Hà Nội cứ mưa là ngập: Nghịch cảnh “càng mới càng ngập nặng”
- 08:57 20-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều khu vực Hà Nội ngập sâu sau mưa hoàn lưu bão số 2. Ảnh: TG |
Đường, khu đô thị càng mới càng ngập sâu
Sau cơn mưa lớn ngày 18/7, nước tầng hầm của nhiều căn biệt thự liền kề ở khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bị ngập sâu 1,5m, nhiều người đã phải xuống vớt xe máy, đồ đạc. Chiều tối 19/7, tình hình ngập nước ở khu vực này vẫn tiếp diễn khi những cơn giông vẫn đổ xuống Hà Nội. Khảo sát của phóng viên Báo Gia đình & Xã hội cho thấy, không chỉ khu đô thị Nam An Khánh mà tình trạng ngập úng xảy ra tại nhiều khu đô thị, cao ốc mới vốn là những khu vực được đánh giá có phương án xây dựng và hệ thống tiêu thoát nước hiện đại. Tại quanh khu vực cao ốc cao cấp Keangnam, từ khi triển khai xây dựng và đi vào hoạt động, khu dự án 72 tầng này luôn được xếp vào hàng hiện đại nhất Thủ đô nhưng mưa sau hoàn lưu bão số 2 vừa qua lại tiếp tục khiến dân cư ở đây phải lội nước bì bõm đi làm.
Các khu đô thị mới như Văn Quán, Văn Phú, Dương Nội thuộc địa bàn quận Hà Đông cũng là “điểm đen” về úng ngập. Khu đô thị Dương Nội là một trong những “điểm nóng” về ngập lụt. Sau mỗi trận mưa lớn, nước rút chậm, thậm chí có nơi phải đến 3, 4 ngày sau mới rút hết. Cũng theo ghi nhận của phóng viên, khu vực Tây sông Tô Lịch đến sông Nhuệ có khá nhiều điểm ngập cục bộ trong 2 ngày mưa lớn vừa qua. Ở những khu vực này, thời gian qua đô thị hóa phát triển mạnh với nhà cao tầng mọc lên dày đặc. Việc xây dựng hệ thống hồ điều hòa mới chỉ nằm trên giấy hoặc đang rục rịch thực hiện theo sau nên nước đổ xuống không biết thoát đi đâu. Nhiều ý kiến chuyên gia kiến trúc cho rằng việc ngập úng nghiêm trọng là do vấn đề đầu mối thoát nước, phát triển đô thị đi trước – hạ tầng đi sau.
Về phía đơn vị phụ trách thoát nước cho địa bàn TP Hà Nội, công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội giải thích nguyên nhân úng ngập là do trên địa bàn thành phố Hà Nội còn tồn tại nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chỉnh trang đô thị, dự án xây dựng lớn... ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống thoát nước của thành phố. Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội nhận định, với các trận mưa có lượng lớn hơn 50mm - 100mm/2 giờ thì nội thành Hà Nội xuất hiện 18 điểm úng ngập. Nhưng, với những trận mưa cấp tập trong thời gian ngắn, số điểm bị nước ngập lớn hơn rất nhiều. Giải thích về tình trạng “cứ mưa lớn là ngập ở nội thành Hà Nội”, đại diện chủ đầu tư dự án thoát nước giai đoạn II là Ban quản lý dự án Thoát nước, nay là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường Hà Nội cho biết, dự án chỉ chống ngập úng cho đô thị lõi của Hà Nội trong lưu vực sông Tô Lịch (có ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng), với diện tích lưu vực là 77,5 km2 . Theo tính toán của Ban quản lý dự án này, nếu lượng mưa đạt tới gần 100mm trong 2 giờ là vượt công suất thiết kế nhiều lần nên không thể tránh được bị ngập cục bộ trong khoảng thời gian ngắn.
Chuyên gia “lật tẩy” nguyên nhân chính khiến ngập úng
Ở góc nhìn khác, các chuyên gia và nhà khoa học được tham khảo đã đưa ra những nhận định khá sâu sắc về nguyên nhân ngập úng ở Hà Nội hiện nay. Theo đó, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng: “Các khu đô thị mới có tình trạng chung là quá trình thực hiện, triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát. Vậy nên, vấn đề ngập úng là tất yếu. Người xây sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực làm trước. Quá trình này vẫn liên tục diễn ra. Nơi mà hôm nay không bị ngập không có nghĩa là sau đó sẽ không phải đối diện cảnh ngập úng”.
Để chống ngập cho Hà Nội, từng có sáng kiến về việc xây hồ hoặc siêu hầm ngầm tích nước chống ngập cho khu vực nội thành. GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, đây là giải pháp không khả thi đối với khu vực Hà Nội và cả khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, Hà Nội nằm trên vùng phù sa cổ, dưới sâu lòng đất không phải chỉ là đá với đất mà là lớp trầm tích dạng than bùn. Vì vậy, nếu làm hầm ngầm để tích nước chống ngập sẽ như một quả bom bên dưới, có thể gây lún sụt, vỡ bất kỳ lúc nào bởi tính ổn định địa chất không cao.
Ông Hồng đề xuất ý kiến làm hầm ngầm thoát nước ở Hà Nội để tiêu thoát ra sông, hồ sẵn có: “Hà Nội có một hệ thống sông, hồ chằng chịt như vậy, tại sao không cải tạo, khơi thông để tiêu thoát nước. Khu vực nội thành có nhiều dòng sông tiêu thoát nước như Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ nhưng nơi thì bị lấn chiếm, nơi chưa được khơi thông thành ra ùn ứ, nước không tiêu thoát kịp…”. Theo PGS. TS Trần Đức Hạ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường: Từ năm 1994, Hà Nội (7500ha lưu vực sông), giai đoạn đó được chuyên gia Nhật Bản giúp đỡ (hình thức ODA, JICA). Tổng số tiền khoảng 500 triệu USD (chưa kể đối ứng của VN). Nếu Hà Nội không quá phát triển đô thị ở lưu vực này thì không phải gánh chịu ngập lụt. Ngoài ra còn là vấn đề đảm bảo cốt san nền, giếng thoát nước, chưa có tiền để xây dựng các trạm bơm đầu mối, các cống thu gom.
PGS. TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường đưa ra các con số, từ năm 1994, Hà Nội có 7.500ha lưu vực sông, giai đoạn đó được chuyên gia Nhật Bản giúp đỡ (hình thức ODA, JICA). Tổng số tiền khoảng 500 triệu USD chưa kể đối ứng của Việt Nam. Nếu Hà Nội không quá phát triển đô thị ở lưu vực này thì không phải gánh chịu ngập lụt. Ngoài ra còn có thể kể đến việc chưa có tiền để xây dựng các trạm bơm đầu mối, các cống thu gom.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3 vùng thoát nước chính gồm: tả Đáy, hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Tuy nhiên, các nguồn góp phần tiêu thoát nước chính trên lại thường xuyên chịu cảnh ách tắc vì rác thải và đất mùn bồi lắng. Tình trạng hễ mưa là ngập ở Thủ đô khiến cho dư luận đặt dấu hỏi về hiệu quả của Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn II vừa mới hoàn thành cuối năm 2016 ngốn gần 11.000 tỷ đồng. |