Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giải mã cái chết của hai hoàng đế triều Thanh

Có một hiện tượng lạ trong y án Thanh cung: trong 10 hoàng đế triều Thanh vào lập đô ở Bắc Kinh, hầu hết đều băng hà vào cuối đông và đầu xuân, chưa ai vượt qua hết tháng Giêng. Như vua Thuận Trị chết vào ngày mùng 7, Càn Long chết vào mùng 3, Đạo Quang ngày 14 đều trong tháng Giêng. Còn các hoàng đế Khang Hy, Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống đều chết vào những ngày cuối đông giá rét.

Hiện tượng này có liên quan đến điều kiện khí hậu cũng như phương thức sinh hoạt, tố chất cơ thể của các hoàng đế gốc Mãn. Trong số ấy, cái chết của hai hoàng đế Ung Chính và Quang Tự là gây cho hậu thế nhiều tranh luận nhất.

Cái chết bất ngờ của Ung Chính

Thanh Tây Lăng ở huyện Dịch, Hà Bắc, Trung Quốc là lăng mộ của Hoàng đế Ung Chính (1677-1735), hoàng đế thứ 4 của triều Thanh. Sự lên ngôi của vị hoàng đế này để lại biết bao bí ẩn thì cái chết bất ngờ của ông lại càng thêm ly kỳ. Mới đây, học giả Kim Hằng Nguyên, người Mãn, vốn dòng dõi hoàng tộc Thanh triều, đã bỏ nhiều năm nghiên cứu, đối chiếu tư liệu để lý giải cái chết của cụ tổ mình là Ung Chính. Kết quả khẳng định: Ung Chính đột tử do lạm dụng đan dược.

 Hoàng đế Ung Chính mê đan dược.

Trong những tư liệu tìm được còn lại trong hoàng cung nhà Thanh, ở "Ung Chính triều khởi cư chú sách" có chép về tình trạng của Ung Chính mấy ngày trước khi chết: Tháng 8 năm Ung Chính thứ 13 (1735), lúc ấy Ung Chính 58 tuổi, đang ở vườn Viên Minh. Ngày 18 ông cùng các đại thần bàn về việc chỉnh lý vấn đề dân tộc thiểu số; ngày 20 triệu kiến các quan địa phương ở Ninh Cổ Tháp.

Ngày 21 vẫn làm việc bình thường, chứng tỏ sức khỏe Ung Chính vẫn còn tốt. Nhưng ngày 22 thì Ung Chính phát bệnh, ngay tối đó các đại thần được triệu cấp tốc vào tẩm cung thì Ung Chính đã rất mệt, tuyên chỉ truyền ngôi cho Càn Long, đến sáng hôm sau thì qua đời, tình trạng lúc chết là "thất khổng lưu huyết" - mắt, mũi, miệng, tai, hậu môn đều xuất huyết.

Do Ung Chính qua đời bất ngờ, sử chép lại đơn giản không nói rõ nguyên nhân, khiến trong dân gian lưu truyền không biết bao nhiêu truyền thuyết về cái chết của vị hoàng đế này. Thuyết lưu truyền rộng rãi nhất là nữ hiệp Lã Tứ Nương giết Ung Chính báo thù cho ông và cha đã bị Ung Chính giết vì án "văn tự ngục".

Tuy nhiên, người ta lại ít chú ý đến những chi tiết rời rạc nhưng rất đắt giá được chép trong "Thanh sử cảo" để lý giải cái chết của Ung Chính như nuôi nhiều đạo sĩ trong cung, ham thích đan dược, khi chết thì "bảy lỗ đều xuất huyết"… Như thế, có thể khẳng định: Thuật luyện đan của Đạo giáo có liên quan mật thiết với cái chết của hoàng đế Ung Chính.

Từ xưa, những bậc đế vương ảo tưởng trường sinh bất tử đều bị mê hoặc bởi đan dược. Từ Tần Thủy Hoàng sai người xuống biển tìm tiên cầu thuốc đến Hán Vũ Đế sai các đạo sĩ Lý Thiếu Quân, Loan Đại dùng vàng luyện thuốc "ích thọ", "bất tử". Rồi Tùy Văn Đế Dương Kiên, Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn… toàn những bậc anh hùng cái thế nhưng cuối cùng phải bỏ mạng bởi tiên đan.

Ham mê đan dược

Ung Chính vốn ham mê thuật luyện đan của Đạo giáo từ khi còn là hoàng tử, từng viết bài thơ gọi là "Thiêu đan" như sau: "Diên sa hòa dược vật; Tùng bách nhiễu vân đàn; Lô vận âm dương hỏa; Công kiêm nội ngoại đan." Nghĩa là: Chì, đan sa cùng dược liệu, mây cuộn ôm ấp rặng tùng bách. Lò luyện vận chuyển lửa âm dương, công phu gồm cả nội đan và ngoại đan. Bài thơ dùng toàn những thuật ngữ trong luyện đan của Đạo giáo, mô tả rất sinh động khung cảnh luyện đan dược.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Ung Chính rất tôn sùng tổ sư phái Kim đan Nam Tông là Trương Bá Đoan, phong Trương là "Đại Từ viên thông thần tiên Tử Dương chân nhân", cho xây đền thờ tại đạo quán ở quê Trương Bá Đoan. Theo "Tử Dương đạo quán bi văn" thì Ung Chính rất tán thưởng "Trương chân nhân" đã "phát hiện ra sự mật yếu của kim đan".

Từ năm Ung Chính thứ 4 (1726), Ung Chính thường uống một loại đan dược có tên là "Ký tế đan", cảm thấy rất công hiệu, khỏe mạnh, sáng suốt, sinh lực bền bỉ. Ung Chính còn ưu ái tặng thuốc này cho những đại thần như tổng đốc Qúy Châu-Vân Nam Ngạc Nhĩ Thái, tổng đốc Hà Đông Điền Văn Kính, tổng đốc Triết Giang Lý Vệ...

Mùa xuân năm Ung Chính thứ 8 (1730), Ung Chính mắc bệnh nặng, lệnh cho bá quan tìm kiếm các danh y và đạo sĩ tài giỏi trong thiên hạ vào cung trị bệnh cho mình.

Bản dụ này hiện còn 15 bản giống hệt nhau, đều do chính hoàng đế dùng châu sa ngự bút, lời lẽ khẩn thiết, chứng tỏ Ung Chính đặc biệt coi trọng việc này. Bản dụ vừa gửi đi, rất nhanh, tuần phủ Tứ Xuyên là Hiến Đức viết tấu về báo đất ấy có người tên là Cung Luân, mọi người đều gọi là Cung tiên nhân, có thuật trường sinh, 86 tuổi mà như thiếu niên, vợ còn sinh được con trai. Ung Chính lập tức lệnh triệu về cung, nhưng lúc đến nơi thì Cung tiên nhân đã vừa tạ thế.. Ung Chính rất tiếc, lại lệnh cho Hiến Đức điều tra xem các con của Cung tiên nhân có học được "bí truyền" gì từ phụ thân hay không, nhưng họ đều nói "chưa từng nghe cha nói gì".

Vụ án Giả Sĩ Phương

Tiếp dụ ngày thứ hai, tổng đốc Triết Giang Lý Vệ đã tấu về báo với Ung Chính rằng: ở Hà Nam có vị đạo sĩ phiêu du khắp nơi, tên là Giả Sĩ Phương, ai cũng gọi là "thần tiên", danh tiếng lẫy lừng. Ung Chính mừng rỡ lập tức lệnh cho tổng đốc Điền Văn Kính đến mời Giả Sĩ Phương vào cung chữa bệnh cho hoàng thượng.

Tháng 7 năm Ung Chính thứ 8 (1730), Sĩ Phương nhập cung. Chỉ một thời gian ngắn, bệnh Ung Chính đã giảm hẳn, vui mừng viết thư cho Ngạc Nhĩ Thái: "Trẫm long thể bất hòa, may có dị nhân Giả Sĩ Phương chữa trị hiệu nghiệm", đến tháng 9 thì hoàn toàn bình phục. Ung Chính hậu thưởng cho Lý Vệ có công tiến cử, còn Giả Sĩ Phương từ một đạo sĩ dân dã được hoàng đế sủng ái trở thành "dị nhân", danh tiếng lẫy lừng, mặc sức hưởng vinh hoa.

Nhưng "gần vua như gần hổ", chỉ hơn 1 tháng sau Ung Chính đột nhiên hạ lệnh giam đạo sĩ Giả Sĩ Phương vào ngục trị tội. Chỉ dụ nói rất rõ: Giả Sĩ Phương dùng "án ma chi thuật" (phép xoa bóp), "mật chú chi pháp"(bùa chú), khiến cho lúc đầu rất là hiệu nghiệm, nhưng "một tháng sau, trẫm tuy đã khỏi bệnh, nhưng mỗi khi ăn uống nằm ngồi, hắn muốn trẫm an thì an, muốn bất an là thấy bất an. Sự an và bất an của trẫm hắn đã nắm cả trong tay, trẫm muốn ra cũng không được" và kết tội Sĩ Phương là "dám đem thuật yêu tà mà mê hoặc trẫm". Giả Sĩ Phương lập tức nhận án chém đầu.

Tuy đã chém đầu Gia Sĩ Phương, nhưng Ung Chính vẫn rất tín nhiệm các đạo sĩ, bản thân cũng tham gia các hoạt động Đạo giáo cho đến chết. Trong hoàng cung, Ung Chính cho xây điện Khâm An dành riêng cho Đạo giáo hoạt động, ngoài ra còn thường thỉnh các đạo sĩ lập đàn, vẽ bùa, cầu sao, giải hạn, trị bệnh đuổi tà… ở các cung điện chính như Thái Hòa, Càn Thanh, Dưỡng Tâm… Tại Viện bảo tàng Cố cung Bắc Kinh ngày nay còn thấy chiếc áo bào Đạo giáo mà Ung Chính mặc năm xưa. Số đạo sĩ trong cung rất đông, phương thuật khác nhau, chia thành nhiều phái như luyện đan, bùa chú…

Sau khi Ung Chính băng hà 3 ngày thì Càn Long lên ngôi đã ra lệnh trục xuất tất cả đạo sĩ ra khỏi cung, điều này càng chứng tỏ cái chết của Ung Chính có liên quan đến Đạo giáo, mà nhất là do đan dược.

Quang Tự: Chết do suy kiệt

Chiều ngày 14-11-1908, Quang Tự - hoàng đế áp chót của triều Thanh, đã bi phẫn trút hơi thở cuối cùng tại điện Hàm Nguyên, Doanh Đài trong Trung Nam Hải, hưởng dương 38 tuổi với 34 năm làm hoàng đế. Quang Tự lúc lâm chung chẳng có người thân nào bên cạnh, đến khi phát hiện ra thì đã chết nhiều giờ. Điều kỳ lạ là sau khi Quang Tự chết đúng 1 ngày, ngay chiều hôm sau, mẫu hậu và cũng là kẻ thù chính trị của ông là Từ Hy thái hậu cũng qua đời tại điện Loan Nghi trong Trung Nam Hải, sau 48 năm thao túng triều chính Mãn Thanh, hưởng thọ 74 tuổi.

 Chân dung vua Quang Tự.

Tin tức hoàng đế Quang Tự và thái hậu Từ Hy nối nhau qua đời làm chấn động trong và ngoài Trung Quốc. Đa số đều cho rằng hoàng đế trẻ trung lại chết trước thái hậu già nua chỉ cách có 1 ngày, đây không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà là một âm mưu hạ độc được sắp đặt tinh vi. Do đó, rất nhiều thuyết nói Quang Tự bị chính mẹ mình hạ thủ.

Phổ Nghi-hoàng đế cuối cùng của triều Thanh, trong cuốn hồi ký "Nửa đời trước của tôi" lại nói đến chuyện Viên Thế Khải trong "Mậu Tuất chính biến" được Quang Tự tín nhiệm đưa quân đảo chính, vô hiệu hóa quyền lực Từ Hy để thực hiện kháng chiến chống phương tây. Nhưng vào thời điểm mấu chốt, Viên Thế Khải đã bán đứng Quang Tự, tiết lộ âm mưu với Từ Hy, khiến Từ Hy giam Quang Tự vào Doanh Đài. Do đó, Viên Thế Khải sợ Quang Tự nắm quyền sẽ không tha cho mình, nên đã mượn cơ hội dâng thuốc mà hạ độc.

Tuy nhiên, cũng có không ít sử tịch và những người trong cung cho rằng Quang Tự chết tự nhiên hoặc là do bệnh. Trong các bộ được coi là chính sử như "Đức Tông thực lục", "Quang Tự triều đông hoa lục", "Thanh sử cảo" đều cho rằng Quang Tự chết do bệnh. Trong "Trưởng Sở Trai tam bút" quyển 6 chép: "Vào tháng 2,3 năm Quang Tự thứ 34, hoàng đế bệnh lâu không khỏi, bệnh nhập cao hoang, lúc ấy can khí lại phát mạnh, dùng tay nắm mũ thái giám, chân đá ngã đèn điện, tình thế nguy cấp".

Thái y viện và y án Thanh cung

Một thời gian dài, cái chết của hoàng đế Quang Tự vẫn là ẩn số.

Vừa qua, các chuyên gia của Hiệp hội nghiên cứu hồ sơ lịch sử triều Thanh phối hợp với Viện Nghiên cứu Trung y Trung Quốc đã tiến hành khảo sát một cách có hệ thống về bệnh án của Quang Tự để lý giải chính xác về cái chết của vị hoàng đế bạc mệnh này. Các nhà nghiên cứu đã dựa vào những y án hoàng cung và thái y viện để mở hướng đột phá.

Thái y viện triều Thanh nằm ở mé đông Tử Cấm Thành, phía bắc Viện Thượng Tứ, nay đã bị tiêu hủy hoàn toàn. Trong Thái y viện có 13 ngự y, 20 y sĩ, 30 y sinh, chia làm 8 khoa khám chữa bệnh. Đến đời Quang Tự chia thành 5 khoa là Đại phương mạch, Tiểu phương mạch, Ngoại khoa, Nhãn khoa (khoa mắt), Khẩu xỉ khoa (khoa răng miệng). Khi hoàng đế đi đâu, các ngự y phải luôn đi theo.

Khi các ngự y chẩn bệnh phải lập y án (mạch án) viết rõ ràng về căn bệnh, cách trị, phương dược, ghi rõ những lời kể của bệnh nhân hoặc bệnh nhân tự tay viết vào. Sau đó Nội vụ phủ sao chép lại, giao xuống cho Ngự dược phòng lấy thuốc, lại chuyển qua Ngự thiện phòng sắc chế… trình tự rất nghiêm ngặt. Hiện nay còn giữ lại được rất nhiều y án hoàn chỉnh từ đời Càn Long về sau.

Ngoài những y án do các ngự y lập ra, còn có những ghi chép do chính Quang Tự ngự bút hoặc tự thuật lại bệnh nguyên của mình, nhất là thời gian nửa năm trước khi mất. Những thông tin từ mạch án cho thấy Quang Tự thể chất suy nhược từ nhỏ, lắm bệnh, lại mắc chứng di tinh lâu năm. Theo mạch án của Quang Tự trong năm 1884, 1886 thì ông vua này mắc thêm bệnh dạ dày và luôn bị cảm, phải uống thuốc liên tục, chứng tỏ thể chất suy yếu, mất khả năng đề kháng bệnh tật. Có thể thấy hoàng đế Quang Tự ngay tuổi thành niên đã mắc nhiều chứng bệnh.

Nửa năm trước khi Quang Tự qua đời, bệnh tình càng thêm nghiêm trọng, ngự y trong cung đã vô phương cứu trị. Triều đình nhà Thanh vội ra chiếu chỉ mời danh y các nơi về kinh chữa bệnh cho vua. Các danh y nổi tiếng như Tào Nguyên Hằng, Lữ Dụng Tân, Chu Cảnh Đào, Đỗ Trọng Tuấn, Thi Hoán, Trương Bằng Niên được tổng đốc các tỉnh thỉnh vào kinh. Ngày 16-7, danh y Đỗ Trọng Tuấn lần đầu được triệu vào cung khám bệnh cho vua, sau khi chẩn mạch đã nói riêng với Thượng thư bộ Lại là Lục Nhuận Dưỡng rằng: "Ta lần này vào kinh là mong chữa được bệnh cho hoàng thượng để lấy chút danh tiếng. Hôm nay mới biết là nhọc công vô ích. Không cầu có công, chỉ mong vô tội".

Chết vì bội nhiễm

Quang Tự thấy bệnh ngày càng nặng thì càng thêm nóng lòng, thường trách mắng ngự y vô dụng, nhất là thời gian cuối đời. Trước khi chết 3 tháng, Quang Tự còn ngự bút trách các ngự y: "Uống thuốc không khỏi mà bệnh càng tăng, chứng tỏ thuốc và bệnh không tương hợp. Mỗi lần bắt mạch thì vội vội vàng vàng, làm sao đoán cho đúng bệnh được. Mang tiếng danh y mà sao sơ suất quá vậy?"…Những lời trách mắng nặng nề thường xuất hiện trong bệnh án của Quang Tự chứng tỏ vị hoàng đế này đã lâm vào cảnh tuyệt vọng.

Giữa tháng 10-1908, bệnh tình Quang Tự rất nguy kịch. Ngày 10-11, danh y Đỗ Trọng Tuấn nói với đại thần: "Bệnh này không quá 4 ngày, hoàng thượng sẽ gặp nguy hiểm". Quả nhiên 3 ngày sau Quang Tự thường xuyên rơi vào trạng thái hôn mê, cấm khẩu, mắt trừng, đến chiều ngày 14 thì 6 mạch đều tuyệt mà qua đời.

Căn cứ vào những y án Thanh cung, các chuyên gia cho rằng: Hoàng đế nhà Thanh Quang Tự chết không phải là do Từ Hy thái hậu hạ độc. Theo phân tích của y học hiện đại thì cái chết của Quang Tự là do bệnh phổi kết hạch, bệnh mạn tính ở thận, gan và tim lâu ngày làm cho suy kiệt, mất sức đề kháng dẫn đến bội nhiễm cấp tính mà chết chứ không phải đột tử hay trúng độc cấp tính.