Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trung - Ấn khi những tham vọng Nam Á chạm trán tại Himalaya

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực ngã ba biên giới với Bhutan đến nay đã kéo dài hơn một tháng. Câu hỏi đầu tiên mà có lẽ nhiều người đặt ra là tại sao Ấn Độ và Trung Quốc lại đối đầu nhau vì phần đất mà Bhutan và Trung Quốc đang tranh chấp. Và câu hỏi thứ hai: Liệu một cuộc chiến như hồi năm 1962 giữa 2 cường quốc châu Á sẽ xảy ra?

 

Tuyên bố của các bên cho tới lúc này đều đầy rẫy những lời cảnh báo và đe dọa. Các tờ báo của New Delhi loan tin rằng Trung Quốc cảnh báo cuộc đối đầu "có thể leo thang thành xung đột toàn diện".

Tại Bắc Kinh, truyền thông nhà nước cũng đã kịp "nhắc nhở" Ấn Độ về "bài học" lịch sử năm 1962 khi Trung Quốc bất ngờ phát động hai cuộc tấn công tại khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ. Đến nay, người Ấn vẫn chưa thể nguôi ngoai ký ức về cuộc chiến chớp nhoáng mà nước này ở thế bị động và chịu tổn thất nặng nề.

Tất nhiên, đây mới chỉ là những câu chuyện bề mặt. Phần còn lại của tảng băng chìm là cuộc tranh giành ảnh hưởng lâu nay giữa "ngọa long" Trung Quốc và "tàng hổ" Ấn Độ. Đây là cách diễn đạt của nhà báo Ấn Độ Prem Shankar Jha, tác giả cuốn "Crouching Dragon, Hidden Tiger: Can China and India Dominate the West?", tạm dịch: "Ngọa long, tàng hổ: Trung Quốc và Ấn Độ có thể thống trị phương Tây?".

Hai nền văn minh huy hoàng, hai quốc gia đông dân nhất thế giới, hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân... có nhiều điểm chung song cũng không ít mâu thuẫn.

 

Căng thẳng bùng nổ vào giữa tháng 6 khi Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường đi qua cao nguyên Doklam theo cách gọi của Ấn Độ hay Donglang theo cách gọi của Trung Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên hai người hàng xóm vốn có quan hệ không mấy êm ả đối đầu nhau tại khu vực biên giới. Sau cuộc chiến năm 1962, khu vực đã chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang nhỏ lẻ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vào năm 1967 cũng như việc củng cố binh sĩ và đối đầu kéo dài của hai bên dọc đường kiểm soát thực tế.

Điểm nóng hiện tại nằm ở ngã ba biên giới Trung Quốc - Ấn Độ - Bhutan và là đối tượng tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc, dù mỗi bên có cách định nghĩa khác nhau về phạm vi tranh chấp. Ấn Độ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bhutan, nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh nhưng lại rất thân thiết với New Delhi.

Bắc Kinh xác định vị trí ngã ba biên giới xa hơn về phía nam so với vị trí mà Thimbu và New Delhi xác định, nên cho rằng con đường được mở hoàn toàn nằm trong lãnh thổ của họ. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ trích việc Trung Quốc vượt qua biên giới (với Bhutan) và làm thay đổi nguyên trạng.

Sở dĩ Ấn Độ góp mặt trong cuộc tranh chấp tưởng chừng như không liên quan đến họ bởi Bhutan cho phép Ấn Độ can dự vào chính sách quốc phòng và đối ngoại của mình theo một hiệp ước ký kết vào năm 1949, sau đó được thay bằng hiệp ước hữu nghị năm 2007.

Tuy nhiên theo nhiều nhà bình luận Ấn Độ, mối bận tâm thực sự với New Delhi là vị trí địa chiến lược của tuyến đường mà Trung Quốc xây dựng. Con đường được cho là nối liền đường cao tốc S204 ở huyện Á Đông thuộc khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc với khu vực "ngã ba biên giới".

New Delhi lo lắng rằng, một khi hoàn thành, tuyến đường sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận dễ dàng hơn với "hành lang Siliguri" hay còn gọi là vùng "cổ gà", khu vực rộng khoảng 20 km kết nối 8 bang đông bắc với phần lãnh thổ chính của Ấn Độ. Thậm chí, một số ý kiến nhận định rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được cao nguyên Doklam nơi tuyến đường được xây dựng, họ sẽ có thể cô lập toàn bộ 8 bang này trong trường hợp Ấn - Trung xung đột.

 

Dù vậy, theo một số chuyên gia, nguy cơ về vùng "cổ gà" đã "bị thổi phồng quá mức" trong cuộc đối đầu lần này. Họ lý giải nếu muốn điều quân đến hành lang Siliguri, Quân đội Trung Quốc (PLA) phải huy động một lượng lớn binh sĩ từ Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, cũng như từ khu vực trung tâm.

Ông Dennis Blasko, một chuyên gia hàng đầu về quân sự Trung Quốc, cho biết PLA đang tiến hành cải cách để có thể điều quân đến bất cứ đâu, song lực lượng của họ tại Tây Tạng không đủ để phá hàng rào phòng thủ của Ấn Độ tại Sikkim. Trong khi đó, việc chuyển đủ quân đến khu vực núi cao và hiểm trở như Himalaya sẽ mất nhiều thời gian, không còn yếu tố bất ngờ chiến lược cũng như tạo điều kiện để Ấn Độ củng cố lực lượng.

Hơn nữa, các chuyên gia cho rằng việc phòng thủ trước pháo binh, lục quân và không quân Ấn Độ là tại khu vực Sikkim thậm chí càng khó hơn việc điều quân. "Sikkim là nơi Ấn Độ tấn công Trung Quốc, chứ không phải ngược lại", trung tướng về hưu SL Narasimhan, hiện là thành viên Hội đồng Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ, nhận định.

 

Do đó, theo nhà phân tích Ajai Shukla, New Delhi tin rằng Bắc Kinh muốn thông qua cuộc đối đầu lần này để "thử thách cam kết của Ấn Độ với Bhutan". "Trung Quốc đã luôn cảm thấy tự ái vì mối quan hệ thân thiết giữa hai nước đó, mối quan hệ vẫn đứng vững dù Trung Quốc có gây sức ép để chia rẽ như thế nào", ông Shukla nói với BBC.

Ấn Độ hiện duy trì một lực lượng binh sĩ cố định tại Bhutan (số liệu chưa thống nhất, dao động từ 900 đến 5.000 binh sĩ). New Delhi hiểu rằng việc rút quân khỏi Bhutan cũng đồng nghĩa với việc đưa Thimbu vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh, cho phép Trung Quốc giành lợi thế trong cuộc đàm phán biên giới với Bhutan.

Do đó, theo nhà phân tích Ajai Shukla, New Delhi tin rằng Bắc Kinh muốn thông qua cuộc đối đầu lần này để "thử thách cam kết của Ấn Độ với Bhutan". "Trung Quốc đã luôn cảm thấy tự ái vì mối quan hệ thân thiết giữa hai nước đó, mối quan hệ vẫn đứng vững dù Trung Quốc có gây sức ép để chia rẽ như thế nào", ông Shukla nói với BBC.

Ấn Độ hiện duy trì một lực lượng binh sĩ cố định tại Bhutan (số liệu chưa thống nhất, dao động từ 900 đến 5.000 binh sĩ). New Delhi hiểu rằng việc rút quân khỏi Bhutan cũng đồng nghĩa với việc đưa Thimbu vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh, cho phép Trung Quốc giành lợi thế trong cuộc đàm phán biên giới với Bhutan.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng hiểu rằng việc để Ấn Độ ra mặt thay cho Bhutan, nhất là khi liên quan đến quân sự, sẽ gửi đi một thông điệp không mong muốn đến các nước khác tại khu vực, những nước mà Trung Quốc muốn "nhắc nhở" về vị thế cường quốc của mình.

Bhutan là một vương quốc nhỏ bị kẹp giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai nền văn minh với lịch sử lâu đời và những bản sắc khó có thể nhầm lẫn. Do đó, cuộc đối đầu đang diễn ra trên Himalaya hé lộ một phần của bức tranh lớn hơn về sự tranh giành ảnh hưởng giữa "ngọa long" và "tàng hổ" tại khu vực Nam Á.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều từng có quá khứ huy hoàng và nay cùng muốn khôi phục lại hào quang đã có, dù âm thầm hay công khai. Việc sở hữu những nền văn minh lớn của nhân loại khiến lãnh đạo hai nước muốn giành lại quyền lực và vị thế sao cho phù hợp với diện tích, dân số, vị trí địa lý và di sản lịch sử của đất nước mình.

Hashtag tuần qua: Căng thẳng Trung - Ấn bao trùm Himalaya Tranh chấp biên giới giữa hai cường quốc hàng đầu châu Á tại khu vực cao nguyên quanh dãy Himalaya đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh quốc tế.

Ngày 7/4 năm nay, khi Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đặt chân đến New Dehli, người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã ra tận sân bay đón bà. Trong dịp này, hai nước đã ký 3 thỏa thuận hợp tác quốc phòng với lần đầu tiên Bangladesh đạt thỏa thuận mua thiết bị quân sự từ Ấn Độ.

Sự sốt sắng được cho là "trái với tiền lệ" của ông Modi diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Bangladesh đang phát triển nhanh và Dhaka vừa mua 2 tàu ngầm từ Bắc Kinh.Trong nhiều năm dài, dựa vào quy mô kinh tế vượt trội và mối tương quan lịch sử - văn hóa lâu đời, Ấn Độ đã khuếch trương ảnh hưởng rộng khắp Nam Á. Trong khi đó, Trung Quốc không có nhiều quan hệ với khu vực này ngoại trừ Pakistan.

Tuy nhiên, khi thế giới bước sang thiên niên kỷ thứ ba, Trung Quốc đã vươn mình trở thành nền kinh tế dẫn đầu thế giới và bắt đầu vươn tầm ảnh hưởng ra khắp các lục địa xa xôi, bao gồm Nam Á, qua các hoạt động ngoại giao, thương mại, đầu tư và viện trợ.

 

Từ năm 2015, Trung Quốc đã thay thế Ấn Độ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh và đang thu hẹp khoảng cách tại Nepal và Sri Lanka. Ngoại trừ Bhutan, nước thậm chí không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, sự hiện diện của Trung Quốc ở Nam Á đang rõ ràng hơn bao giờ hết, từ các chuyến thăm viếng cấp cao đến hàng hóa ở chợ và các công trình đầu tư hạ tầng.

Nam Á là khu vực có mức độ hội nhập kinh tế thấp bậc nhất thế giới với nguyên nhân là các cuộc xung đột lãnh thổ triền miên, chính sách bảo hộ và cơ sở hạ tầng giao thương kém phát triển. Trung Quốc, với sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và "Vành đai, Con đường", nắm trong tay tiềm lực tài chính khổng lồ và là thứ các nước Nam Á đang cần để thay đổi bộ mặt hạ tầng của họ.

Bangladesh, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka đều là thành viên AIIB. Nepal, nước vốn kết nối với thế giới thông qua cửa ngõ phía nam và Ấn Độ, đang đàm phán để xây dựng một tuyến đường băng qua Trung Á để đến Trung Quốc và là một phần trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh.

 

Trong khi đó, Pakistan được hứa hẹn sẽ có 60 tỷ USD trong tổng trị giá 900 tỷ USD mà các định chế Trung Quốc dự kiến dành cho sáng kiến trên. Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan sẽ là một phần quan trọng của kế hoạch xây dựng hạ tầng xuyên suốt châu Á và nối Trung Quốc với các khu vực xa xôi. Một nửa trong khoản tiền 60 tỷ USD sẽ dành cho các công trình sân bay, cảng biển, đường xá của Pakistan.

Sri Lanka cũng gia nhập sáng kiến Vành đai, Con đường. Các quan chức nước này không che giấu hy vọng Trung Quốc sẽ giúp hồi sinh giao thương có lịch sử hàng nghìn năm trước. Khoản đầu tư Trung Quốc dự kiến đổ vào Sri Lanka khi tham gia Vành đai, Con đường là khoảng 24 tỷ USD.

Tất nhiên, lợi thế lâu năm của New Delhi tại Trung Á vẫn còn đó. Kể từ khi lên nhậm chức hồi năm 2014, Thủ tướng Modi đã đẩy mạnh hợp tác với các láng giềng ở quy mô chưa từng có trước đó thông qua hoạt động thương mại, giao lưu nhân dân... Ấn Độ chia sẻ với Nepal đường biên giới mở, ký thỏa thuận thương mại tự do với Sri Lanka và có "mắt xích kinh tế đôi bên cùng có lợi" với Bhutan.

Tại Diễn đàn Vành đai và Con đường vì Hợp tác Quốc tế tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 5 vừa qua, trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình vẽ lên một bức tranh màu hồng về hợp tác khu vực, New Delhi chỉ cử một phái đoàn cấp thấp đến tham dự, một động thái tỏ rõ sự không hài lòng.

Trở lại với cuộc đối đầu tại Doklam, binh sĩ Trung - Ấn vẫn gầm ghè nhau mỗi ngày. Ấn Độ không chịu xuống giọng trong khi Trung Quốc vừa tổ chức tập trận ở Tây Tạng, động thái được cho là nhằm chuyển quân lính và vũ khí đến gần biên giới với Bhutan. Dù vậy, các chuyên gia nhận định hai nước có mọi lý do để không làm bùng phát một cuộc xung đột và cuộc chiến năm 1962 sẽ không lặp lại.

Về phía Ấn Độ, dù Bộ trưởng Quốc phòng Arun Jaitley mạnh miệng rằng "Ấn Độ năm 2017 khác Ấn Độ năm 1962", thời điểm nước này mất mặt trước Trung Quốc sau cuộc chiến chớp nhoáng chỉ kéo dài một tháng, Ấn Độ vẫn thua hẳn Trung Quốc về sức mạnh quân sự.

Trong bài phân tích đăng trên The Diplomat, ông Rajeesh Kumar, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi, cho rằng trong một thể chế dân chủ như Ấn Độ, chiến tranh, và một cuộc chiến bại, ngay lập tức sẽ được phản chiếu trong kỳ bầu cử tiếp theo.

 

Ngoài ra, người dân Ấn Độ, vốn luôn "ấm ức" vì chiến bại năm 1962, không thể chịu đựng thêm một lần thua cuộc trước Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, việc khiêu chiến trước sẽ phá vỡ hoàn toàn hình ảnh mà Bắc Kinh dày công tạo dựng trong những năm gần đây: một cường quốc với sức mạnh kinh tế và sự trỗi dậy trong hòa bình. Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận Trung Quốc như một nhà lãnh đạo tương lai, một cuộc chiến tranh sẽ khiến những ấn tượng về tham vọng bành trướng của Bắc Kinh càng sâu đậm trong mắt dư luận.

Vì tất cả những lý do trên, căng thẳng biên giới của Trung Quốc và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ dừng lại ở những cú huých vai qua lại của binh sĩ hai bên hơn là xung đột bùng nổ.