Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


‘Truyền hình thực tế dạy người mẫu cư xử đốp chát, chợ búa, bán rẻ danh dự'

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, những gì truyền hình thực tế đang phô bày đã dạy người mẫu cư xử đốp chát, chợ búa, bán rẻ danh dự để đạt được mục đích.

Những chương trình truyền hình thực tế (THTT) về người mẫu như The Face, Vietnam's Next Top Model đang lên sóng đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội vì đập vào mắt người xem chỉ là cảnh cãi vã, đánh nhau như chợ búa của các thí sinh.

Nhiều khán giả còn gay gắt cho rằng những show này đã phô bày toàn bộ mặt trái vốn bị định kiến là "chân dài não ngắn" của giới người mẫu, ảnh hưởng không nhỏ tới người xem, nhất là giới trẻ.

Dưới góc nhìn tâm lý học, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, khoa tâm lý giáo dục Đại học Sư phạm TP.HCM đã có những ý kiến thể hiện quan điểm.

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/07/26/phong_van_thay_khac_hieu_2111.mp4[/presscloud]

Video: Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ cái nhìn dưới góc độ tâm lý về THTT

- Trước đây nghề người mẫu được tôn trọng, giờ người ta gọi giới chân dài là “con nọ con kia”, kèm theo đó là các show phô bày toàn bộ mặt trái của nghề... Theo anh, lý do nào khiến nghề này thảm hại trong mắt công chúng như thế?

Những chương trình THTT phơi bày góc khuất trong giới người mẫu. Chúng ta xem trên báo đài, tivi thấy người mẫu đi trên sàn catwalk rất đẹp, nói chuyện chỉn chu nhưng đó chỉ là bề mặt, ẩn sau là sự giành giật, thậm chí hãm hại nhau.

Tuy nhiên, cũng có những thứ không nên phơi bày, đó là những tấm gương đen sẽ làm sa sút đi hình ảnh của người mẫu. Chân vẫn dài, mặt vẫn đẹp, diện trang phục vẫn xinh, có năng khiếu nhưng ẩn đằng sau bộ mặt đẹp đẽ, trang phục sang trọng trên người là những khiếm khuyết gì đó nên hình ảnh của người mẫu không còn đẹp như ngày xưa, nó trở thành chiêu trò để hút khách, câu like, mua vui cho khán giả.

Các thí sinh Vietnam's Next Top Model cãi lộn như cái chợ. 


- Các show truyền hình tìm kiếm người mẫu công khai những cảnh cãi vã, đánh chửi, và khẳng định không dàn dựng. Anh nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý người xem?

Trong các chương trình THTT, có những chương trình ca ngợi nỗ lực vượt khó, “lột xác” để thay đổi của thí sinh sẽ mang ý nghĩa “bơm” thêm vitamin để người ta phấn đấu hơn. Nó cũng sẽ nhắc nhở mọi người rằng nếu bạn không có năng lực, không có trí tuệ sẽ rất khó vào vòng trong, đó là những giá trị hay của THTT. Tuy nhiên nếu cảnh cãi vã chiếm đa số thì chỉ còn đơn thuần là giải trí chứ không mang tính chất giáo dục nữa.

Như tôi đã nói, “món ăn” giải trí sẽ có món vừa bổ vừa ngon và cũng có món ngon nhưng lại gây tác dụng phụ, và những cảnh cãi vã trong THTT là nguyên nhân gây ra điều đó.

Nó sẽ hình thành nên cách hành xử rất chợ búa, không biết kiềm chế cảm xúc, sẵn sàng xúc phạm lẫn nhau như "bôi cái môi thâm đó đi rồi nói chuyện với chị", "lấy giấy khai sinh ra đi rồi nói chuyện với anh”, đó rõ ràng không phải những câu nói chúng ta nên dành cho nhau.

Những lối sống, giáo dục trong gia đình và nhà trường sẽ bị phá vỡ và sẽ được "giáo dục" lại bằng những chương trình "giáo dục" trên truyền hình như vậy.

- Việc công khai những lối ứng xử chợ búa, khẳng định không dàn dựng, khác nào thừa nhận những cô gái trong chương trình đó vô văn hóa?

Những cảnh cãi vã, đánh nhau phát sóng trên truyền hình được nhà sản xuất khẳng định xuất phát từ thực tế, từ chính bản thân người tham gia chứ không phải dàn dựng sẽ dẫn đến sự nhận xét của khán giả rằng những thí sinh đó hành xử thiếu văn hóa.

Tôi có quen một bạn làm giám khảo chương trình The Face, ngoài đời nói chuyện rất dễ thương, lịch sự nhưng khi lên chương trình lại đốp chát với người khác hoặc bĩu môi không đồng tình… Bản thân tôi biết đó không phải là con người thật của bạn ấy, và những điều thể hiện trên sóng truyền hình đang được dàn dựng lại để đi theo format chương trình.

Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất nói rằng đó là bản chất và không hề dàn dựng thì khán giả sẽ có cái nhìn khác, rằng đây là một cô gái có cách nói chuyện thiếu văn hóa khiến hình ảnh của bạn ấy xấu đi.

Tôi có hỏi là tại sao em lại chấp nhận làm như vậy thì nhận được câu trả lời rằng đây là xu hướng của khán giả bây giờ, nếu muốn sống phải đi theo thị hiếu khán giả còn không sẽ bị chương trình, đạo diễn đào thải nên vì cuộc sống mưu sinh, phải bán đi một chút danh dự của mình để đổi lại những cái hợp đồng.

Nhân đây, chúng ta cũng có thể cảnh báo những bạn trẻ, trước khi đăng kí đi thi một cuộc thi người mẫu nào đó đại loại thế, rất có khả năng ban tổ chức sẽ yêu cầu bạn kí hợp đồng, phải sống theo hợp đồng đó khi xuất hiện trong chương trình.

Và bạn phải nhớ rằng, nếu thi rớt và bước ra khỏi cuộc thi bạn vẫn còn bạn bè, gia đình và những người xung quanh, vẫn cần danh dự để đối diện với họ.

Cho nên, nếu bạn tham gia một cuộc thi mà mất đi danh dự, hình ảnh của mình, trở thành một con người chợ búa, không có học vấn, cư xử thiếu văn hóa sẽ tạo nên những điểm trừ của bạn trong mắt người khác - một cái giá rất đắt.

Thêm vào đó, những hình ảnh này sẽ lưu giữ trên mạng xã hội và tồn tại mãi mãi, liệu sẽ thế nào nếu con cháu chúng ta nhìn thấy những điều đó, nhìn thấy mẹ mình ngày xưa đã cãi vã như thế, thấy bà ngoại mình đốp chát người khác như vậy, nó sẽ nghĩ gì về chúng ta và có chắc chúng ta dạy dỗ nó sẽ nghe theo nữa hay không? Thế nên, hãy nhớ khi tham gia những chương trình như vậy, cái giá phải trả rất lớn.

Thí sinh Vietnam's Next Top Model cãi nhau kiểu chợ búa với giám khảo.  


- Nhiều người cho rằng chương trình THTT như vậy đang nhồi nhét vào đầu người xem suy nghĩ: “Bất chấp mọi thứ để được nổi tiếng, chỉ cần làm trò thì sẽ thành người nổi tiếng ?

Ngày trước, khởi nguồn là việc bà Tưng cởi áo, sexy trước ống kính và trở nên rất nổi tiếng, sau đó xuất hiện thêm nhiều người khác cũng bắt chước cởi đồ để được nổi tiếng như vậy. Và THTT cũng thế, nếu bạn dùng những phát ngôn gây sốc để nổi tiếng sẽ cổ súy cho người khác đi theo hướng “hãy tập phát ngôn gây sốc đi rồi bạn sẽ được nổi tiếng”.

Những người tham gia THTT, họ có tài năng thật sự nhưng việc nổi tiếng đi kèm với phát ngôn gây sốc là chiến lược riêng, là “chiêu thức” đã được bản thân họ tính toán từ trước và sẽ mang đến thu nhập, sự nổi tiếng cho họ bởi khán giả vẫn sẽ quan tâm và theo dõi những người đó.

Nhưng nếu lối sống đó áp dụng ra ngoài đời thực sẽ không mang tính chất giải trí mà mang tính chất giao tiếp, ví dụ như tôi dùng câu nào đó đốp chát, “đá xoáy” một người nào đó trong quan hệ bạn bè, trong công việc lại được đánh giá rất khác so với việc đôi co trên sóng truyền hình trong một chương trình giải trí.

Vì thế, nếu hành động đó di dời ra cuộc sống thì sẽ gây hậu quả chứ không tạo nên sự nổi tiếng. Bản thân tôi khi xem chương trình có những cảnh quay khiến tôi khó chịu, có thể khi những khoảnh khắc đó biến mất thì lượng khán giả xem sẽ thấp lại và cuối cùng, chung quy cũng do khán giả chúng ta đã dung dưỡng cho những hành vi đó.

- Có một thực tế là khán giả chỉ trích gay gắt nhưng nhà đài vẫn thực hiện và phát sóng những chương trình như vậy?

Có một bộ phận khán giả sẽ bình luận không hay, mắng chửi những chương trình đó nhưng có 1 nghịch lý là họ chửi nhưng họ vẫn xem, và mục tiêu của nhà đài là càng nhiều người xem càng tốt để họ bán quảng cáo. Bởi thế chúng ta chửi nhưng chúng ta vẫn bật tivi xem thì rõ ràng đang tiếp tay cho người sản xuất chương trình.

Nhưng nếu chúng ta tẩy chay thật sự, chẳng hạn như có nghệ sĩ kia phạm tội với trẻ em rất nặng ở nước ngoài thì khi về nước, không ai đến xem sân khấu kịch của anh ta cả, họ tẩy chay thật sự và đó là cách khán giả ứng xử khi không ủng hộ một chương trình, lúc ấy dĩ nhiên nó cũng không thể diễn ra nữa.

Phê phán mà vẫn bật tivi lên xem, vẫn bình luận về người đó rõ ràng bạn chỉ đang dùng lời nói chứ không dùng hành động, cho nên nếu chương trình nào phản cảm thì các bạn nên tắt tivi, không xem nữa hoặc chuyển kênh, lúc đó rating thấp tự động nhà đài sẽ sàng lọc những chương trình như vậy không phát sóng nữa.

- Xin cảm ơn anh!