Đi tìm nguyên nhân khiến người đàn bà ép gia đình sống như 'âm binh' ở Thanh Hóa
- 09:16 21-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
LTS: Tiếp tục câu chuyện ly kỳ về người phụ nữ điều khiển cả gia đình sống như "âm binh" ở Thanh Hóa mà VTC News đã đăng tải: Buổi chiều cùng ngày, sau khi nghe vợ chồng ông bà Dung - Hồ kể chuyện, chúng tôi quyết tâm muốn quay trở lại ngôi nhà kỳ lạ của bà Nguyễn Thị Thành thêm một lần nữa.
Kỳ 3 (kỳ cuối): Giáp mặt "âm binh"
Chưa kết thúc câu chuyện, ông Hồ vội vã dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà. "Ai, ai dám đi theo tôi sang bên đó nào?", ông Hồ cất lời hỏi lại chúng tôi.
Ngồi phía sau xe máy, ông Hồ tâm sự: "Trước đây, chúng tôi có lừa bà ấy đi bệnh viện tâm thần nhưng bà ấy không chịu và đòi về. Có mua thuốc về bà ấy cũng không uống và cất đi. Đến khi chết mất một đứa con mà vẫn không chịu tỉnh táo ra".
Đến ngõ, ông Hồ không xuống mà lao thẳng xe vào cổng nhà bà Thành. Lúc này, thấy có người quay lại, chị Thanh lại chạy ra ngăn cản. Thông thường, khi gặp vợ chồng ông Hồ, chị Thanh có chút e ngại. Dù rất khó chịu nhưng chị Thanh vẫn không dám manh động với ông Hồ.
Ông Hồ xông thẳng vào phía căn nhà của bà Nguyễn Thị Thành. (Ảnh: Kim Thược) |
Sau khi ngăn cản không được, chị Thanh chạy vào gọi cậu em ra ứng cứu. Lúc này, tạnh hẳn cơn mưa, trời sáng hơn tôi mới nhìn rõ khuôn mặt của họ. Hai người ăn mặc giống hệt như nhau, diện bộ quần áo bay rách rưới vá tứ tung. Trên đầu, mỗi người đội một chiếc mũ áo mưa được đan thủ công. Nhìn họ rất giống với lính tốt thời kỳ phong kiến.
Ông Hồ nói: "Sao cháu lại ăn mặc như thế này? Giống với âm binh vậy? Cháu là học sinh giỏi mà không biết khuyên răn cha mẹ làm việc đúng. Cháu xem bây giờ có ai sống như vậy không?".
"Học giỏi là chuyện của ngày xưa rồi. Bây giờ cháu đã khác. Chuyện cũ cho qua đi. Chú giờ cũng thay đổi rồi. Chú từ bảo vệ mà lên làm sếp đấy thôi. Người giàu là thay đổi rồi, cần gì quan tâm đến nhà cháu nữa", lời lẽ của chị Thanh, mộtn người ngu ngơ nhưng rất đanh thép khi trả lời ông Hồ.
Khuyên ông Hồ không được, lúc này hai chị em Thanh áp sát lôi ông Hồ ra ngoài. Họ cầm theo hai cây gậy nên chúng tôi chưa dám đến gần. Chỉ đến khi ông Hồ lọt được vào bên trong sân, đứng sát vách nhà chúng tôi mới dám lên tiếng.
Hai chị em Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Văn Toàn cầm gậy ra ngăn cản ông Hồ vào nhà. (Ảnh: Kim Thược) |
Khi biết chúng tôi là nhà báo, cậu con trai út nhà bà Thanh mới bắt đầu lý sự: "Báo chí thì đến nơi nghèo hèn này làm chi. Không có quay linh tinh kẻo thần linh ở đây lại nổi giận. Có ăn có học thì nghe lời tôi ra khỏi đây đi".
Trong lúc ông Hồ tìm cách đánh lạc hướng hai đứa con của bà Thành, chúng tôi tranh thủ quan sát kiến trúc kì lạ của ngôi nhà. Giữa đồi cây um tùm, ngoài ngôi nhà lợp mái tôn mà cả gia đình bà Thành đang ở họ còn dựng hàng chục ngôi nhà lá xung quanh.
Những ngôi nhà này thấp đến mức đứa trẻ con cũng không thể chui vào đó được. Bên trong mỗi ngôi nhà được chăng mắc các loại dây thép. Điều đặc biệt là một chiếc gậy có hai chiếc răng được đặt ở giữa. Tôi không hiểu với họ những vật này có ý nghĩa như thế nào nhưng kể cả chiếc gậy trên tay họ cũng có hình thù tương tự như thế.
Những dây thép vây xung quanh nhà. (Ảnh: Kim Thược) |
Ở đây, nếu bước không cẩn thận sẽ bị vấp ngã bởi hệ thống sắt 6 vây kín nhà.
Ngoài ớt, gia đình bà Thành có trồng thêm sắn và giàn mướp. Tôi cũng quan sát thấy có vài con gà choai choai đang chạy trong vườn. Có lẽ, đây chính là thực phẩm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của họ. Nhưng giàn mướp ở đây cũng rất lạ. Tất cả những que làm giàn đều bị cắm ngược. Tức là, phần gốc lên trên và phần ngọn cắm xuống đất.
Tôi có hỏi cậu con trai tên Nguyễn văn Toản xem tại sao lại làm những chuyện lạ như vậy. Ban đầu cậu ta im lặng nhưng một lát sau cũng lí nhí trả lời: "Có nguyên nhân mới làm như vậy. Giải thích chị cũng không hiểu".
Tôi lại tiếp tục hỏi: "Thế mộ anh Tân chôn ở đâu?". Lúc này, vẻ mặt Toàn trầm xuống, im lặng và tiếp tục lầm lì không nói.
Tôi đứng ngay cạnh một cái "cột" khá lớn, được dựng bằng hàng trăm cái lưỡi cày. Thậm chí, chiếc "cột" còn được dựng cao hơn những cây xoan cổ thụ trong vườn.
"Đấy, ngày xưa chú sang cây xoan bé tí tẹo, giờ cây đã lớn như thế này rồi. Vậy mà mẹ con các cháu vẫn u mê như vậy, không chịu tỉnh táo ra. Hai đứa nghe lời thì cho chú vào gặp khuyên răn mẹ. Các cháu không muốn lấy vợ, lấy chồng để nối dõi tông đường à? Phải để hai đứa sống khác đi chứ không khốn khổ như thế này được".
Cây cột được kết từ những chiếc lưỡi cày. (Ảnh: Kim Thược) |
Nghe thấy giọng ông Hồ hùng hồn ngoài sân, lúc này bà Thành trong nhà mới chịu lên tiếng: "Chú Hồ về đi. Việc nhà tôi chú không thể biết được. Chú đừng để tôi tức giận mất hay. Chú đưa người của chú ra khỏi nhà tôi đi. Việc nhà tôi chúng tôi tự lo liệu được".
Ông Hồ phải khích tướng mãi thì bà Thành mới chịu lên tiếng. Bà Thành lên tiếng thì ông cũng mới biết được bà còn sống hay đã chết. Mười mấy năm nay không ai nghìn thấy, nghe thấy tiếng của bà Thành nên ông lo sợ không biết bà sống chết thế nào. Sợ như cậu Tâm, chết rồi mà người nhà và hàng xóm không ai hay biết.
Ông Hồ quay sang hỏi chị Thanh: "Thế bố đi đâu rồi? Để chú vào nói chuyện với bố nhé!".
Chờ mãi vẫn không thấy ông Thái lên tiếng, chị Thanh trả lời: "Bố cháu không có nhà, bố đi vắng rồi. Ông đi về quê lấy lương".
Lúc này, người phụ nữ phía bên trong ngôi nhà tiếp tục nói vọng ra giọng gay gắt: "Đi ra khỏi nhà tôi ngay. Đừng để tôi phải nổi giận".
Ông Hồ mềm mỏng hơn: "Tôi lo cho mẹ con cô nên sang hỏi thăm thôi. Biết cô còn khỏe mạnh là tôi vui rồi. Cô hứa năm 2010 sẽ gặp vợ chồng tôi mà sao đến bây giờ vẫn chưa chịu gặp. Hôm nay tôi về, hôm khác tôi lại sang".
Một trong những ngôi nhà đựng dây thép của gia đình bà Thành. (Ảnh: Kim Thược) |
Trước khi ra về, tôi chìa tay ra bắt tay hai chị em Thanh, Toàn nhưng họ vội vàng rụt tay lại. "Bắt tay làm chi. Người nghèo hèn không bắt tay với người giàu. Tay chúng tôi bẩn lại hỏng tay cô. Thôi cô về đi, đừng quay lại đây nữa", Thanh nói vẻ giận dỗi nhưng giọng vẫn đúng chất của một sinh giỏi Văn ngày ấy, ông Hồ nhận định như vậy.
Đi tìm nguyên nhân khiến cả gia đình mắc chứng hoang tưởng
Lần này quay lại nhà ông Hồ, bà Dung tiếp tục kể chuyện: "Khi thằng Tâm mất, có một ông thầy số vào bảo với tôi rằng, cái nhà này rồi dần dần chết hết không còn một ai. Nhưng cứ ai vào đến đấy là không thể vào nổi, kể cả cơ quan chức năng. Ông ấy nói như vậy bọn tôi cũng không tin nhưng cũng không lý giải được".
Theo lời bà Dung, từ năm 2001 đến giờ bà Thành chỉ uống nước dừa. Có mua trứng để cúng, nhưng cúng xong thì đem ra vườn rải. Bọn trẻ con chăn trâu ngày xưa vẫn nhặt được trứng trong vườn nhà bà Thành để ăn. Công đoàn Lâm trường Thạch Thành rất quan tâm, Tết năm nào các khối đoàn thể cũng mang quà tới thăm nhưng cứ xách đi lại xách về vì bà Thành không nhận. Chính quyền cũng rất muốn quan tâm nhưng hiện tại chưa có giải pháp nào có thể giúp đỡ gia đình này.
Hàng chục ngôi nhà thấp lè tè như thế này được dựng xung quanh vườn. (Ảnh: Kim Thược) |
"Bởi vì người ta không gây khó khăn cho hàng xóm, không tuyên tuyền mê tín dị đoan, nên không thể can thiệp được. Thậm chí, cái việc nhà bà ấy làm còn giấu không cho ai biết. May là ông bà ấy có lương chứ không lao động sản xuất thì lấy gì ra để ăn. Hiện tại, hai ông bà được trên 7 triệu tiền lương/tháng", bà Dung nói.
Ban đầu, ông Thái còn lên đây nhờ vợ chồng bà Dung: "Chú dì ơi, nhà tôi bị như vậy thì giúp xem thế nào". Bà Dung khuyên ông ấy: "Anh phải cứng rắn lên. Chị mà như thế anh cũng xuôi chiều nữa là hỏng hết".
"Nhưng mà ông Thái cứ nhận lời ở đây thì tối về nhà ông ấy lại nghe vợ. Con ba đứa đang đi học cũng tự nhiên bỏ. Ngày xưa con Thanh học chuyên Văn nên hắn nói chuyện rất hay. Thằng Tâm, thằng Toàn nhìn sáng sửa, khôi ngô, tuấn tú...", bà Dung kể.
Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Thành Vân. (Ảnh: Kim Thược) |
Nói về nguyên nhân dẫn đến nguồn cơn của sự việc, bà Dung cho biết: "Ngày xưa bà Thành cũng có đi đền, đi chùa. Có người nói rằng do mê tín mù quáng nên bà Thành mới ra nông nỗi này nhưng theo tôi là không phải.
Cũng có người nói rằng, ngày còn trẻ bà Thành đắc tội với một chàng trai người dân tộc, bị người này bỏ bùa mê nên mới thành ra ngộ dại. Thế nhưng, nguyên nhân được người dân ở đây hay đồn đoán nhiều nhất vẫn là nguồn nước ở dải đất này. Bởi không chỉ có gia đình bà Thành, nhiều gia đình khác cũng có người điên loạn như vậy. Có điều, nhà bà Thành là nặng nhất".
Còn một chuyện nữa mà người dân ở đây vẫn đồn đoán và truyền tai nhau chứ không ai dám nói ra ngoài. Đó là, nguồn nước sinh hoạt của người dân ở đây bắt nguồn từ Đền Bùi. Bởi vì công trình vệ sinh nhà bà Thành nằm ngay bên nguồn nước gây ô nhiễm vệ sinh nên bị các "quan phạt". Kể từ ngày gia đình bà Thành sống kỳ lạ như vậy, hàng trăm lý do được người dân đưa ra nhưng chưa ai có thể lý giải được chính xác nguyên nhân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình bà Thành ở Nga Sơn cũng không ai có biểu hiện của bệnh tâm thần. Bởi vậy, cũng rất khó để nói về sự di truyền.
Nguồn nước bắt đầu từ Đền Bùi. (Ảnh: Kim Thược) |
Để tìm hiểu câu chuyện về gia đình kỳ lạ, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Thành Vân. Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch xã Thành Vân cho hay: "Gia đình bà Thành, ông Thái đã chuyển khẩu về Nga Sơn hơn chục năm nay. Họ là người thuộc quản lý của Lâm trường Thạch Thành nên chúng tôi cũng không có chức năng quản lý về mặt hành chính.
Bởi vì họ cư trú ở địa phương nên chúng tôi chỉ quản lý về mặt tạm trú tạm vắng. Những biểu hiện lạ lùng của họ chúng tôi đều biết nhưng không có cách xử lý. Bởi vì gia đình họ không có mong muốn, không có nhu cầu nên chúng tôi rất khó giải quyết cho hợp tình hợp lý".
Theo ông Dũng: "Có giai đoạn UBND xã Thành Vân cho mắc điện miễn phí nhưng họ không đồng ý. Bà Thành bảo rằng 'tôi mà dùng điện thì tự các người đang hại gia đình tôi, giết gia đình tôi, chập cháy đốt nhà lúc nào không biết'. Bởi vậy, không ai dám làm hết".
"Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn xuống thăm nhưng bị con bà Thành ngăn cản không cho vào. Chúng tôi có tặng quà thì họ mang trả lại. Để đảm bảo an ninh, chúng tôi vẫn cho người thường xuyên quan sát xem có vấn đề gì xảy ra hay không. Gia đình họ kỳ lạ nhưng không làm ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh nên không thể làm gì họ được. Chúng tôi không đủ thẩm quyền để bắt họ phải vào bệnh viện tâm thần chữa bệnh nếu gia đình họ không muốn", ông Dũng nói.
Chúng tôi rời UBND xã Thành Vân khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Cơn mưa chiều chưa dứt mà dường như còn nặng hạt hơn. Nếu không về đây, không được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những con người này có lẽ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tin câu chuyện đó là có thật.
Nó hoang đường đến mức chính những người hàng xóm xung quanh, những người sống cùng họ hơn nửa đời người vẫn bàng hoàng mỗi khi kể lại câu chuyện. Có thể, gia đình bà Thành đang chìm trong cơn điên cuồng về một thế giới ma mị ảo giác nào đó nhưng rõ ràng cuộc sống kia là khốn khổ và vô nghĩa. Họ vẫn cần sự giúp đỡ từ cộng đồng để đi qua cơn mê muội và bóng đêm dày đặc này.