Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bao giờ gia đình chính sách mới có nhà tình nghĩa?

Gia đình ông Nguyễn Hữu Lợi, ở thôn Mỹ Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), là gia đình chính sách tiêu biểu, có 3 liệt sỹ (cha và 2 chú ruột), bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng, gặp nhiều khó khăn rất cần được giúp đỡ.

 Vợ chồng ông Lợi trước ngôi nhà do tổ tiên để lại

Hiện nay ông Lợi sống trong ngôi nhà rường gỗ, lợp ngói vảy đồng thời là nơi thờ cúng Mẹ Việt nam Anh hùng và 3 liệt sỹ. Ngôi nhà tổ tiên để lại, nay xuống cấp nghiêm trọng; mưa là dột, một số xà, kèo bị mối mọt xông, gãy đổ bất cứ lúc nào. Không ít lần ông Lợi tính chuyện nâng cấp, song lực bất tòng tâm nên đến nay nơi thờ cúng vẫn rất đơn sơ; các lư hương đặt trên tủ chè, sát phòng khách.

Sau khi công luận lên tiếng, nhân đón Tết nguyên đán Ất Mùi, đoàn cán bộ của Bộ Chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh Nghệ An về thăm gia đình và tặng gói quà 1 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình chưa nhận được sự quan tâm giúp đỡ nào mặc dù cách đây hơn 1 năm, cán bộ của BCH Quân sự tỉnh và BCH Quân sự huyện Đô Lương đến khảo sát về nhà ở và hứa có phương án xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình.

Đầu tháng 6/2016, ông Lợi nhận được 2 cuộc điện thoại gọi đến từ 2 cơ quan trên thông báo, gia đình được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa. Nhận điện thoại, vợ chồng ông Lợi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đã có đơn vị hiểu hoàn cảnh gia đình, hỗ trợ kinh phí để xây nhà. Lo là với số tiền đó liệu có xây nổi nhà, trong khi đời sống thu nhập của gia đình hết sức khó khăn, không có kinh phí góp thêm để nhà.

 Vợ chồng ông Lợi và nơi thờ cúng tổ tiên và 3 liệt sỹ

Như vậy là đã hơn 2 năm kể từ ngày hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Hữu Lợi được công luận lên tiếng, gia đình chính sách chịu nhiều đau thương mất mát, cống hiến lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước này vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ đáng kể nào để cải thiện về nhà ở và đời sống.

Hơn nữa xây nhà tình nghĩa, dứt khoát phải phá dỡ ngôi nhà rường gỗ tổ tiên để lại. Để vậy còn có nơi thờ cúng, chứ dỡ ra làm lại, với ngôi nhà vốn đầu tư 70 triệu đồng, thời giá hiện nay, hẳn rằng nơi thờ cúng không như mong muốn. Từ sự trăn trở đó, mấy ngày sau, ông Lợi điện trao đổi lại BCH Quân sự tỉnh Nghệ An và BCH Quân sự huyện Đô Lương đề xuất phương án, số tiền 70 triệu đơn vị hỗ trợ, gia đình dùng vào việc nâng cấp và mua sắm các vật dụng cho việc thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng và 3 liệt sỹ có được không?

Cán bộ tiếp chuyện, thông báo số tiền đó chỉ dùng với mục đích duy nhất là xây nhà, nếu gia đình cảm thấy chưa cần thì đơn vị chuyển cho hộ khác. Dẫu đang gặp khó khăn về nơi thờ cúng tổ tiên và 3 liệt sỹ cũng như nơi ở của gia đình, song ông Lợi đành phải khước từ.

Mồ côi cha từ nhỏ (khi cha hi sinh ông mới 2 tuổi), mẹ đi lấy chồng, ở với ông bà nội, tuổi thơ của ông Nguyễn Hữu Lợi vô cùng gian nan cơ cực. Đến tuổi trưởng thành ông xây dựng gia đình với bà Trần Thị Mùi, người cùng xã và sinh hạ 6 người con. Những đứa con của ông Lợi, bà Mùi lớn lên trong sự nghèo khổ, học hành không đến nơi đến chốn. Đến nay 5 người con lớn, người đã có gia đình, người xuôi Nam, ngược Bắc làm thuê; cô gái út đang học lớp 12.

Cả gia đình hơn 10 nhân khẩu (cả dâu và cháu nội) ở trong ngôi nhà tổ tiên để lại quá chật chội. Năm 2014, từ tiền dành dụm được của đứa con đi xuất khẩu lao động, vay mượn khắp nơi, ông Lợi xây thêm ngôi nhà 2 gian sát ngôi nhà cũ. Tuy vậy, những lúc con cái về đông đủ, chỗ ở vẫn là nỗi bức xúc của gia đình.

 Ngôi nhà và là nơi thờ cúng, một số xà gỗ bị gãy