Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngân hàng lãi ngàn tỷ, ồ ạt tăng lương, rầm rộ tuyển người

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt ngân hàng ồ ạt tăng lương và rầm rộ tuyển nhân viên trong bối cảnh lãi ngàn tỷ. Thời kỳ đen đủi của ngành ngân hàng dường như đã qua đi.

Rầm rộ tuyển dụng

Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) vừa ra thông báo tuyển dụng 500 nhân sự cho nhiều vị trí từ chuyên viên đến cấp quản lý làm việc tại hội sở và các đơn vị kinh doanh trên toàn quốc nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng mạng lưới, phát triển kinh doanh.

Ngân hàng này chiêu mộ nhân tài cho nhiều chức danh, từ giám đốc, phó giám đốc chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng cho tới trưởng phòng, trưởng bộ phận từ Bắc vào cho tới TP.HCM, Cần Thơ,... Nam A Bank cũng tuyển hàng trăm vị trí chuyên viên, từ giao dịch viên, chăm sóc khách hàng, tư vấn kinh doanh thẻ,... cho đến các vị trí truyền thông, thiết kế, công nghệ thông tin,...

Nhân sự ngành ngân hàng đang tươi trở lại. 


Ở vị trí top đầu, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có kê hoạch tuyển dụng lớn. VCB có nhu cầu tuyển dụng hơn 400 cán bộ cho 94 chi nhánh khắp cả nước trong tháng 7 này, trong đó một phần lớn (hơn 280 người) cho vị trí cán bộ khách hàng.

Một ông lớn trong ngành ngân hàng khác - VietinBank cũng vừa ra thông báo tuyển dụng 77 chỉ tiêu tại trụ sở chính trong quý 3/2017, với rất nhiều lĩnh vực từ truyền thống như chăm sóc khách hàng, quả trị dữ liệu, phân tích kinh doanh, công nghệ thông tin, thẩm định tín dụng,... cho đến các nghiệp vụ phức tạp và mới hơn như: kinh doanh ngoại tệ, phái sinh hàng hóa, phái sinh lãi suất. Địa điểm làm việc tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Sacombank, sau hơn 5 năm biến động nhân sự cao cấp, nay cũng đăng thông báo tuyển dụng hàng trăm người, nhưng phần lớn là các nhân viên ở các vị trí hỗ trợ như nhân viên bảo vệ, nhân viên giám sát...

Trên thực tế, xu hướng các ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng trở lại có từ hơn 2 năm qua với nhiều ngân hàng tuyển tới một vài ngàn người trong năm 2016 như VPBank, VietinBank BIDV, MBBank. Đây là giai đoạn tăng cường hoạt động trở lại sau vài năm tái cơ cấu và thắt chặt trước đó, từ 2011-2013.

Hoạt động kinh doanh lãi ngàn tỷ, tăng trưởng tín dụng cao trong 6 tháng đầu năm 2017 và triển vọng khá tốt cho nửa năm còn lại là tiền đề để các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tuyển dụng và tăng lương cho người lao động.

Hầu hết các ngân hàng trong nửa đầu năm đều có tăng trưởng tín dụng rất cao như: Vietcombank 13,1%, Vietinbank (CTG); Sacombank (STB) hơn 10%, Nam Á Bank 12%,...

Nhiều ngân hàng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để trả lương cho nhân viên thêm 15-20%, lên 10-26 triệu như: Vietcombank, LienVietPostBank, KienLongBank,... Riêng Vietcombank, lương trung bình của nhân viên lên tới 26,3 triệu đồng/tháng, cao hơn 4 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2016.

Ngân hàng: Nghề không dễ

Làn sóng tăng lương và đẩy mạnh tuyển dụng là tín hiệu cho thấy các ngân hàng đang hoạt động hiệu quả hơn.

Thực tế cũng đúng như vậy. Vietcombank báo lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên hơn 5 ngàn tỷ đồng, dự kiến cho cả năm vượt ngưỡng 9,5 ngàn tỷ đồng; Vietinbank cũng ghi nhận 4,7 ngàn tỷ đồng; BIDV dự kiến ở mức trên dưới 4 ngàn tỷ; Sacombank 430 tỷ, VPBank, MBBank lợi nhuân cũng cao vọt,...

Sếp ngân hàng kiếm tiền tỷ nhưng rủi ro lớn. 


Tín hiệu này khiến không ít nhân viên ngân hàng vui mừng. Sau nhiều năm sống trong khó khăn, gần đây, họ đã “dễ thở” hơn và thu nhập theo như số liệu sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thực tế không đến mức tươi sáng như vậy. Lương thưởng trung bình của lao động trong ngành đang tăng lên nhưng thông thường chỉ tập trung vào nhân sự cao cấp và trung cấp.

Một số báo cáo gần đây cho thấy, lương của sếp ngân hàng có thể lên tới nửa tỷ đồng/tháng. Thống kê của Adecco, một doanh nghiệp cung cấp giải pháp nhân sự toàn cầu, cho thấy, các lãnh đạo ngân hàng, bao gồm các vị trí như tổng giám đốc, giám đốc khối, giám đốc bán lẻ, giám đốc công nghệ thông tin,... có mức lương rất cao, lên tới 300-400 triệu đồng/tháng.

Trong đó, giám đốc khối bán lẻ có lương từ 250-360 triệu đồng/tháng. Lương của giám đốc công nghệ thông tin trong ngân hàng cũng ở mức rất cao, từ 115 triệu cho tới 360 triệu đồng/tháng. Trưởng phòng thẻ tín dụng cũng có mức lương lên tới hơn trăm triệu đồng/tháng. Lãnh đạo khối nguồn vốn và khối đầu tư cũng có lương xoay quanh 150-200 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, nhiều vị trí lãnh đạo trung cấp có lương vài chục cho tới gần trăm triệu đồng. Điều đó có nghĩa, rất nhiều vị trí có lương thấp.

Hơn nữa, tiêu chuẩn ứng cử vào các ngân hàng vẫn ở mức cao và khắt khe. Tuy nhiên, những vị trí chiếm số đông như: giao dịch viên, chăm sóc khách hàng,... không thực sự hấp dẫn, không còn "hot" như trước. Chưa kể, chỉ cần rủi ro, sai một ly có thể đi ngàn dặm.

Trong tương lai, cuộc cách mạng 4.0 cũng có thể khiến hàng chục ngàn nhân viên ngân hàng mất việc do công nghệ sẽ đảm nhiệm, thay thế.

Nhìn chung, lương trong lĩnh vực ngân hàng vẫn ở mức cao hơn so với các ngành khác như văn phòng, luật pháp, kỹ thuật và công nghệ, y tế, bán hàng, marketing,... Tuy nhiên, lương chênh lệch rất lớn giữa các vị trí.

Với các sếp, lương bổng cao có thể lĩnh cả nửa tỷ đồng/tháng do đây là vị trí rất quan trọng trong ngân hàng, có thể mang lại lợi nhuận rất lớn nhưng rủi ro cũng rất nhiều. Không ít người đã từ bỏ mức lương khủng nói trên. Có trường hợp giám đốc ngân hàng từ bỏ mức lương vài trăm triệu để chuyển sang lĩnh vực giáo dục nhắm tránh những rủi ro liên quan tới tiền bạc.