Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện những người lính cứu hỏa: Tiếng khóc vỡ òa của cậu bé 6 tuổi mắc kẹt trong tòa nhà bốc cháy

“Lúc đó, tôi nghĩ rằng, nếu tòa nhà sập xuống tôi sẽ làm thế nào? Tôi không mang theo điện thoại, không thể gọi về cho gia đình. Tôi chỉ biết tiếp tục đi về phía trước... ", Thượng sĩ Trương Duy Tùng chia sẻ về thời khắc một mình đi tìm người mắc kẹt trong đám cháy ở khu đô thị Xa La.

Trong nhiều năm gắn bó với nghề cứu hỏa, Thượng sĩ Trương Duy Tùng (SN 1993), cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PC&CC Số 7, ấn tượng nhất với vụ cháy tại toà nhà CT4B (khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội), tháng 11/2015.

Trong vụ cháy gây xôn xao dư luận này, Duy Tùng cũng là người hướng dẫn thoát hiểm, cứu thoát 50 người mắc kẹt tại các tầng của tòa nhà.

 Sau một đám cháy (Ảnh: VietNamNet)

“Hôm đó, sau khi nhận được tin báo, tôi và hơn 50 chiến sĩ khác lập tức lên đường. Đúng 19 giờ 50 phút, những chiếc xe cứu hỏa đầu tiên chuyển bánh.

Đến nơi, chúng tôi chuẩn bị các biện pháp phòng hộ và các vật dụng cần thiết đi vào hầm gửi xe để tiến lên các tầng. Tuy nhiên mới vào được một lúc, sức nóng của đám cháy khiến chúng tôi không thể tiếp tục", Thượng sĩ trẻ chia sẻ.

Với thành tích trên, Thượng sỹ Trương Duy Tùng đã được Thủ tướng chính phủ tuyên dương, tặng bằng khen. Trong chương trình Tổng kết 5 năm thực hiện nghị quyết Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, anh cũng được tôn vinh là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu nhất.

Anh kể thêm: "Nhận định tình hình vô cùng nguy cấp, chúng tôi được chia làm 2 tổ, mỗi tổ 3 người. Tôi cùng 2 đồng chí nữa được lệnh tiếp cận tòa nhà CT4B theo đường cầu thang thoát hiểm để đi lên giải cứu người mắc kẹt.

Khi đi lên tầng cao, chúng tôi gặp một tốp cư dân của tòa nhà đang di chuyển xuống. Một đồng chí trong đội lập tức được cử để đưa những người này xuống. Còn tôi và một tiểu đội trưởng tiếp tục đi lên".

"Tôi và anh ấy đi theo lối cầu thang bộ lên đến tầng 20 thì bắt gặp một phụ nữ trung tuổi bị mắc kẹt. Chị có dấu hiệu kiệt sức và hoảng sợ. Thấy vậy, tiểu đội trưởng cõng nạn nhân xuống tầng 1 thoát ra ngoài. Trong khi đó, tôi tiếp tục cầm đèn pin đi lên các tầng tiếp theo”, Thượng sỹ Trương Duy Tùng nhớ lại.

Đi đến các tầng cao, Duy Tùng gõ cửa và hô gọi rất lớn nhưng không thấy bất cứ hồi đáp nào. Lúc này, khói và khí độc bao trùm dày đặc khiến anh có chút lo sợ.

 Thượng sĩ Trương Duy Tùng

“Lúc đó, tôi nghĩ rằng, nếu tòa nhà sập xuống tôi sẽ làm thế nào? Trong tòa nhà này có còn ai mắc kẹt nữa hay chỉ còn lại mình tôi? Hơn nữa, tôi không mang theo điện thoại, không thể gọi về cho gia đình. Tôi chỉ biết đi tiếp... ", người lính cứu hỏa sinh năm 1993 kể.

Sau đó, anh di chuyển đến tầng 23 để gõ cửa từng căn hộ, tìm người mắc kẹt. Bỗng nhiên tại một căn hộ phía cuối hành lang, một cậu bé khoảng 6 tuổi bỗng chạy ra ôm chầm lấy anh. Em hét lớn: “Cháu ở đây. Cháu được cứu rồi”, rồi òa khóc.

Anh đưa em bé và gia đình của em (đang ở trong căn hộ) lên sân thượng rồi tiếp tục quay lại các tầng 31, 32, 33 tìm người mắc kẹt để trợ giúp. Càng lên cao, anh càng tìm thấy rất nhiều nạn nhân.

Trong số đó có trường hợp đặc biệt là một gia đình có cháu nhỏ mới sinh khoảng 10 ngày tuổi. Thượng sỹ Tùng đã lấy chăn ướt trùm lên cả 2 mẹ con rồi dìu người mẹ đang ôm con nhỏ lên tầng thượng.

Những người già được anh hỗ trợ, giúp thoát lên sân thượng không nén được nước mắt, ôm lấy Tùng nói lời cảm ơn...

Khi lên đến tầng thượng, anh còn gặp trường hợp một người phụ nữ đang mang thai vì đói nên bị tụt huyết áp. Anh vội vàng chuyển ngay chiếc bình oxi của mình cho chị. Sau đó, Thanh Tùng nhờ một người dân ở căn hộ tầng 35 đưa anh xuống căn hộ này để lấy thực phẩm (bánh, sữa...) mang lên cho sản phụ trên.

"Những lần đi lên đi xuống ấy, tôi phải di chuyển hoàn toàn bằng thang bộ, dù phải bật tới 2 chiếc đèn pin chiếu sáng nhưng dường như vẫn không đủ vì quá tối, khói mù mịt bao phủ khắp xung quanh”, Thượng sỹ Duy Tùng nhớ lại.

 Một chiến sĩ lực lượng PCCC bị ngạt khí khi cứu người trong đám cháy tại khu đô thị Xa La(Ảnh: VietNamNet)

Thượng sĩ Tùng cùng người dân trụ lại sân thượng của tòa nhà trong khoảng một tiếng đồng hồ.

Sau đó nhận được tín hiệu của đồng đội là khói đã đỡ nhiều, anh lại hướng dẫn khoảng 30 thanh niên đi theo thang bộ xuống đất. 20 người còn lại gồm người già, trẻ nhỏ... tiếp tục ở trên sân thượng chờ lực lượng cứu hộ và y tế lên trợ giúp và di chuyển xuống dưới.

"Đến khoảng 12 giờ đêm chúng tôi có lệnh rút quân. Thực sự là lúc đó rất mệt nhưng tôi vui vì biết rằng nhiều người dân đã an toàn trong vụ cháy nguy hiểm này”, Thượng sỹ Duy Tùng xúc động kể.

Chia sẻ về nghề chữa cháy, Đại úy Lã Tuấn Anh (SN 1982), Phó đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp, Phòng Cảnh sát PC&CC Số 7 kể, anh ấn tượng với những đám cháy trong mùa lũ, lụt.

Theo anh, mùa mưa lũ cũng là thời điểm dễ xảy ra hỏa hoạn bởi ngày mưa bão thường gây cảnh chập cháy điện. Ngoài ra, thời điểm này dễ bị cắt điện nên người dân thường dùng nến để thắp sáng, nếu không cẩn thận dễ bị bắt lửa gây cháy.

 Những chiến sỹ cảnh sát PCCC tác nghiệp tại một đám cháy lớn (Nguồn ảnh: Phòng Cảnh sát PC&CC Hà Nội cung cấp).

"Tôi vẫn nhớ như in những khoảnh khắc chữa cháy cùng các chiến sỹ trong trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008, anh cho biết.

Đại úy Tuấn Anh kể: “Năm 2008, mưa bão kéo dài triền miên khiến cho nhiều khu vực Hà Nội ngập trong biển nước. Hôm ấy, chúng tôi nhận được lệnh báo cháy khẩn cấp nên điều động 2 xe chữa cháy lập tức tới hiện trường.

Đó là một căn nhà 2 tầng nằm trên một con phố nhỏ của Hà Nội. Khi chúng tôi đến thì tầng 2 đã biến thành biển lửa, giống như một “lò bát quái”. Ở bên dưới, tầng 1 nước vẫn ngập sâu quá nửa người.

Lúc này, nhận định tình hình vô cùng khó khăn, tôi ra lệnh anh em triển khai đường vòi vào căn nhà một cách an toàn nhất.

Tiếp đó, tôi cùng 15 đồng chí lập tức nhảy xuống nước, di chuyển vào để thực hiện nhiệm vụ. Sau 30 phút chiến đấu với “giặc lửa” chúng tôi đã khống chế đám cháy an toàn”.

Yên tâm vì lửa được dập tắt, anh cùng đồng đội nhận lệnh trở về đơn vị. Về tới nơi khi quần áo đã ướt sũng, chưa kịp ăn vội bát cơm tối thì lập tức các anh lại nhận được lệnh có cháy do nổ bếp ga ở khu vực Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội.

Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ khiến cho việc chữa cháy vô cùng khó khăn. Đại úy Lã Tuấn Anh đã hướng dẫn lính cứu hỏa triển khai một đường vòi dài tiến thẳng vào ngôi nhà. Mặt khác vì lũ ngập sâu, anh cùng đồng đội phải ngụp lặn trong làn nước lạnh để bơi vào khống chế đám cháy.

“Khi tôi cùng các anh em bơi vào đến nơi cũng là lúc ngọn lửa đang bốc cháy ngùn ngụt, khói đen kịt bốc lên nghi ngút”, Đại úy Lã Tuấn Anh kể.

Sau nhiều tiếng khống chế ngọn lửa, họ lại vội vã thu dọn đồ đạc ra về cũng là lúc trời đã tờ mờ sáng. Ai nấy đều vội vã tranh thủ lên xe chữa cháy đang nổ để tranh thủ một giấc ngủ vội khi trời vẫn tầm tã mưa.