Chủ tịch Nghệ An 'truy' trách nhiệm cảng vụ vụ chìm tàu VTB 26
- 09:50 26-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường “truy” trách nhiệm Cảng vụ Nghệ An |
Rạng sáng 17/7, tàu hàng VTB 26 neo đậu tại vùng biển Hòn Ngư (Cửa Lò, Nghệ An), cách Cảng vụ Nghệ An chừng 3 hải lý thì bị sóng đánh chìm, 13 thuyền viên trên tàu rơi xuống biển. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao thời điểm trên tàu VTB 26 không vào cảng neo đậu, trách nhiệm thuộc về ai?
Đến ngày 24/7, sau đúng 1 tuần triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, lực lượng tìm kiếm đã cứu sống được 7 thuyền viên trên tàu VTB 26, thi thể 4 thuyền viên cũng được phát hiện. Hiện tại, 2 thuyền viên còn lại vẫn chưa được rõ tung tích. Trước việc cơn bão số 4 đang áp sát bờ, UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định dừng tìm kiếm 2 thuyền viên mất tích, chờ thời điểm thích hợp trục vớt tàu VTB 26. Các van dầu trên tàu VTB 26 đã được khóa, hệ thống phao được quây quanh tàu đề phòng dầu loang ra biển.
Tại cuộc họp trực tuyến với 21 huyện thị ứng phó với bão số 4 diễn ra vào chiều 24/4, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã yêu cầu Cảng vụ Nghệ An làm rõ một số vấn đề xung quanh việc tàu VTB 26 bị chìm. Theo Chủ tịch Nguyễn Xuân Đường, hiện nay dư luận còn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh trách nhiệm của Cảng vụ Nghệ An.
Dừng tìm kiến thuyền viên, chờ trục vớt Tàu VTB 26 |
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch tỉnh, đại diện Cảng vụ Nghệ An cho rằng, vào ngày 10/7, tàu VTB 26 buông neo tại khu vực neo đậu Hòn Ngư Cửa Hội để chờ vào bốc hàng. Thời điểm đó, tàu neo đậu đúng vị trí, đúng quy định.
Đến ngày 15/7, sau khi đánh giá tình hình bão, Cảng vụ Nghệ An đã phát thông báo, yêu cầu tàu VTB 26 về phía Quảng Ninh hoặc Đà Nẵng để neo đậu tránh bão vì tại Nghệ An chỉ có 15 điểm neo dành cho tàu dưới 1 nghìn tấn ở khu vực Sơn Hải (Quỳnh Lưu) và 10 điểm neo dành cho tàu dưới 200 tấn.
“Còn vấn đề an toàn trên tàu, khi đã phát lệnh điều động tàu đi rồi, tàu rời lúc nào thì Cảng vụ sẽ giám sát nhưng vào thời điểm đó, sóng gió lên, tàu không thể đi được nữa, tàu hành động chậm dẫn đến rủi ro chứ không phải do Cảng vụ chủ quan. Còn về số người ở trên tàu, phương tiện thủy nội địa nhỏ có thể kéo vào chằng buộc cẩn thận.
Nhưng phương tiện lớn, theo quy định là không thể bỏ đó mà đi được. Trên tàu, căn cứ vào điều kiện an toàn của tàu, của thuyền viên, trong điều kiện không thể ở lại được, thuyền trưởng là người cuối cùng ra lệnh cho thuyền viên rời khỏi tàu. Trong trường hợp này, cảng vụ, cơ quan chức năng không thể ra lệnh cho họ được, đó là quy định của pháp luật” – đại diện Cảng vụ Nghệ An khẳng định.
Đại diện Cảng vụ trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An |
Tại cuộc họp trực tuyến này, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn trong cơn bão số 2 đó là do người dân và cơ quan chức năng còn chủ quan, nhiều cơ quan, đơn vị chưa làm tròn trách nhiệm. Theo thống kê, trong bão số 2, Nghệ An có 8 người chết, tổng thiệt hại về của gần 1.000 tỉ đồng. Để khắc phục bão số 2, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Trung ương hỗ trợ trên 260 tỷ đồng.