Đại biểu HĐND tỉnh: Nhìn thẳng, nói rõ những vấn đề bức xúc, bất cập
- 09:08 12-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Soi” vai trò quản lý nhà nước
Tham gia thảo luận tại các tổ, các đại biểu thẳng thắn đề cập đến trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với từng vấn đề vướng mắc, tồn đọng, gây bức xúc mà cử tri quan tâm. Ông Hoàng Hữu Hùng - Phó Chủ tịch HĐND huyện Đô Lương nêu: “Người dân yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị chủ đầu tư sớm công bố tác động môi trường ở Nhà máy Xi măng Sông Lam đối với khu vực xung quanh, bởi cử tri chưa an tâm về đảm bảo môi trường và cho rằng có dấu hiệu môi trường bị ảnh hưởng; kèm theo những giải pháp khắc phục”.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở cảng cá Lạch Vạn được đại biểu HĐND tỉnh phản ánh tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: P.V |
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh nêu những tồn đọng chưa được giải quyết từ kỳ họp HĐND tỉnh thứ 3: “Tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng cá Lạch Vạn “được” giải quyết rất chậm. Vấn đề được cử tri kiến nghị đã lâu, HĐND tỉnh đã yêu cầu giải quyết từ đầu năm nhưng đến ngày 15/5/2017, Chi cục Bảo vệ môi trường, UBND huyện Diễn Châu mới có công văn ngày 7/6/2017 yêu cầu các bên liên quan xử lý”.
Đại biểu Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng chủ đầu tư Nhà máy Xi măng Sông Lam công bố kết quả tác động môi trường và huyện Đô Lương giám sát việc thực hiện cam kết của nhà máy.
Tại tổ thảo luận số 2, bàn về vấn đề quỹ BHYT, đại biểu Phạm Thị Hồng Toan - Tổng Biên tập Báo Nghệ An đánh giá, việc thông tuyến trong khám chữa bệnh đã giúp nâng cao chất lượng của các cơ sở y tế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; tuy nhiên, hiện nay nổi lên vấn đề bội chi quỹ BHYT.
Đi vào cụ thể những bất cập trong xử lý của các ngành liên quan, nhấn mạnh nỗi lo xuất toán đang “bao trùm” lên các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đại biểu cho rằng, việc đặt vấn đề vượt trần, vượt quỹ với các cơ sở y tế là chưa thỏa đáng vì khi thông tuyến thì người có thẻ BHYT có quyền lựa chọn cơ sở y tế để khám, chữa bệnh.
Mặt khác, ngành BHXH lo vượt quỹ, vượt trần, các bệnh viện lo đối phó làm sao khỏi bị xuất toán, nhưng ngành Y tế gần như chưa có động thái tham gia về chuyên môn mà đang để cho ngành BHXH, các bệnh viện tự thực hiện với nhau. “Tỉnh, ngành Y tế phải vào cuộc rốt ráo việc này, trước hết là ổn định ở các bệnh viện trước nỗi lo xuất toán nhằm đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân” - đại biểu Phạm Thị Hồng Toan đề nghị.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Toan phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy |
Quan tâm về chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2016 giảm 17 bậc so với năm 2015, đại biểu Trần Thanh Thủy - Giám đốc Viễn Thông Nghệ An đề nghị cần chỉ rõ ngành nào, địa phương làm "tụt" chỉ số cải cách hành chính; nghiêm khắc phê bình, gắn trách nhiệm các ngành, địa phương trong việc thực hiện cải cách hành chính.
Đại biểu đánh giá cao việc tỉnh sẽ đánh giá xếp loại chỉ số cải cách hành chính của các địa phương, ngành nhưng đề nghị cần công bố bộ tiêu chí rõ ràng. Đại biểu cũng cho rằng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. “Chúng ta có công cụ tốt nhưng các sở, ban, ngành không vào cuộc thì sự lãng phí lớn” - đại biểu Trần Thanh Thủy bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hoàng Danh Lai - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu nêu lên vấn đề bất cập hiện nay là tình trạng nợ đọng nông thôn mới còn phổ biến, một số nơi có số tiền nợ khá lớn và băn khoăn liệu tỉnh có giải pháp nào để khắc phục! Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chỉ có 3 xã trong toàn tỉnh được đưa vào diện quy hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).
Tuy nhiên, tỉnh chưa có cơ chế chính sách đặc thù đối với 3 xã này nên địa phương gặp khó trong việc hoàn thành mục tiêu. Đại biểu Hồ Phúc Hợp - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bày tỏ: “Trong vòng 1 năm, xoá nợ đọng chỉ đạt 100 tỷ đồng, chủ yếu là từ ngân sách của UBND tỉnh. Trong khi đó, còn chưa tính đến những yếu tố phát sinh như phải duy trì bền vững các chỉ tiêu, nợ mới phát sinh. Xây dựng nông thôn mới rồi gánh một cục nợ thế thì có phải nông thôn mới không?" và đề nghị UBND tỉnh và các cấp cần quan tâm đến vấn đề này.
“Rớt giá” - mất kiểm soát hệ thống?
Vấn đề nông sản rớt giá ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân được các đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt và thảo luận, phân tích một cách khách quan với cái nhìn tham chiếu từ nhiều phía. Đề cập đến vấn đề thị trường nông sản, đại biểu Phạm Văn Hóa - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cho rằng “thị trường nông nghiệp của chúng ta mất kiểm soát toàn diện”.
Đại biểu Vi Văn Hòe (huyện Kỳ Sơn) đề nghị tỉnh cần chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất cho đồng bào miền núi, để giảm nghèo bền vững.Ảnh Mai Hoa |
Nêu băn khoăn tình trạng giá chanh leo thời điểm đầu năm 2017 rớt giá, chỉ còn 1/2 giá so với năm 2016, mặc dù cây chanh leo nằm trong đề án cây trọng điểm của tỉnh, đại biểu Lưu Văn Hùng - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong đề nghị tỉnh cần có cơ chế, chính sách để đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững; trong đó cần quan tâm công tác quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh và thực hiện quản lý tốt quy hoạch, tránh phát triển tự phát.
Ông Hùng dẫn chứng, trước đây mô hình cây hành tăm được trồng ở huyện Anh Sơn thu lãi 100 triệu đồng/ha; sau đó, hành tăm được bà con Đô Lương, Nghi Lộc trồng ồ ạt, đến khi giá hành tăm quá rẻ các cấp, các ngành vận động "giải cứu" hành tăm. Hay ở huyện Con Cuông có cây mây và cây đinh lăng hàng chục năm không hiệu quả, cần chấm dứt các mô hình này để xây dựng mô hình nông nghiệp phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Đại biểu Đặng Thị Thanh - Phó Chủ tịch HĐND huyện Diễn Châu băn khoăn về việc thịt lợn, vịt giảm nhưng thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức giá cao. Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn lại chỉ ra: “Thực tế cho thấy nông sản sạch chăn nuôi theo phương pháp truyền thống vẫn tiêu thụ tốt, được giá. Trong khi đó, chăn nuôi công nghiệp làm cho chất lượng sản phẩm kém, thị trường không chấp nhận, dẫn đến “khủng hoảng thừa”, mất giá. Do đó, cần chấn chỉnh và định hướng cho người nông dân sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường”.
Nhiều trang trại lợn nuôi cầm chừng khi giá lợn hơi quá thấp. Ảnh: Nguyên Sơn |
Cùng quan tâm vấn đề nông sản, một số ý kiến đi sâu phân tích một số nguyên nhân, bất cập, không chỉ có trách nhiệm của Nhà nước, mà còn là trách nhiệm của người nông dân và một số tổ chức liên quan. Đại biểu Nguyễn Thị Nhàn - Phó Chủ tịch HĐND huyện Yên Thành cho rằng, các hợp tác xã cần nâng cao vai trò hoạt động sau chuyển đổi để làm tốt vai trò chức năng của mình, trong đó có vấn đề cung cấp phân bón cho nông dân đảm bảo chất lượng, giá cả.
Hội Nông dân không nên “lấn sân” kinh doanh, trong đó có cả dịch vụ cung cấp phân bón như hiện nay. Đồng tình với vấn đề này, đại biểu Vương Quang Minh - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường vấn đề kiểm tra, quản lý phân bón để sản phẩm phân bón đến tay người nông dân đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng.
Bên cạnh các vấn đề nói trên, các đại biểu còn thảo luận nhiều vấn đề cử tri toàn tỉnh quan tâm như tình trạng lao động việc làm còn nhiều bất cập, lãng phí; tình trạng tái lấn chiếm trật tự hành lang ATGT; các chương trình hỗ trợ giảm nghèo chưa thực sự mang lại hiệu quả…
Những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại 8 tổ đã được đại diện các sở ngành trao đổi, giải trình, tiếp thu. Sự vào cuộc đầy trách nhiệm và bản lĩnh của đại biểu HĐND ngay từ phiên thảo luận tổ, hứa hẹn những nội dung thảo luận tại hội trường vào sáng ngày 12/7 và phiên chất vấn chiều ngày 12/7 thực sự sẽ làm cho kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XVII tiếp tục là những phiên làm việc đáp ứng kỳ vọng về chất lượng hoạt động của cơ quan đại diện cho quyền lợi người dân, do dân và vì dân.
Ngày làm việc thứ nhất, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII, thông qua đường dây nóng đã có 15 ý kiến cử tri kiến nghị, phản ánh nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đất đai, xây dựng, y tế, chế độ chính sách người có công, việc miễn thủy lợi phí... Trong đó, có những nội dung đã được cử tri kiến nghị nhiều lần mà chưa được giải quyết.
Tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri gửi đến kỳ họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường khẳng định, thường trực HĐND tỉnh sẽ xem xét, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời cử tri.