TGĐ Uber toàn cầu chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam
- 08:08 26-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ người tị nạn đến Tổng giám đốc Uber toàn cầu
Không phải ai cũng biết rằng đứng đằng sau sự thành công của Uber có dấu ấn rất lớn của một người Việt. Ông chính là Thuận Phạm, CTO (Chief Technology Officer) Uber hay Tổng giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu. Với một doanh nghiệp công nghệ như Uber thì công nghệ chính là xương sống, là nền tảng của mọi dịch vụ. Chính vì thế, vị thế của vị giám đốc công nghệ người Việt tại Uber là không phải bàn cãi.
Thuận Phạm sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Ông rời khỏi đất nước vào năm 10 tuổi và trở thành một công dân Mỹ.
Thuận Phạm (người bên trái), Tổng giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu. Ảnh: Mạnh Hưng |
Ở Mỹ, Thuận Phạm học rất giỏi. Đến năm 18 tuổi, ông được nhận vào chương trình cử nhân khoa học máy tính tại đại học MIT vào năm 1986. Ông tốt nghiệp vào năm 1991, khi mà mạng Internet chỉ mới manh nha hình thành.
Sau khi tốt nghiệp, Thuận Phạm bắt đầu những thử thách đầu tiên trong sự nghiệp của mình bằng việc vào làm tại HP Labs, Silicon Graphics, DoubleClick và kế đó là VMWare. Ông gia nhập Uber vào năm 2013, trở thành Tổng giám đốc công nghệ của Uber toàn cầu sau 30 tiếng phỏng vấn với Co-Founder và CEO của Uber lúc bấy giờ là Travis Kalanick.
Vào năm 2016, ông đã được vinh danh là Niềm tự hào của nước Mỹ (The Pride of America). Với những đóng góp của mình cho làng công nghệ thế giới, có thể xem Thuận Phạm chính là người Việt nổi danh và thành công nhất tại thung lũng Silicon.
Muốn thành công phải táo bạo và không ngại rủi ro
Trong khuôn khổ Uber Exchange, Tổng giám đốc công nghệ Uber toàn cầu đã trở lại Việt Nam và chia sẻ khá nhiều kiến thức để hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp. Đây là chương trình cố vấn Khởi nghiệp do Uber phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp tổ chức, dưới sự bảo trợ của bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong buổi trò chuyện mới được tổ chức bởi Uber, CTO Thuận Phạm cho biết ông cảm nhận thấy giới trẻ Việt Nam có tài năng, có chí tiến thủ và khao khát vươn lên. Đó là đức tính quý. Vì vậy, vị Tổng giám đốc công nghệ Uber toàn cầu đánh giá tiềm năng khởi nghiệp của Việt Nam là rất lớn.
Sau những thành công của mình tại thung lũng Silicon, ông Thuận Phạm đang cùng với Uber tìm cách giúp các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hưng |
Trong buổi nói chuyện với các bạn trẻ ham mê khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Thuận Phạm cũng chia sẻ rằng:
“Đối với cộng đồng khởi nghiệp nên có một tư duy đúng đắn, luôn luôn hướng đến sự thay đổi. Bản chất của khởi nghiệp là luôn luôn sẵn sàng làm ra những thứ chưa từng tồn tại, chưa từng có.
Chúng ta phải có những suy nghĩ ở ngoài khuôn khổ truyền thống. Phải táo bạo trong cách nghĩ, cách làm. Đó là thái độ mà những người khởi nghiệp cần phải có. Chúng ta phải luôn sẵn sàng trước những cơ hội mà mình thấy được, không nên lo sợ trước rủi ro”.
Nhận định về khởi nghiệp ở Việt Nam, vị CTO của Uber cho biết chính phủ có một vai trò quan trọng đối với cộng đồng khởi nghiệp. Chính phủ nên ban hành những quy định khuyến khích sự cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, không tạo ra sự kỳ thị đối với thất bại.
Chính phủ Việt Nam không nhất thiết phải tài trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi tính rủi ro rất cao. Việc tài trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nên là vai trò của cộng đồng các nhà đầu tư.
Vị CTO của Uber đã chia sẻ rất nhiều điều khi nói về Việt Nam. Ảnh: Mạnh Hưng. |
Theo CTO của Uber, vai trò quan trọng nhất của chính phủ là tạo nền tảng để đảm bảo sự công bằng cũng như tinh thần kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đây là điều kiện, cơ sở để giúp các doanh nghiệp cạnh tranh dựa trên ý tưởng, chất lượng hàng hoá và dịch vụ của họ. Những doanh nghiệp nào có ý tưởng tốt, chất lượng sản phẩm đứng đầu thì sẽ vươn lên và thành công. Ngược lại, những doanh nghiệp không có chất lượng tốt sẽ bị đào thải bởi thị trường.
Các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp công nghệ nói riêng tồn tại là để giải quyết nhu cầu của xã hội. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp công nghệ. Những doanh nghiệp này phải có lý do tồn tại rõ ràng chứ không phải sinh ra chỉ để sinh ra.
Khi được hỏi về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang được xem như một xu hướng phát triển tại Việt Nam, ông Thuận Phạm cho rằng, bản chất của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là sự thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Với các doanh nghiệp công nghệ, chúng ta phải tìm cách gia tăng giá trị hơn nữa với các sản phẩm và dịch của mình. Đồng thời, làm mới sản phẩm dịch vụ của mình để nâng cao chất lượng và mở rộng dịch vụ.
Nói tóm lại, đối với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tạo ra sự đổi mới và tiến bộ. Đặc biệt phải tạo ra giá trị và đem lại dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.
Hơn 10 người kỹ sư người Việt đang làm việc tại Uber
Vị Tổng giám đốc công nghệ Uber toàn cầu cũng chia sẻ rằng, trong bộ phận kỹ thuật của Uber hiện nay có khoảng hơn 10 kỹ sư người Việt. Đây đều là những người lao động có tay nghề cao. Uber đánh giá các kỹ sư bằng ba tiêu chí là kinh nghiệm, năng lực và giá trị mà các kỹ sư này đem lại cho công ty.
Chia sẻ về nhóm kỹ sư người Việt đang làm việc cho Uber, ông Thuận Phạm đặc biệt tự hào với một nữ kỹ sư người Việt đã và đang leo lên rất nhanh trong bậc thang của các kỹ sư làm việc tại Uber.
Theo chia sẻ của ông Thuận Phạm, có khoảng 10 kỹ sư người Việt đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong mảng công nghệ của Uber. Ảnh: Mạnh Hưng |
Nói về những thành công của bản thân, vị CTO của Uber cho biết bản thân mình là một người rất bình thường, nhờ làm việc chăm chỉ và may mắn mới có được ngày hôm nay.
Vậy nên, ông Thuận Phạm muốn nhắn gửi tới thế hệ trẻ Việt Nam rằng, hãy cứ cố gắng hết mình, hãy cứ chăm chỉ làm việc, rồi may mắn sẽ đến. Lúc đó, hãy tạo cơ hội cho chính mình và người khác để làm được những điều vĩ đại và lớn lao hơn cho tương lai.
Và với tư cách của một người Việt thành công nhất tại thung lũng silicon, vị Tổng giám đốc công nghệ toàn cầu của Uber muốn lấy chính bản thân mình để khuyến khích và tạo nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp cũng như những người làm khởi nghiệp ở Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, ông Thuận Phạm chính là người Việt thành công nhất tại thung lũng Silicon. Ảnh: Mạnh Hưng |
Đối với các bạn trẻ khởi nghiệp đang phải đối mặt với những rủi ro về mặt chính sách, với góc độ của một người đã từng khởi nghiệp thành công, ông Thuận Phạm cho rằng các bạn trẻ đừng nên quan tâm đến bất kỳ vấn đề nào khác ngoài bản thân mình.
Ở giai đoạn đầu tiên của quá trình khởi nghiệp, điều cần phải quan tâm và chú trọng nhiều nhất chính là tìm ra vấn đề mà mình muốn giải quyết và những sản phẩm, dịch vụ mà mình sẽ cung cấp sau này.
Có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền cho các startup Việt Nam. Vấn đề ở đây là họ cần có các sản phẩm tốt, có những ý tưởng thực sự khả thi để đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Khi có những sản phẩm tốt, đã được chứng minh và đã được thị trường chấp nhận thì không thiếu nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn.
Các bạn trẻ đừng nên trông chờ thụ động vào sự tác động hay những chính sách hỗ trợ của chính phủ cũng như bất kỳ một bên liên quan nào khác. Đừng mong chờ người khác tạo điều kiện cho mình để có thể hoạt động tốt hơn.