Một lần đi lạc làm thay đổi cuộc đời đau khổ của chàng trai khiếm thị
- 14:18 11-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau những ngày làm việc ở một cơ sở tẩm quất dành cho người khiếm thị trên phố Giảng Võ (Hà Nội), cứ tới cuối tuần, Đặng Hoàng Vinh lại vội vã trở về ngôi nhà nhỏ tại Yên Thường, Gia Lâm - nơi có mẹ, vợ và con trai luôn chờ đợi anh. Gác lại nỗi lo cơm áo gạo tiền, người đàn ông vóc dáng cao lớn, khuôn mặt hiền lành mỉm cười kể về cuộc đời nhiều thăng trầm của mình một cách bình thản. Có lẽ đối với Vinh, khi đã vượt qua sự đau khổ tột cùng thì mọi thứ đều trở nên bình thường và chính hạnh phúc giản đơn bên những người thân yêu là động lực để anh cố gắng làm tốt công việc mỗi ngày.
Ước mơ dang dở của chàng sinh viên điện tử
Đặng Hoàng Vinh là con trai duy nhất của cô Ngà - nữ công nhân cơ khí một mình tần tảo nuôi con kể từ sau khi chồng bệnh nặng qua đời. Năm 2009, tai họa bất ngờ ập xuống căn nhà của hai mẹ con khi cô Ngà bị tai nạn lao động. Chiếc máy khoan từ trên cao rơi xuống, đập mạnh vào gáy khiến người phụ nữ bị liệt nửa người. Trong những ngày tháng khó khăn đó, Vinh vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học tập. Anh trở thành sinh viên khoa Điện tử Đại học Nha Trang trong niềm hạnh phúc của mẹ.
Những tưởng số phận đã mỉm cười với mẹ con cô Ngà nhưng trong một tai nạn giao thông, Vinh vĩnh viễn mất đi đôi mắt của mình khi chỉ còn ít ngày nữa là chạm tay vào tấm bằng đại học. Cả chân trời bỗng chốc đổ sụp, Vinh đau đớn tới mức nghĩ quẩn còn cô Ngà cũng khóc tới cạn nước mắt. "Trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi đã nghĩ hay là mua một liều thuốc ngủ rồi hai mẹ con cùng uống. Chỉ có cách đó để mới kết thúc được những trớ trêu của cuộc đời…", cô Ngà nấc nghẹn kể lại.
Từ chàng sinh viên Điện tử với tương lai đầy hứa hẹn, Vinh mất đi đôi mắt và cả ước mơ trở thành kỹ sư còn đang dang dở. |
Vinh loay hoay trở lại cuộc sống đời thường sau biến cố đau đớn. Lặng nhìn con dò dẫm từng bước khó nhọc, người mẹ nghèo chỉ còn biết động viên: "Khi nào khoa học tiến bộ hơn, mẹ sẽ bán nhà đi lấy tiền cho con chữa mắt".
Dù đôi mắt đã không còn nhìn thấy nhưng Vinh vẫn cảm nhận được gánh nặng đang đè trên đôi vai người mẹ bại liệt. Khoản nợ 200 triệu đồng khiến anh không thể ngồi yên, Vinh quyết tâm đi học nghề để mong đỡ đần phần nào những lo toan của mẹ.
Một lần đi lạc lại tìm thấy tình yêu
Thời còn học ở trường Khuyết tật tại Khu đô thị Trung Hoà, ngày nào Vinh cũng đi về bằng xe buýt. Có lần, do đi quá tuyến nên Vinh bị lạc, đứng hồi lâu bên lề đường. Trời sẩm tối, một cô gái dừng lại hỏi xem anh có cần giúp gì không? Khi biết hoàn cảnh của Vinh, cô gái đã chủ động đề nghị được đưa anh về nhà. Cuộc nói chuyện chớp nhoáng trên con đường từ Pháp Vân về xóm nghèo Yên Thường, Gia Lâm đã bước đầu cho Vinh nhiều thiện cảm về Trang. Anh xin cô số điện thoại và cô gái tốt bụng cũng không ngần ngại chia sẻ với người bạn mới quen.
Từ sau hôm đó, mỗi ngày Vinh đều nhắn tin cho Trang để hỏi thăm về công việc, cuộc sống của Trang. Cô gái xinh xắn được nhiều chàng trai theo đuổi luôn dành một khoảng thời gian trong ngày để tâm sự cùng Vinh. Lâu lâu, Trang còn chủ động sang nhà Vinh để thăm cô Ngà. Cứ thế, hai người trẻ cảm mến nhau từ lúc nào mà chính họ cũng không hay. Ngay cả khi Vinh "đánh bạo" ngỏ lời, anh vẫn không tin rằng Trang sẽ đồng ý. Dù không còn nhìn thấy, Vinh vẫn tự tin mình "tàn nhưng không phế", có thể che chở, bao bọc cuộc đời Trang.
Còn về phía Trang, cô sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đông Anh, Hà Nội. Từ nhỏ đã sống thiếu thốn tình cảm khi cha mẹ ly hôn nên Trang trưởng thành, rắn rỏi hơn bạn bè cùng trang lứa và cũng sớm bước vào cuộc mưu sinh để đỡ đần gia đình. Lần đầu gặp Vinh, Trang ấn tượng với gương mặt khôi ngô của anh dù đôi mắt không còn sáng.
Trong khi những chàng trai theo đuổi Trang mang đến cho cô những điều lãng mạn, mới mẻ thì chính sự chân thành, thẳng thắn và mạnh mẽ của Vinh khiến Trang cảm động. Bản thân Trang trong lần đầu tiên tới thăm căn nhà xập xệ của mẹ con Vinh, cô đã muốn được bước vào đó để cùng sẻ chia bớt những khó khăn mà hai mẹ con đã trải qua.
Trang bước qua nhiều cám dỗ để đến với Vinh khi phía trước còn rất nhiều thử thách. |
Không dễ dàng gì để Vinh thuyết phục được gia đình Trang cho anh lấy cô làm vợ. Những ánh nhìn soi xét, những câu nói kỳ thị khiến Vinh tổn thương nhiều lần nhưng không vì thế mà anh bỏ cuộc. Trang cũng vượt qua những lời đàm tiếu, hoài nghi vì sao xinh đẹp, trẻ trung lại đi lấy một người không lành lặn. Càng nhiều rào cản, cả hai càng yêu thương nhau hơn. Cuối cùng, câu chuyện tình "không bình thường" ấy đã được chấp thuận bằng một đám cưới giản dị.
Trang mang thai con trai đầu lòng giữa những khó khăn về cả tinh thần lẫn vật chất. Thời kỳ thai nghén, Trang không ăn uống được, nắng mùa hè như thiêu khiến Trang bao đêm mất ngủ. Vinh xót vợ càng cố gắng làm việc để mong có thêm tiền khi con ra đời.
Áp lực tiền bạc khiến chàng trai khiếm thị đôi lúc cáu bẳn. "Mỗi lần nặng lời với vợ, thấy Trang im lặng, tôi giận mình và càng thương cô ấy nhiều hơn. Tôi từng nghĩ người như mình không bao giờ lấy được vợ. Nay cô ấy chịu lấy mình, chấp nhận một người chồng khiếm thị, một người mẹ chồng liệt giường, tôi phải thực sự trân trọng cô ấy", Vinh xúc động chia sẻ.
Con trai Anh Khôi chào đời khiến hạnh phúc trong Vinh và Trang như vỡ òa. Vinh không hình dung ra nổi gương mặt con, thấy vợ nói rằng Khôi có cái mũi và miệng giống ba, anh tưởng tượng ra mình khi còn nhỏ. Cả Trang và con trong tâm trí Vinh đều được khắc họa nhờ những lần anh âu yếm chạm vào gương mặt. "Thấy mọi người khen xinh thì biết là xinh. Còn mình chỉ sờ thấy cái mũi cao cao nên đoán là cũng đẹp", anh tả về vợ qua cảm nhận của mình.
Nụ cười của Anh Khôi bừng sáng căn nhà ẩm thấp giữa khu tập thể cũ kỹ. |
Ở vào hoàn cảnh hiện tại, Vinh rụt rè với cả việc mơ ước. Anh chẳng dám tin điều kỳ diệu nào sẽ đến với mình. "Tôi chỉ mong con trai được lớn lên trong tình yêu thương, sau này làm chỗ dựa cho bà và bố mẹ. Chẳng cần cháu phải trở thành 'ông nọ bà kia', miễn sao giúp ích cho xã hội", Vinh nói.
Còn về phần Trang, cô tỏ ra mãn nguyện với hạnh phúc hiện tại: "Mỗi khi dẫn chồng ra ngoài, nhiều người hay nhìn chúng tôi một cách soi mói. Tôi không thấy ngại, chỉ thương chồng nhiều hơn. Tôi chỉ mong Anh Khôi sớm cứng cáp, tôi có thể đi làm để chia sẻ gánh nặng với chồng. Mỗi tháng cả gia đình sống dựa vào số tiền khoảng 4 triệu đồng anh kiếm được thật sự rất eo hẹp".