Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lộc Hà: 5 người cùng thôn mắc sốt xuất huyết, dân vẫn thờ ơ!

Đến chiều 25/7, tại thôn Nam Sơn, xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) đã có đến 7 bệnh nhân có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 5 trường hợp có kết quả dương tính với vi rút dengue. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ bọ gậy tại thôn này rất cao, trong khi người dân địa phương lại tỏ ra rất thờ ơ, thậm chí không hợp tác với cán bộ y tế trong quá trình xử lý.

 Giếng nước nhà bà Phan Thị L. dày đặc bọ gậy nhưng chủ nhà không hợp tác với cán bộ y tế để xử lý

Người dân thờ ơ với sốt xuất huyết

Bệnh nhân có dấu hiệu SXH đầu tiên ở thôn Nam Sơn là anh Hoàng Văn Q., sinh năm 1996. Ngày 8/7, Q. bị sốt, đau đầu và bị ngất xỉu tại nhà. Người nhà đưa bệnh nhân vào BVĐK tỉnh cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, Q. dương tính với vi rút dengue, hiện đã được điều trị ổn định.

Sau bệnh nhân Q., một số người khác trong thôn Nam Sơn có dấu hiệu mắc SXH. Theo thống kê của Trạm Y tế xã Thịnh Lộc, trong 7 bệnh nhân mắc SXH tại thôn Nam Sơn, có 3 bệnh nhân cùng trong một gia đình. Các bệnh nhân đang được theo dõi, chăm sóc điều trị tại BVĐK huyện Lộc Hà và tại các gia đình.

 Người dân cần lật úp các dụng cụ chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng

Bác sỹ Võ Ánh Quốc - Phó Giám đốc Trung tâm YTDP huyện Lộc Hà cho biết: "Qua theo dõi, giám sát tại thôn Nam Sơn, chúng tôi nhận định có nguy cơ bùng phát thành dịch nên đã vận động nhân dân địa phương ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu dọn rác, lật úp các dụng cụ muỗi có khả năng đẻ trứng, diệt bọ gậy. Trung tâm cũng đã phun hóa chất diệt muỗi cho 190/197 hộ trong thôn, còn 7 hộ chưa phun do chủ nhà đi vắng...

Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất hiện nay vẫn là ý thức của người dân. Mặc dù cán bộ y tế đã đến tận từng nhà tuyên truyền, vận động nhưng còn nhiều hộ dân thiếu hợp tác. Có những hộ, cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn, nhắc nhở thay nước trong thùng để diệt bọ gậy, nhưng hai ngày sau đến kiểm tra vẫn còn nguyên.

Cá biệt, có một hộ có giếng nước chứa đầy bọ gậy, muỗi nhưng họ chưa chịu hợp tác để xử lý. Trước mắt, chúng tôi đang giao cho y tế thôn mua cá về thả xuống giếng trước, sau đó tiếp tục vận động họ thay đổi ý thức, hợp tác xử lý giếng nước".

Theo kết quả giám sát vecter của Trung tâm YTDP huyện Lộc Hà, tỷ lệ bọ gậy ở thôn Nam Sơn vượt ngưỡng rất cao, chỉ số BI là 55,6 (trên 20 là vượt ngưỡng).

Kêu gọi cộng đồng vào cuộc

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung – Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm YTDP tỉnh cho biết, qua điều tra dịch tễ cho thấy, các bệnh nhân mắc SXH ở thôn Nam Sơn đều là dân sinh sống tại địa phương, không đi từ các vùng dịch về.
Từ đầu năm đến nay, không tính các trường hợp ở thôn Nam Sơn, toàn tỉnh có 15 trường hợp mắc SXH. Tất cả đều là vãng lai từ nơi khác về.
loc ha 5 nguoi cung thon mac sot xuat huyet dan van tho o

Cán bộ y tế địa phương đến tận các gia đình chăm sóc bệnh nhân mắc SXH

Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Nguyễn Lương Tâm cho biết, SXH đang gia tăng liên tục ở Hà Nội và các tỉnh, thành ở miền Nam. Hiện cả nước đã có hơn 49.000 trường hợp mắc, trong đó có 15 trường hợp tử vong. Tại Hà Tĩnh, với diễn biến thời tiết như hiện nay và tập quán dự trữ nước ăn uống, sinh hoạt của người dân, rất thuận lợi cho vecter truyền bệnh SXH Dengue phát triển, nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Trung tâm YTDP tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh công bố xuất hiện ổ dịch ở thôn Nam Sơn để kêu gọi cả hệ thống chính trị, cộng đồng vào cuộc phòng, chống SXH.

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.