số điểm thì chỉ cộng thêm từ 0,45 đến 0, 9 điểm là cùng. |