Vì sao đề xuất tăng lương tối thiểu 370.000-450.000 đồng?
- 09:22 26-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa thực hiện cuộc khảo sát về tiền lương, đời sống của người lao động năm 2017 để có cơ sở để xuất mức tăng lương tối thiểu năm 2018.
Kết quả khảo sát cho thấy, 51,3% người lao động được hỏi có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12,0% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập.
Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát, một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp đã xảy ra nhiều đình công, ví dụ như ngành dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%).
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó, về mức độ hài lòng với tiền lương và thu nhập của người lao động, có 22,7% cảm thấy hài lòng với mức tiền lương và thu nhập của mình; 52,4% tạm hài lòng; 24,9% không hài lòng. Đáng chú ý, có tới 54 % người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của mình.
Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho thấy, hầu hết các khoản thu nhập của người lao động phải trang trải cho cuộc sống hằng ngày và nếu không có các khoản làm thêm giờ (tăng ca), hỗ trợ từ phía doanh nghiệp thì tiền lương của người lao động rất thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn và không thể có tích lũy.
Trên cơ sở khảo sát, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, với tiền lương, thu nhập hiện tại thì đời sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn và cần được cải thiện. Chính vì vậy, đơn vị này vẫn giữ đề xuất tăng lương tối thiều năm 2018 từ 370.000 - 450.000 đồng, tương ứng với 13,3% so với mức lương tối thiểu năm 2017.
Trước đó, tại phiên họp đầu tiên bàn mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 diễn ra ngày 27/6, Bộ phận kỹ thuật Hội đồng tiền lương Quốc gia đã đưa ra 3 mức tăng: Mức 5% (từ 130.000 - 180.000 đồng); mức 6% (từ 160.000 - 220.000 đồng) và mức 6,8% (từ 180.000 - 250.000 đồng).
Bảo vệ quan điểm không tăng hoặc chỉ tăng dưới 5%, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị đại diện giới chủ cho rằng doanh nghiệp hiện đang gặp phải khó khăn và cạnh tranh gay gắt, sản xuất thu hẹp nên đề xuất mức tăng dưới 5% là hợp lý.
Trong khi đó, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng tuyệt đối 13,3% tương đương 370.000 - 450.000 đồng. Còn với mức tăng 5%, đơn vị này cho rằng chỉ đảm bảo bù trượt giá, coi như không tăng và sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động.