Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vạch trần thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người đàn bà bán hàng đa cấp

Đến ngày 26-7 đã có 445 nạn nhân là bị hại trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV VNT Telecom Việt Nam nhận được số tiền đền bù do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ trao trả.

Việc thu hồi tiền trong các vụ lừa đảo bán hàng đa cấp là cực kỳ khó khăn, do bản chất của các vụ việc này là đối tượng thu tiền của người trước, trả cho người sau, không có hoạt động sản xuất, kinh doanh để sinh lời...

Song bằng sự nỗ lực không ngừng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã tích cực xác minh, thu hồi tài sản, khắc phục một phần thiệt hại cho người dân.

Đa số nạn nhân của vụ án này là những người già, không còn khả năng lao động, số tiền bị chiếm đoạt là khoản tích cóp được của họ và gia đình trong suốt bao nhiêu năm nay. Chính điều đó, đã thôi thúc cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế điều tra, vạch trần bộ mặt thật của đối tượng lừa đảo.

Lê Thị Hồng Lan (40 tuổi, trú tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ), thành lập Công ty TNHH MTV VTL Telecom Việt Nam (gọi tắt là Công ty VNT) vào năm 2012, đăng ký kinh doanh 8 ngành nghề nhưng chủ yếu là hoạt động kinh doanh thương mại, mua bán hàng hóa sản phẩm tiêu dùng.

Với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, năm 2015, Công ty VNT tự đặt ra mô hình liên kết bán lẻ "câu lạc bộ (CLB) VNT" có trả thưởng, mở 32 điểm giao dịch bán lẻ trên 12 tỉnh, thành phố.

Đối tượng tự xây dựng và đặt ra chính sách quy định về thu tiền "phí sinh hoạt câu lạc bộ VNT" và trả tiền "hoa hồng trực tiếp", trả tiền "phúc lợi" với mức cao (nộp tiền phí sinh hoạt CLB trong 12 tháng với tổng số tiền là 33 triệu 600 nghìn đồng thì hội viên sẽ được hưởng phúc lợi là 60 triệu đồng và có thể được nhận tiền thưởng lên tới 121 triệu đồng khi công ty đạt doanh số) để thu hút người tham gia trở thành hội viên, sau đó chiếm đoạt tiền của họ.

Người tham gia muốn trở thành hội viên CLB VNT phải nộp một khoản tiền gọi là phí "duy trì mua hàng" hay phí "sinh hoạt CLB VNT" là 2,8 triệu đồng/tháng và phải duy trì liên tiếp trong 12 tháng thì được công ty trả "phúc lợi" 5 lần với các mức tăng dần.

 Các hình ảnh đối tượng dùng để quảng bá cho công ty nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài việc đưa ra chính sách trả thưởng cao để thu hút người tham gia đăng ký là hội viên CLB, Lan còn có nhiều thủ đoạn tinh vi khác.

Quá trình điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế xác định: Ngay từ đầu, Lan đã cho in ra các phiếu đăng ký thành viên CLB họ (căn cứ vào Nghị định số 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ) để cấp cho người tham gia đăng ký là hội viên CLB VNT. Mục đích của việc đưa ra các thông tin trên là để hội viên CLB VNT tin tưởng rằng hoạt động của công ty là “hụi, họ, biếu, phường” được Nhà nước quy định tại Nghị định 144 của Chính phủ...

Trên thực tế, hoạt động thu tiền "Phí sinh hoạt CLB VNT" và trả tiền phúc lợi không phải là hoạt động như Lan đã nêu trong phiếu đăng ký thành viên CLB bộ “họ”.

Để có hình ảnh tuyên truyền rộng rãi, nhằm thu hút nhiều người tham gia tại các buổi tổ chức hội nghị, hội thảo, Lan dàn dựng các nội dung như trực tiếp trao các hộp quà, giấy chứng nhận đạt mức tiền "phúc lợi" cao và yêu cầu nhân viên chụp lại hình ảnh việc Lan trao tiền "phúc lợi".

Sau đó, Lan in các hình ảnh hội viên nhận thưởng vào các sổ sinh hoạt CLB VNT, sổ cẩm nang khởi nghiệp và sử dụng hình ảnh này để trình chiếu slide trong các buổi hội nghị, hội thảo.

Quá trình điều tra, Công an xác định những người được trao giấy chứng nhận thưởng "phúc lợi" ở mức cao (mức 50,5 triệu đồng; 71 triệu đồng; 121 triệu đồng) như trong hình ảnh đối tượng từng quảng bá không hề nhận được tiền. Họ chỉ được Lan nhờ lên sân khấu để nhận quà tượng trưng.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, đối tượng còn in các quyển hóa đơn bán hàng thông thường nhưng không đăng ký thông báo phát hành với cơ quan thuế. Lan yêu cầu các văn phòng giao dịch viết giá trị hàng hóa, dịch vụ trong hóa đơn đều có chung giá trị như nhau là 2,8 triệu đồng.

Trên thực tế, không có việc mua, bán hàng hóa như trên hóa đơn thể hiện. Việc sử dụng các hóa đơn bán hàng này là để hợp thức hóa cho việc thu tiền "phí sinh hoạt CLB là 2,8 triệu đồng/tháng như một hoạt động bán hàng, nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Chưa dừng lại ở đó, để thu được nhiều tiền của những người tham gia, Lan ra quyết định thành lập 32 văn phòng giao dịch tại 12 tỉnh, thành; đồng thời thuê nhân viên của công ty và các văn phòng đại diện thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.

Nguyễn Xuân Diệu phụ trách công nghệ thông tin, có nhiệm vụ quản lý, phát triển website của Công ty VNT. Quản lý hệ thống hội viên CLB VNT Telecom Việt Nam, cập nhật thông tin thu, trả tiền cho hội viên vào file exel trên máy tính; Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Quang Thái là nhân viên phòng chăm sóc khách hàng cùng với Đặng Ngọc Thảng, là nhân viên phòng kinh doanh có nhiệm vụ chung là tổ chức hội nghị, hội thảo để thuyết trình về pháp lý, hoạt động của Công ty VNT;....

Ngoài ra, Lan còn thiết lập một hệ thống các trưởng văn phòng, có nhiệm vụ thu tiền và nộp lại cho Lan. Hằng tháng, khi thu được tiền “phí sinh hoạt CLB VNT” của các văn phòng, Lan luôn giữ lại một phần để chiếm hưởng cá nhân.

Trước khi sử dụng phần còn lại, Lan đã chỉ đạo các nhân viên dự kiến cân đối giữa tổng số tiền phí thu được với tổng số tiền “phúc lợi” phải trả cho các hội viên hàng tháng theo quy định mà Lan đã đưa ra.

Trong trường hợp số tiền thu phí của hội viên không đủ để trả tiền “phúc lợi” cho những người đến kỳ nhận được thì Lan vẫn giữ lại một phần tiền để sử dụng cá nhân.

Số tiền còn lại, Lan chỉ trả cho một số lượng hội viên nhất định và tiếp tục kéo dài thời hạn trả tiền “phúc lợi” đối với số hội viên khác mà theo đúng quy định Lan đã đưa ra thì trong tháng họ phải được nhận tiền “phúc lợi”...

Với thủ đoạn trên, đến tháng 3-2016, rất nhiều hội viên ở các văn phòng đến thời điểm nhận tiền “phúc lợi” nhưng chị ta trốn tránh trách nhiệm trả tiền như ban đầu bằng cách thay đổi chính sách, yêu cầu hội viên kéo dài thời gian duy trì nộp tiền “phí sinh hoạt CLB” từ 12 lên đến 16 tháng nhưng vẫn trả tiền “phúc lợi” như cũ.

Tiếp đó, đến tháng 6-2016, Lan lại thay đổi quy định, không thực hiện đúng với cam kết ban đầu, gây bất lợi cho các hội viên...

Vì thế, nhiều người đã không tiếp tục đóng tiền “phí sinh hoạt CLB” và yêu cầu Lan phải trả lại phần tiền gốc đã nộp nhưng Lan không thực hiện và loại bỏ họ ra khỏi danh sách hội viên. Đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại là 18 tỷ đồng.