Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đạt 29,25 điểm, nam sinh cay đắng trượt ĐH Y Hà Nội

Chia sẻ với Zing.vn, nam sinh đến từ Hà Nội cho biết em trượt ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội, vì thiếu 0,05 điểm và kém về tiêu chí phụ.

Sau khi các trường top đầu công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh và gia đình vẫn bất ngờ vì điểm trúng tuyển của các trường ở mức cao kỷ lục. Thí sinh N.P.H. (Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự em đau xót khi thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội.

Thua tiêu chí phụ và điểm cộng khu vực

Theo H., trong kỳ thi THPT quốc gia, nam sinh đạt số điểm lần lượt là Toán 9,4; Hóa 9,75; Sinh 10. Do thuộc khu vực 3, em không có điểm cộng ưu tiên, tổng điểm của H. là 29,15 (làm tròn thành 29,25).

Dù đủ điểm chuẩn vào trường là 29,25 nhưng khi xét tiêu chí phụ, H. trượt tiêu chí số một: Điểm xét tuyển chưa làm tròn. Các tiêu chí sau ưu tiên lần lượt: Điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng.

Theo nam sinh Hà Nội, điều khiến cậu bức xúc hơn cả là tiêu chí phụ số một: Ưu tiên điểm xét tuyển chưa làm tròn có công thức tính: Tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, làm tròn) + Điểm ưu tiên + Điểm khuyến khích.

"Em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ?", P.H. thắc mắc.

Nam sinh này cho rằng những năm gần đây, số thí sinh thuộc khu vực 3 trúng tuyển vào ngành Y đa khoa của trường rất ít.

"Năm nay đề thi dễ, thí sinh đạt điểm cao, các câu khó không nhiều. Những thí sinh ở khu vực 3 nói chung như em, học đi học lại, làm các dạng bài khó tốn biết bao công sức và thời gian lại kém hơn vì điểm cộng. Điều này thực sự không công bằng", chàng trai nói.

Nam sinh nhận định ở các trường khác như quân đội (tuyển nữ), có ngành lấy 30,25 điểm. Giả sử thủ khoa 30 điểm nhưng ở khu vực 3 thì vẫn trượt đại học.

Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Tuấn. 


Trượt đại học trong cay đắng

N.P.H buồn bã cho biết "số phận của em rất cay đắng vì đây là năm thứ hai em thi đại học. Thật sự thiếu 0,05 điểm để gục ngã trước 'cánh cổng thiên đường' là một điều quá sức chịu đựng với em”.

Trong đợt đăng ký nguyện vọng đầu tiên, H. xếp theo thứ tự là: Học viện Quân y (hệ quân sự), ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Bình, Học viện Quân y (hệ dân sự).

Tuy nhiên, sau khi thi xong, nam sinh thấy mình đạt điểm khá cao nên quyết định thay đổi nguyện vọng 1 là ĐH Y Hà Nội, nguyện vọng 2 là Học viện Quân y (hệ dân sự).

“Đỗ vào ĐH Y Hà Nội là ước mơ từ nhỏ và cả cuộc đời của em, vì vậy em đã quyết tâm làm bằng được, giành ưu tiên nguyện vọng 1. Em đã đấu tranh để thay đổi nguyện vọng khi bố mẹ định hướng vào hệ quân sự của Học viện Quân y. Em đã đánh đổi hai vị trí này cho nhau. Em đã hy sinh rất nhiều, nhưng chỉ thiếu 0,05 điểm mà đã thất bại”, nam sinh bày tỏ.

Thua tiêu chí phụ và điểm cộng khu vực

Trả lời Zing.vn chiều 31/7, GS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội - cho biết: Điểm chuẩn của ngành Y đa khoa lên tới mức 29,25, cao nhất từ trước tới nay. Điều này do cách thức thay đổi trong thi cử, không phải do năng lực của học sinh giỏi vượt bậc sau một năm.

Ông Tú đánh giá nhìn chung, điểm thi, phổ điểm cao, học sinh và nhà trường được lợi.

 GS Nguyễn Hữu Tú - Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Sương.


GS Nguyễn Hữu Tú thông tin: Tiêu chí phụ được nhà trường xây dựng theo quy chế của Bộ GD&ĐT để việc xét tuyển được đảm bảo thuận lợi.

Năm nay, ĐH Y Hà Nội nằm trong nhóm xét tuyển miền Bắc (do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì). Nếu không có tiêu chí phụ, trường top cao như ĐH Y Hà Nội không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao.

Về việc cộng điểm ưu tiên, GS Nguyễn Hữu Tú nói cũng thuộc quy chế của Bộ GD&ĐT. Với ĐH Y Hà Nội, số thí sinh được cộng điểm chiếm đa số, số thí sinh không được cộng điểm là thiểu số. Theo quy định chung, học sinh ở Hà Nội đương nhiên không được cộng điểm.

Trước những trường hợp thí sinh thiếu 0,05 điểm trượt ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú cho biết điều này rất đáng tiếc cho các em nhưng điểm chuẩn không thể thay đổi.

“Trong thi cử, việc chênh lệch điểm ít hay nhiều dẫn đến đỗ hay trượt là chuyện đương nhiên, các em phải chấp nhận. Các em không đỗ ngành này có thể chuyển sang ngành khác, không đỗ trường này chuyển sang trường khác. Tôi chỉ tiếc là nhiều thí sinh đạt điểm cao không đăng ký vào ĐH Y Hà Nội (phân hiệu ở Thanh Hóa). Những năm sau, thí sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin này”, Phó hiệu trưởng nhà trường nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Tú, khi lọc ảo, trường đưa ra các tiêu chí cho phần mềm chạy tự động, vì vậy cũng không thống kê có bao nhiêu thí sinh thiếu 0,05 điểm trượt ngành Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội.