Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tăng lương tối thiểu 2018: Doanh nghiệp than khó

Các đề xuất của đại diện giới chủ và người lao động vênh nhau đến hơn 8%....

Dự kiến ngày 28/7 sẽ tiếp tục phiên thứ hai về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018. 

Đã thành thông lệ, cứ vào tháng 7 hàng năm, là lương tối thiểu vùng cho năm tiếp theo lại được đề xuất tăng. Dường như năm nào cũng có những cuộc tranh luận giữa đại diện giới chủ và người lao động.

Trong khi đại diện người lao động yêu cầu phải tăng lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống thì các doanh nghiệp liên tục than khó khăn. Dự kiến ngày 28/7 sẽ tiếp tục phiên thứ hai về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2018.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, các mức tăng cần đảm bảo cân bằng được lợi ích của cả hai bên. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 cho người lao động lại cho thấy các đề xuất vênh nhau đến hơn 8%. Dự kiến, ngày 28/7, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục phiên họp thứ hai để bàn thảo về vấn đề này.

Còn những quan điểm khác nhau

Tại phiên họp thứ nhất vừa qua, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương đã đưa ra 3 mức tăng lương tối thiểu năm 2018 gồm: tăng 5%, 6% hoặc 6,8% so với năm 2017, căn cứ theo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến tăng 4% trong năm nay.

Còn đề xuất mức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động) đề xuất mức tăng phải 13,3% so với năm 2017.

Bảo vệ quan điểm cần phải tăng lương tối thiểu ở mức 13,3%, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thấy đời sống của người lao động còn khá khó khăn. So với nhu cầu sống tối thiểu của công nhân, chúng tôi tính cần bù đắp mức lương tối thiểu khoảng 21%. Năm 2017, chúng ta đã tăng 7,3%, như vậy vẫn còn thiếu hụt khoảng 14% nữa so với đời sống tối thiểu của công nhân”.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam – VCCI (đại diện giới chủ sử dụng lao động) lại không đồng tình với mức tăng trên. Cho rằng, với tình hình kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, đại diện VCCI khẳng định không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 hoặc nếu tăng chỉ nên dưới 5%.

Tại những phiên đối thoại với doanh nghiệp về chính sách pháp luật gần đây, nhiều doanh nghiệp than khó khi mà lương tối thiểu vùng liên tục tăng.

Bà Vũ Thị Hà, đại diện Công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng nên giãn thời gian, không nên năm nào cũng tăng như gần đây. Vì trên thực tế, dù tăng lương tối thiểu vùng, nhưng thu nhập người lao động vẫn giảm vì phải tăng mức đóng bảo hiểm xã hội và công đoàn phí.

Phó Giám đốc Công ty May 10, ông Thân Đức Việt thì kiến nghị, không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 khi năm 2016 đã tăng 12,4% so với 2015 và năm 2017 tăng 7,3% so với năm 2016.

“Chúng tôi mong muốn không tăng, nếu tăng thì phải tăng hợp lý, chỉ dưới 5%, đảm bảo mức chi trả của doanh nghiệp. Hiện nay, ngành may mặc, quỹ tiền lương chiếm khoảng 60% tổng chi phí. Nếu như tiếp tục tăng lương thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của ngành”.

Ông Việt cho rằng, dưới góc độ người lao động, tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho người lao động là hợp lý. Nhưng dưới góc độ của người sử dụng lao động, việc tiền lương tối thiểu cứ tăng liên tục, đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của doan nghiệp.

“Với những lý do trên, theo tôi không nên tăng tiền lương tối thiểu hàng năm. Nếu có tăng phải có lộ trình và nên tham khảo doanh nghiệp hoặc tăng ở mức hết sức hợp lý để doanh nghiệp có thể chịu đựng được”, ông Việt nói.

Một trong những đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Korcham chia sẻ, tính đến tháng 6/2017, Hàn Quốc đã đầu tư 54,5 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Cùng với những thuận lợi mà doanh nghiệp Hàn Quốc có được tại Việt Nam, các doanh nghiệp này cũng đang gặp phải những khó khăn; trong đó, chi phí cho nhân công ngày càng tăng do tăng lương tối thiểu hàng năm và đặc biệt là từ đầu năm 2018, tất cả lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đều phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tăng lương sẽ phải hài hòa giữa các bên

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về vấn đề này, ông Lê Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ dựa trên sự hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước phải đảm bảo công ăn việc làm; doanh nghiệp đảm bảo mức chi phí sản xuất; Người lao động đảm bảo quyền lợi với mức sống tối thiểu.

Còn ông Doãn Mậu Diệp thì khẳng định, giãn lộ trình tăng lương tối thiểu là một trong những ý kiến Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ phải cân nhắc.

“Cả hai bên đều không hài lòng nếu như tăng hoặc không tăng. Về phía cơ quan nhà nước, Hội đồng Tiền lương sẽ họp trên cơ sở hai bên thương lượng với nhau, đạt mức sống tối thiểu hay không thì chưa biết nhưng phải cải thiện được mức sống tối thiểu, phải đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp, phù hợp với năng suất lao động và mức tăng chỉ số giá tiêu dùng”, ông Diệp nói.

Ông cũng cho biết, Chính phủ đặt kế hoạch sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động vào năm 2018. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang khẩn trương lập hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động để năm 2018 trình Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.

“Cuộc đối thoại với doanh nghiệp là cơ hội để cơ quan chức năng được lắng nghe và trả lời tất cả các câu hỏi từ phía doanh nghiệp. Câu hỏi nào chưa thể trả lời ngay thì sẽ được ghi nhận và trả lời bằng văn bản”, ông Diệp nói.