Trẻ 1 tuổi “cõng” tiền xây dựng trường suốt 5 năm
- 15:42 01-08-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đến hẹn lại lên, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa mùa đồng thời cũng là “mùa đóng góp” hãi hùng đối với người dân nghèo ở thôn Ngọc Trạo. Một năm hai lần đóng góp, lần thứ nhất được gọi là “vụ 5” được thôn tiến hành thu vào tháng 6, lần thứ hai là vào tháng 11. Theo phản ánh của nhiều người dân, từ năm 2012 đến nay cả xã và thôn đều huy động toàn dân tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng.
Khi cầm tờ thông báo trên tay, không ít người dân choáng váng vì đối tượng thu chẳng chừa một ai, kể cả trẻ em đến người già, người khuyết tật cũng phải đóng góp. Như gia đình anh L.V.T ở thôn Ngọc Trạo có 4 nhân khẩu, trong đó 2 con nhỏ đều dưới 6 tuổi. Thế nhưng, tất cả các thành viên trong gia đình anh vẫn phải đóng góp không trừ khoản phí, quỹ nào.
Anh T. bức xúc nói: “Năm nào nhà tôi cũng đóng gần 1,5 triệu đồng. Đứa con nhỏ mới 3 tuổi cũng phải đóng tiền xây dựng nông thôn mới cho thôn, đến xã cũng bắt đóng để xây dựng đường, trường, trạm”.
Trẻ 1 tuổi phải đóng tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cho cả xã và thôn |
Cụ thể, trong vụ 5 năm 2017, ngoài các loại quỹ phòng chống thiên tai, an ninh quốc phòng, đền ơn đáp nghĩa, thu hoạt động thôn, quỹ liên gia, người dân còn phải “gánh” thêm 2 khoản thu của xã và thôn về xây dựng cơ sở hạ tầng. Mỗi người dân trong độ tuổi từ 1 đến 60 tuổi phải đóng cho xã 150.000 đồng/năm, và đóng cho thôn 400.000 đồng/năm. Riêng ở thôn thì cứ hễ ai có tên trong sổ hộ khẩu, không kể người già, trẻ nhỏ, đối tượng chính sách cũng đều phải đóng góp.
Bà Nguyễn Thị Hải, một người dân thôn Ngọc Trạo phàn nàn: “Mẹ tôi đã 81 tuổi, lại là vợ liệt sĩ mà vẫn phải đóng tất cả các khoản đóng góp cho thôn. Nhiều lần tôi bức xúc, gặp trực tiếp Ban lãnh đạo thôn thì mẹ tôi mới được miễn đóng góp một năm nay”.
Ông Hồ Hữu Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo trao đổi với PV |
Theo bà Hải, vụ nào cũng phải nộp vài trăm nghìn quỹ xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng cho cả xã và thôn, nhưng người dân không hề hay biết xây dựng, kiến thiết những gì. Cứ hễ xã, thôn “đẻ ra” khoản đóng góp nào thì người dân cứ thế mà nộp. Dù rằng biết các khoản thu vô lý nhưng cũng chẳng ai dám lên tiếng vì sợ bị cán bộ xã gây khó khăn khi đi xin các thủ tục hành chính.
Trao đổi với PV, ông Hồ Hữu Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo khẳng định, tất cả các khoản đóng góp và đối tượng thu đều đã được người dân bàn bạc, thống nhất nên thôn, xã mới tiến hành thu. Hơn nữa, khi huyện về thanh tra, kiểm tra cũng không có ý kiến gì về các khoản đóng góp của xã.
Để hợp lý hóa việc thu quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng, xã Ngọc Trạo đã đưa vào nghị quyết của HĐND xã. Ông Phú cho rằng, xã không có ngân sách để đầu tư xây dựng Nông thôn mới, sửa chữa các công trình công cộng như trường học, đường giao thông, trạm y tế nên cần huy động sức dân tham gia đóng góp.
Theo ông Phú cho biết, từ năm 2012 đến nay, xã đã dùng số tiền nhân dân đóng góp để xây dựng phòng chức năng của trường tiểu học, sửa chữa nhà 2 tầng trường THCS, mầm non,…
Được biết, xã Ngọc Trạo là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Thạch Thành, tỷ lệ hộ nghèo trên 11%. Mặc dù báo chí đã nhiều lần phản ánh về tình trạng lạm thu ở Thanh Hóa, nhưng nhiều địa phương vẫn tỏ ra thờ ơ, cố tình thu sai quy định.