Nhân rộng mô hình bể bơi mini cho học sinh
- 08:11 12-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lớp học bơi 100 nghìn/em/khóa
Giữa tháng 6/2017, một bể bơi mini dài 8m, rộng 5m được lắp đặt tại Trường Tiểu học Diễn Bình, huyện Diễn Châu để phục vụ việc tổ chức học bơi cho các cháu trên địa bàn xã. Ngày khai giảng lớp học đầu tiên đã thu hút rất đông học sinh và phụ huynh tham gia. Phần lớn là háo hức muốn được mục sở thị mô hình học bơi mới mẻ này, cũng không ít người muốn xem thử liệu bể bơi nhỏ, với mực nước nông như vậy thì có bơi được hay không.
Ông Võ Đình Quyền, Chủ tịch UBND xã Diễn Bình phấn khởi nói: Đến thời điểm này, sau hơn 1 tuần bể bơi đi vào hoạt động, hiện đang có khoảng 150 học sinh đăng ký học. Giáo viên dạy bơi chính là giáo viên dạy thể dục của Trường Tiểu học Diễn Bình. Do bể bơi nhỏ nên mỗi ngày chia ra 5 ca học, mỗi ca từ 10 – 15 em. Các em học sinh và phụ huynh đều rất ủng hộ mô hình bể bơi này. Nhiều em đã hoàn thành khóa học chỉ trong 3 - 5 ngày đầu tiên.
Được biết, đây là công trình do UBND xã Diễn Bình đầu tư xây dựng. Nhận thấy trên địa bàn xã cũng như các địa phương các trong tỉnh, mỗi mùa hè lại xảy ra nhiều vụ đuối nước, trong đó, nhiều em nhỏ đã tử vong thương tâm, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tai nạn thương tích, xã quyết định phải sớm thực hiện dạy bơi, các kỹ năng phòng tránh đuối nước cho trẻ em. Tuy nhiên, đời sống người dân ở vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, mô hình bể bơi mini với chi phí thấp là phù hợp nhất.
Từ ý tưởng đó, xã đã chủ động liên lạc với tác giả của bể bơi mini này là thầy Ngô Minh Thanh cùng các chuyên viên Phòng Giáo dục Thường xuyên (Sở GD&ĐT Nghệ An). Thấy nhu cầu và quyết tâm của chính quyền và Trường Tiểu học Diễn Bình, thầy Thanh và các cộng sự đã đồng ý giúp lắp đặt bể bơi với tổng chi phí hết khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, xã đã vận động các nguồn xã hội hóa để xây dựng hàng rào quanh bể bơi, phòng tắm tráng, các vách ngăn phục vụ thay đồ cho học sinh. Hiện nay, chi phí cho mỗi khóa học bơi tại Trường Tiểu học Diễn Bình là 100 nghìn đồng/em/khóa.
Dạy - học bơi sáng tạo
Được biết, “phiên bản bể bơi mini đầu tiên” do thầy Ngô Minh Thanh và các cộng sự Phòng GDTX - GDCN, Sở GD&ĐT Nghệ An tặng cho Trường Tiểu học Thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn) tháng 9/2016. Đến nay bể bơi này vẫn được duy trì và hoạt động rất tốt.
Với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên thể dục, học viên bơi lội đầu tiên của Trường Tiểu học Thị trấn Anh Sơn vùng vẫy trong bể nước chỉ vỏn vẹn 24m2. “Trong năm học, chúng tôi cho học sinh đăng ký học bơi, và tổ chức dạy sau mỗi buổi học. Việc học lý thuyết về bơi được tranh thủ thực hiện trong giờ chào cờ, giờ sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt lớp… Còn từ đầu hè đến nay, trường cũng đã dạy và cho tốt nghiệp một lứa học bơi thành công với khoảng 70 em. Sang tháng sau, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển sinh khóa mới”, thầy Nguyễn Tất Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn Anh Sơn cho biết.
Việc sáng tạo ra bể bơi thực hiện kế hoạch “Giáo dục phòng chống đuối nước trong trung tâm cộng đồng” mà Phòng GDTX - GDCN, Sở GD&ĐT Nghệ An đề xuất. Ai cũng biết là cần dạy bơi cho học sinh như một kỹ năng sinh tồn. Nhưng để có một bể bơi theo đúng “chuẩn” mà Bộ GD&ĐT hướng dẫn là rất khó, khi kinh phí, diện tích mặt bằng để xây dựng là quá sức đối với các nhà trường, chưa kể đến việc duy trì, bảo dưỡng và nuôi bể bơi đó. Còn nếu mang các cháu ra ao hồ, sông suối để tập bơi thì nguy cơ mất an toàn.
Lâu nay, người ta quá quan trọng hóa việc học bơi là phải có bể bơi to, rộng, các chỉ số trong nguồn nước. Tại sao chúng ta không thể sáng tạo dạy bơi trong bể mini, xây bể lọc nước bằng cát, và với mực nước chỉ khoảng 0,6 – 0,8m, các em vẫn học bơi đảm bảo an toàn.