Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bỏ quên thủ phạm này, người Việt hiếm khi phát hiện sớm được bệnh ung thư dạ dày

Theo các bác sĩ ung thư dạ dày là 1 trong 3 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và bệnh ngày càng tăng nhất là ở lớp trẻ. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh đã quá muộn.

 

 Ung thư dạ dày từ viêm dạ dày mãn

Anh Nguyễn Văn M. 45 tuổi, Hà Nội được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 1 đã thực hiện phẫu thuật nạo hạch. Anh M bị viêm loét dạ dày mãn tính do vi khuẩn HP từ nhiều năm nay.

Cách đây chục năm, anh M. thường xuyên đau bụng vùng thượng vị. Anh đi nội soi dạ dày bác sĩ chẩn đoán viêm loét dạ dày, dịch dạ dày đục và kê đơn thuốc về uống.

Tuy nhiên, cứ được một thời gian lại bị đau dạ dày tái lại. Anh M thường xuyên đi khám và điều trị vi khuẩn HP. Có thời điểm, vi khuẩn HP hoạt động rất mạnh nhưng cũng có thời điểm âm tính. 3 – 4 năm nay, anh không bị đau dạ dày nữa nên anh M. chủ quan không khám gì cả.

Gần đây, anh M đi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Bác sĩ phát hiện 1 ổ loét ở dạ dày. Khi sinh thiết thì đó là ung thư dạ dày trên tiền sử vi khuẩn HP hoạt động rất mạnh.

Anh M được các bác sĩ Bệnh viện K trung ương tiến hành phẫu thuật nội soi và sẽ phải trải qua các đợt truyền hóa chất và xạ trị.

 Vi khuẩn HP gây ung thư

Trường hợp của anh M. được bác sĩ cho rằng ở giai đoạn sớm nên việc phẫu thuật và điều trị có tiên lượng tốt hơn.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Thảo – 70 tuổi, trú tại Hà Nội cũng tương tự. Ông Thảo cho biết mình đã điều trị thành công ung thư dạ dày 6 năm nay. Năm 2010 ông đi khám ở bệnh viện bác sĩ cho biết ông bị viêm dạ dày tá tràng, dương tính với vi khuẩn HP cho thuốc về nhà uống.

Trước đây, ông Thảo cũng đã điều trị viêm dạ dày tá tràng nhưng không phải ung thư. Ông Thảo nhập viện Trung ương Quân đội 108 để phẫu thuật do bán tắc ruột và bác sĩ thấy có ổ loét ở đoạn dưới dạ dày – tá tràng nên cho sinh thiết. Kết quả giải phẫu tế bào học là ung thư tá tràng giai đoạn 1.

Ông Thảo cho rằng mình may mắn vì trong cái phẫu thuật bán tắc ruột ông đã phát hiện có ung thư để điều trị. Sau phẫu thuật, ông Thảo phải điều trị 6 đợt hóa trị và mất 1 năm sau tóc của ông mới mọc lại như ban đầu.

Ông vẫn tự nhận rằng mình là người may mắn bởi vì ông đã phát hiện ra bệnh rất sớm. Nếu không phẫu thuật do tắc ruột thì ông cũng không biết mình bị ung thư.

Thói quen ăn mặn là nguyên nhân chính tăng nguy cơ ung thư dạ dày

Theo PGS Phạm Duy Hiển – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện K bệnh ung thư dạ dày có các yếu tố nội sinh và ngoại sinh, trong đó yếu tố ngoại sinh chiếm tới 80 % như thói quen ăn mặn khá phổ biến ở người Việt.

PGS Hiển cho rằng ăn mặn không chỉ nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mà ăn mặn còn làm tổn hại các lớp nhày ở màng dạ dày khiến cho các chất độc xâm nhập được vào niêm mạc dạ dày gây tổn thưởng niêm mạc dạ dày lâu ngày có thể tiến triển thành ung thư.

Ở các nước phát triển ung thư dạ dày còn được tìm thấy trong mối quan hệ với các loại thực phẩm bảo quản như thịt nguội, cá ướp muối để tủ lạnh, cà muối khú, dưa muối khú.

Đặc biệt, ở Việt Nam là nước đang phát triển có môi trường sống chưa được sạch sẽ nên dẫn đến tình trạng lây nhiễm xoắn khuẩn Helicobacter Pylory hay còn gọi là HP được xem là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư dạ dày và đặc biệt là ung thư dạ dày 1/3 dưới là vùng ung thư hang môn vị, loại ung thư thường gặp ở Việt Nam.

 Ung thư dạ dày căn bệnh nguy hiểm chủ yếu phát hiện ở giai đoạn muộn

HP gây ra các bệnh viêm teo niêm mạc, viêm niêm mạc dị sản tuýp ruột một yếu tố tiền ung thư trong khi đó ở Việt Nam tỷ lệ dân số HP chiếm rất cao. Có những cuộc điều tra có tới 85 % dân số tuổi từ 60 có nhiễm HP. Vi khuẩn HP lây nhiễm qua đường tiêu hóa, nếu người nhiễm HP có thể lây cho người không nhiễm khi cầm, nắm thức ăn.

Với những người bị vi khuẩn HP, bác sĩ khuyến cáo nên thường xuyên đi kiểm tra và tuân thủ điều trị HP để dự phòng ung thư dạ dày. Nên đi nội soi dạ dày ống mềm mỗi năm 1 lần để kiểm tra dạ dày.

PGS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho rằng tỉ lệ phát hiện sớm ung thư dạ dày ở Việt Nam rất ít, ví dụ ở bệnh viện K mỗi năm chỉ có 30 ca được phát hiện sớm trong tổng số hàng nghìn ca.

Nguyên nhân do người dân Việt Nam chưa có thói quen đi khám bệnh định kỳ và BHYT cũng chưa chi trả cho việc sàng lọc phát hiện bệnh sớm.

Ung thư dạ dày khám sàng lọc bằng nội soi giá thành chỉ khoảng 200-300 nghìn đồng, nếu phát hiện bệnh sớm điều trị cắt hớt niêm mạc dạ dày chi phí cũng chỉ khoảng 1-2 triệu đồng còn nếu ở giai đoạn muộn việc điều trị vô cùng tốn kém mà tiên lượng vẫn rất dè dặt.

Tỉ lệ chữa khỏi ở giai đoạn rất sớm gần như đạt 100% và càng để muộn thì tỉ lệ chữa khỏi càng thấp. Như tại Nhật Bản, tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư dạ dày ở nước này rất cao, gần như cao nhất thế giới (trên 80%) bởi lẽ họ có chiến dịch sàng lọc phát hiện sớm, tất cả những người trên 40 tuổi đều được sàng lọc bằng nội soi dạ dày, vì vậy họ phát hiện bệnh rất sớm và hoàn toàn có thể chữa khỏi được.

Các chuyên gia về ung thư khuyến cáo nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ trong đó có nội soi dạ dày từ 1-2 lần/ năm. Nếu nội soi lần đầu thấy bình thường thì những lần sau có thể soi thưa hơn, có thể là 2 năm soi một lần.

Những trường hợp đặc biệt như có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư (ung thư vú, đa polip đại trực tràng, tiền sử nhiễm HP, viêm gan…) thì nên đi khám sàng lọc ở tuổi sớm hơn.