Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghề cưa xăng có thêm thu nhập sau bão

Sau bão, thường để lại một lượng lớn cây xanh bị đổ ngã cần phải đốn dọn, giải phóng nhanh. Vì vậy, nghề cưa xăng ở nhiều địa phương hút khách.

Anh Đinh Hữu Hải ở xóm 15, xã Nghi Trung (Nghi Lộc) đã nhiều năm làm nghề cưa xăng. Với kinh nghiệm của mình, anh biết thường sau bão sẽ có nhiều cây xanh đổ gãy. "Bão số 2 kết thúc, mới sáng sớm đã có người gọi tôi đi đốn cây đổ ngã trên đường. Làm cho nhà này chưa xong, đã có người khác gọi đến cưa dọn giúp. Trên các tuyến đường cây đổ ngổn ngang, muốn thu dọn phải cưa cây cho gãy gọn nên chúng tôi làm việc hết công suất", anh Hải cho biết.

Ở Nghi Lộc, bình quân mỗi xã có 4, 5 người sắm máy cưa xăng để làm nghề. Sau bão, cường độ lao động của thợ cưa thường gấp đôi, gấp ba ngày thường mới đáp ứng nhu cầu của khách. Hiện giờ hầu như nhà nào khi cần đốn cây cũng thuê dịch vụ cưa xăng.

 Những cây xanh lớn bị đổ ngã chỉ có cưa xăng mới giải phóng đuợc nhanh. Sau cơn bão số 2, thợ cưa xăng làm việc với cường độ gấp đôi, gấp ba ngày thường. Ảnh: Nhật Tuấn

Theo người dân, đốn cây bằng máy vừa nhanh và tiện lợi. Một cây xanh lâu năm cao chục mét, dùng cưa máy chỉ hết mươi phút là cây được chia thành từng khúc ngắn gọn gàng.

Ông Trần Bá Đa ở xóm 8, xã Nghi Thịnh cho biết: "Sau cơn bão số 2, nhà tôi có hơn 40 cây phi lao, bạch đàn bị đổ ngã. Nhiều cây đổ chắn đường đi, có cây lại đè lên nhà ở. Tôi thuê thợ cưa xăng về đốn hơn một ngày là xong, nếu cưa thủ công bằng tay thì dễ đến nửa tháng trời mới dọn xong".

Tùy từng thợ, tiền công cưa đốn, cắt cây có khác nhau; đốn cây, cắt khúc ngắn để làm củi bình quân giá 40.000 - 100.000 đồng, cây đại thụ khoảng 200.000 đồng.

 Sau một ngày làm việc, anh Lê Văn Quân kiểm tra, bảo dưỡng cưa, chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Ảnh: Nhật Tuấn

Anh Lê Văn Quân - một thợ cưa ở xóm 10, xã Nghi Thịnh cho biết: "Bà con bị thiệt hại do bão thì mình cũng nên chia sẻ; như ngày thường tiền công cưa là 50.000 đồng/cây, còn đi dọn cây do đổ do bão mình chỉ lấy ít hơn".

Sau bão số 2, huyện Nghi Lộc có hơn 17.000 cây xanh lâu năm bị đổ gãy phải đốn dọn. Không ai mong muốn có con số này, nhưng khi sự cố xảy ra thì đây là cơ hội tạo việc làm tăng thu nhập cho những người làm dịch vụ đốn cây.

Nhờ có đội ngũ này mà ách tắc giao thông sớm được giải tỏa, hệ thống điện lưới, nhà cửa bị thiệt hại do cây đè cũng được khắc phục nhanh chóng, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, duy trì hoạt động của công sở, trường học sau bão.

Không chỉ ở Nghi Lộc, ở Vinh hay ở Hưng Nguyên, Nam Đàn.... cây đổ ngổn ngang và thợ cưa xăng đang làm không hết việc để nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh đường phố và ổn định đời sống, sản xuất sau bão.