Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Làm sao để trị tính keo kiệt của vợ?

Vợ chồng tôi đã sống với nhau được 4 năm. Cuộc sống gia đình cũng khá giả. Thế nhưng có một vấn đề khiến quan hệ giữa tôi và vợ thường xuyên bất hòa, đó là chuyện vợ tôi có tính keo kiệt.

Mặc dù lương của tôi gần 30 triệu đồng, cộng thêm lương của cô ấy, mỗi tháng tổng thu nhập của 2 vợ chồng tầm hơn 40 triệu đồng, đã có nhà riêng, nhưng bữa cơm loanh quanh chỉ đậu-thịt-cá, đối nội đối ngoại cả tháng mới có 1 lần, thế mà tháng nào cũng vậy, chưa đến cuối tháng vợ tôi đã than hết tiền.

Trong nhà tôi nhìn từ trong ra ngoài toàn đồ chắp vá. Bàn ghế thì xin đồ thải nhà anh vợ, ấm chén mỗi cái một màu, nồi niêu cái hỏng quai, cái thì mất nắp. Mỗi lần nhà có khách là phải chạy sang hàng xóm mượn thêm bát vì nhà chỉ có 4-5 cái. Nhà có điều hòa nhưng hôm nào con quấy khóc vì nóng thì cô ấy mới chịu sử dụng.

Tôi là con cả, em gái đã đi lấy chồng, bố mẹ tôi đã già yếu và nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà là của tôi, nhưng bố tôi vẫn phải đi làm bảo vệ cho một công ty gần nhà để có thu nhập. Tôi đã nói với vợ hàng tháng trích tiền ra gửi 4-5 triệu để bố mẹ tôi chi tiêu, thế nhưng hầu như cô ấy cố tình “quên” hoặc có gửi thì chỉ bằng ½ con số tôi yêu cầu.

 Tính keo kiệt của vợ khiến tôi đau đầu (Ảnh minh họa).

Em gái ở quê sinh bé, có hàng xóm gần nhà đi khám bệnh và qua nhà tôi chơi, tôi bảo vợ gửi chút tiền về làm quà cho cháu. Lúc vợ tôi ra, đưa cái phong bì bên trong đúng mỗi tờ 200 nghìn đồng, tôi kêu ít thì cô ấy bảo: “Trẻ con không biết tiêu tiền, cho gọi là lấy vía thôi”.

Người thân cô ấy con “keo” đến vậy, huống hồ người ngoài. Có lần cả nhà đi du lịch, vì đi cùng cơ quan nên sau khi ăn xong, thấy mọi người trong đoàn có tiền “bo” cho nhân viên phục vụ bởi các em ấy rất tận tình và chu đáo, tôi cũng rút tờ 100 nghìn đồng cho khỏi “lạc bầy”. Vậy mà vợ tôi cướp ngay tờ tiền lại đút vào túi và bảo: “Đồng nghiệp anh cho nhiều thế kia, mình không cho cũng không chết ai”. Nhìn ánh mắt đồng nghiệp đổ dồn về phía mình, tôi bẽ mặt vô cùng.

Quả thực, tôi bất lực với cô vợ keo kiệt “vắt cổ chày sắt ra nước” của mình. Cứ thế này có lẽ tôi không dám cùng vợ đi ra ngoài. Nhiều lần cãi nhau về vấn đề này khiến tôi thấy ngán về nhà. Anh chị nào có kế sách gì, có thể cho tôi xin chút lời khuyên được không? (Tuấn Bảo, 30 tuổi, Hà Nội).

Chị Mai Hạnh (34 tuổi) tư vấn:

Theo tôi, có thể vợ anh không yêu thương anh thật lòng nên mới không yêu thương gia đình nhà nội mà chỉ khư khư lo cho riêng gia đình nhỏ. Giờ anh nên nói chuyện với vợ thật thoải mái và cởi mở, phải nhấn mạnh rằng anh là con trai duy nhất và phải có trách nhiệm lo cho cha mẹ và vì điều kiện gia đình mình cũng khá giả, nên càng phải thực hiện việc phụng dưỡng cha mẹ cho tốt, từ giờ nếu chị ấy hàng tháng không trích ra gửi về được cho bố mẹ 4-5 triệu thì anh sẽ bớt tiền lương lại để tự gửi. Mọi sinh hoạt trong gia đình nếu vợ anh không cải thiện, anh sẽ giữ quỹ lương của 2 vợ chồng để lên kế hoạch chi tiêu cho vợ đỡ “đau đầu” khi chưa đến cuối tháng đã hết tiền.