Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều trường tốp trên nhận hồ sơ bằng điểm sàn: Làm khổ thí sinh?

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, việc các trường tốp giữa và tốp trên công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT (tức 15,5 điểm) là làm khổ thí sinh, đẩy thí sinh vào thế khó bởi điểm chuẩn trúng tuyển thật sự của các trường này luôn ở mức cao hơn điểm sàn rất nhiều.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc các trường tốp giữa và tốp trên công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là làm khổ thí sinh. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng. 

Ông Dũng dự đoán, điểm chuẩn của các trường tốp giữa và tốp trên năm nay sẽ không giảm so với năm trước. “Do đó, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường với nhiều mức điểm khác nhau, tùy thuộc vào ngành, tuy nhiên tất cả đều cao hơn so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT để hạn chế thí sinh nộp vào”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, dù đưa ra mức điểm cao như thế song không loại trừ nhiều thí sinh không biết thông tin và vẫn cứ nộp hồ sơ vào. “Như năm trước, có nhiều hồ sơ dù dưới mức điểm sàn của trường nhưng vẫn cứ nộp vào. Hay như mới đây, có thí sinh nhắn tin hỏi tôi 16 điểm có vào được trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM không trong khi mức nhận hồ sơ vào trường thấp nhất là 17 điểm. Rõ ràng nhiều thí sinh vẫn thiếu thông tin”, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Trung Thành, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên trường Đại học Thủy lợi Cơ sở 2 TPHCM cho rằng, việc các trường tốp giữa và tốp trên thông báo nhận điểm sàn xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ sẽ khiến nhiều thí sinh ở mức điểm này thiệt thòi, “nhầm tưởng” vì nghĩ mình có cơ hội. Theo ông Thành, thực tế nhiều năm qua, điểm chuẩn vào trường của các ngành tốp giữa và tốp trên luôn ở mức cao. “Thậm chí, có trường có ngành điểm chuẩn cao hơn điểm sàn của Bộ cả chục điểm nhưng vẫn đưa ra mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ là điều không hợp lý. Các trường cần mạnh dạn điều chỉnh mức điểm sàn để tạo điều kiện cho thí sinh đưa ra những lựa chọn xác thực tăng khả năng trúng tuyển”, Ông Thành nói.

Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng, mức điểm này không mấy ý nghĩa. Nguyên do là phương thức tuyển sinh năm nay, thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng và điểm trúng tuyển do các trường xác định không phụ thuộc thứ tự nguyện vọng.

TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đại học, ĐHQG TPHCM cho biết, việc các trường tự đặt ra cho mình mức điểm trên điểm sàn của Bộ GD&ĐT là không cần thiết và không có nhiều ý nghĩa bởi quy chế tuyển sinh năm nay khác với năm trước.

“Năm trước, các em bị giới hạn bởi số lượng nguyện vọng, mỗi em chỉ được nộp vào 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng nên việc đặt ra mức điểm cao là để thí sinh điểm thấp không nộp vào, giúp thí sinh có lựa chọn đúng hơn, tiết kiệm được nguyện vọng. Còn năm nay, thí sinh được thoải mái lựa chọn nguyện vọng, ngành và trường nên việc này không cần thiết, việc trúng tuyển không phụ thuộc vào nguyện vọng mà phụ thuộc vào điểm của thí sinh”, ông Vũ lý giải.

Tương tự, TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, năm nay trường lấy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào bằng mức sàn của Bộ GD&ĐT công bố là 15,5 điểm mà không phân theo ngành như năm trước. Dựa trên điểm này, trường sẽ xét tuyển các ngành từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu. Theo TS Hiếu: “Sở dĩ nhà trường không đưa ra ngưỡng đảm bảo xét tuyển cho từng ngành cụ thể như năm trước vì năm nay, thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn. Vì thế, điểm sàn nhận hồ sơ cũng không mang nhiều ý nghĩa. Nhà trường không muốn giới hạn cơ hội của các em”, bà Hiếu nói.

Nhiều trường trực cả thứ bảy, chủ nhật

Hôm nay, 15/7, các thí sinh dự thi THPT quốc gia có nguyện vọng xét tuyển ĐH được điều chỉnh nguyện vọng bằng một trong hai hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho biết trong đợt điều chỉnh thử vừa qua, dù trường có nhắn tin đến từng học sinh nhưng số lượng các em đến điều chỉnh rất ít. Còn trước đó, trong buổi tập huấn kỹ thuật về điều chỉnh nguyện vọng của Bộ GD&ĐT cho giáo viên và một số học sinh thực hiện tại trường THPT Việt Đức, có một số học sinh tham gia, thầy Bình cho biết các em thực hiện thành thạo, không có vướng mắc gì.

“Khi điều chỉnh nguyện vọng,với những thí sinh điều chỉnh theo hướng bổ sung (tăng thêm nguyện vọng) thì mới cần phải đến các điểm nhận hồ sơ để điều chỉnh trực tiếp. Còn những thí sinh chỉ điều chỉnh vị trí nguyện vọng thì có thể thực hiện ở bất cứ đâu có mạng internet. Hơn nữa, trong phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đều có hướng dẫn rất rõ các bước thí sinh cần thực hiện. Chính vì vậy, cũng không đáng lo ngai thí sinh làm sai” - thầy Bình cho hay.

Tại trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyễn Thị Nhiếp, cho biết hiện nay thí sinh đang khá căng thẳng để tính toán điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng như thế nào. Cô Nhiếp dự đoán sẽ có nhiều thí sinh của trường điều chỉnh nguyện vọng so với bản đăng ký ban đầu.

Ngoài ra, hai ngày đầu điều chỉnh nguyện vọng rơi vào thứ bảy, chủ nhật, cô Nhiếp khẳng định cô và tổ kỹ thuật sẽ trực tại trường để giúp thí sinh đến điều chỉnh nguyện vọng được thuận tiện.

“Thậm chí, có trường có ngành điểm chuẩn cao hơn điểm sàn của Bộ cả chục điểm nhưng vẫn đưa ra mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ là điều không hợp lý”.

TS Lê Trung Thành, Trưởng Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, trường Đại học Thủy lợi Cơ sở 2 TPHCM