Chuyện tình cảm động của cựu binh và người vợ son sắc thủy chung
- 08:15 27-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Ngọ Duy Khanh, sinh năm 1959 tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Thời trai trẻ, ông từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tháng 3/1979, ông bị địch bắn tỉa thấu phổi, trúng cả bả vai, sương sườn... Trong 2 năm, ông được chuyển đi chữa trị khắp các bệnh viện ở khu vực Bắc Trung Nam mới thoát được cơn thập tử nhất sinh. |
Trong thời gian đó, ông Khanh gặp người đồng đội cũng là đồng hương Dương Văn Long cùng phải nhập viện chữa trị vết thương. Hai người lính kết thân bạn hiền. Ông Long ngỏ ý gả người em gái ruột ở quê. Qua những lời giới thiệu, ông Khanh chủ động viết thư gửi về quê hỏi thăm người con gái chưa một lần gặp mặt là thiếu nữ Dương Thị Hạnh, sinh năm 1960. Từ hậu phương, cô gái Hạnh cũng viết vài lá thư trả lời người lính xa lạ. "Lúc đó, thấy anh ấy viết, lại nói là bạn của anh trai thì mình cũng trả lời. Một thời gian sau, anh ấy gửi cho tôi tấm hình. Tôi thấy cũng đẹp trai nhưng chưa có tình cảm trai gái gì cả", bà Hạnh vui vẻ nhớ lại. |
Đến năm 1981, đoàn của ông Khanh cùng ông Long chuyển về Đoàn an dưỡng thương binh 585 Tây Hồ, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Lúc này, bà Hạnh từ quê miền núi Lang Chánh đến thăm anh trai. Tại đây, bà gặp chàng trai đã viết thư cho mình. "Cô ấy thấy tôi chống nạng bước đi chậm rãi rồi cảm mến. Chúng tôi có thời gian trò chuyện, hiểu nhau hơn. Tình yêu đơm hoa kết trái lúc nào không hay. Chỉ 2 tuần sau chúng tôi tổ chức đám cưới trong niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến", ông Khanh kể. |
"Đám cưới diễn ra kỳ lắm. Chú rể không thể đi rước cô dâu vì què quặt, chỉ đứng ở nhà chờ. Nhiệm vụ này giao cho họ hàng dùng xe đạp vượt hơn 80 km thực hiện", ông Khanh vui vẻ kể tiếp. Thế rồi, hai ông bà về sống với nhau. Niềm hạnh phúc như nhân đôi khi trong các năm 1983 - 1984, họ có với nhau 2 người con (1 trai, 1 gái). Thế nhưng, đến cuối năm 1989 - đầu 1990, vết thương từ thời chiến tranh của ông Khanh tái phát. Cuộc sống của ông bà chuyển sang một trang mới khó khăn hơn. Ông bị nằm liệt giường, mỗi năm đi viện đến hơn chục lần và phải cắt bỏ cánh tay phải. |
Từ đó đến nay, đã 28 năm, ông Khanh chỉ nằm liệt một chỗ. Mọi trọng trách, gánh nặng trong gia đình đều giao lại cho người vợ. |
Không chỉ là người vợ, người mẹ đảm đang, tảo tần, bà Hạnh còn là một điều dưỡng viên tại nhà của chồng - người thương binh nặng, mất 95% sức khỏe. |
Cứ vài phút một lần, bà Hạnh giúp chồng lật người, xoa bóp các khớp cho chồng đỡ tê mỏi. "Hàng chục năm qua, bà ấy chưa một lần nào than trách. Số tôi thật may mắn, lấy được một người vợ nghĩa tình sắc son", ông Khanh xúc động nói. |
Hàng ngày, ông Khanh làm bạn với chiếc đài cassette để theo dõi tin tức. |
Còn bà Hạnh ngồi ở gian bếp kề bên để làm thêm nem bán, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. |
Buổi trưa hoặc chiều tối, gia đình trở nên ấm áp, nhiều tiếng cười hơn khi có người con gái út Ngọ Yến Chi ở nhà kế bên, sắp xếp công việc qua phụ giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, cơm nước... |
Buổi tối khi cơm nước xong, bà Hạnh ngồi kế bên ân cần lau người, bóp tay chân cho chồng. Họ ngồi kể cho nhau những câu chuyện thường ngày hoặc ôn lại những kỷ niệm tình yêu từ thời chiến. Ông Khanh còn sáng tác nhiều bài thơ lấy cảm hứng từ người phụ nữ mà ông luôn tâm niệm là tuyệt vời nhất trên đời. "Chỉ có vợ mới hiểu, chồng đau đớn dường nào. Chỉ có chồng mới biết, vợ vất vả làm sao", người cựu binh Ngọ Duy Khanh ngẫu hứng sáng tác bài thơ động viên vợ khiến bà cười hạnh phúc, xua tan mỏi mệt. Với họ, tình yêu vẫn nồng cháy, vẹn nguyên như ngày đầu. |