Đồng bằng sông Cửu Long: “Giải cứu” chưa xong, giá heo... lại “tụt dốc”!
- 11:02 10-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người dân “giải cứu” heo bằng cách làm thịt tự mang đi bán |
Giá xuống, nuôi cầm chừng
Sau những đợt “giải cứu”, giá heo hơi tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL lại tiếp tục giảm từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, TP Cần Thơ… giá heo hơi chỉ còn 2 - 2,3 triệu đồng/tạ và có chiều hướng tiếp tục giảm; trong khi trước đó khoảng 1 tháng giá giao động ở mức 2,4 - 2,7 triệu đồng/tạ.
Bà Nguyễn Thị Phúc (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết, đợt bán heo vừa rồi gia đình lỗ nặng. Giá heo thịt giảm 3-5 ngàn đồng/kg, thương lái mua tại chuồng cao nhất là 2,2 triệu đồng/tạ; còn heo quá lứa (hơn 100kg/con - PV) thương lái ép tầm 1,7 -1,8 triệu đồng/tạ. Trong khi giá thức ăn lại có xu hướng tăng, giờ không dám tái đàn, chỉ nuôi cầm chừng vài con để chờ giá. “Nghe nói Nhà nước thực hiện nhiều cuộc hỗ trợ “giải cứu” thịt heo ở nhiều tỉnh nhưng đến nay vẫn không thấy giá heo tăng mà ngày càng giảm”, bà Phúc nói.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Hận (hộ nuôi heo lâu năm tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Trước đây gia đình tôi chuyên nuôi heo thịt, nhưng giờ phải bỏ chuồng chuyển sang nuôi heo giống cầm chừng; nhưng heo con bán cũng chẳng ai mua dù giá hiện khoảng 500-600.000 đồng/con, giảm so với trước 400 -500.000 đồng/con. Thậm chí nhiều hộ có heo nái đẻ con ra đem cho hàng xóm nuôi nên mình cũng chẳng bán được”.
Tương tự, một thanh niên mới bước vào nghề chăn nuôi heo tại Cần Thơ bùi ngùi cho biết, bỏ tiền đầu tư hàng tỷ đồng mua đất, xây chuồng trại nuôi heo thịt, ước tính quy mô khoảng 1.200 con, nhưng đen đủi gặp thời điểm giá heo “tụt dốc không phanh” nên mọi kế hoạch phải tạm dừng dù chuồng trại đã xây xong. Hiện tôi chỉ nuôi 8 con heo giống và hơn 10 con heo thịt.
Không trông chờ, nông dân tự cứu mình
Đứng trước tình trạng giá heo giảm trầm trọng và tiêu thụ khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi khu vực ĐBSCL đã tự “giải cứu” bằng cách làm thịt heo đem ra ngã ba, ngã tư… bán với giá rẻ bèo chấp nhận lỗ để “thanh lý” đàn heo quá lứa. Tại Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng… dọc các tuyến đường nông thôn, nhiều người bán với giá 3- 4 kg/100 ngàn đồng tùy loại thịt.
Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, trong 6 tháng đầu năm 2017 tổng số lượng đàn heo tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có khoảng 3,5 triệu con, chiếm 13% cả nước; sản lượng đạt 550 nghìn tấn, tăng 5% so cùng kỳ nhưng thị trường tiêu thụ thịt heo gặp nhiều khó khăn, số lượng heo tồn đọng nhiều. |
Với phương châm “được đồng nào đỡ đồng đó”, bà Ngô Thị Hạnh (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho hay: “Gia đình tôi đành phải tìm mọi cách để “tự cứu”, bán tống bán tháo heo quá lứa; số heo nhỏ nuôi cầm chừng làm thịt bán lẻ cho bà con hàng xóm hoặc bán cho nhà nào có đám tiệc. Ở nông thôn, ngoài làm ruộng, muốn kiếm thêm thu nhập chỉ trông chờ con heo, nay giá xuống quá thấp tôi không còn hi vọng gì việc tái đàn; chờ làm thịt bán hết tìm con khác nuôi”.
May mắn hơn, ông Nguyễn Minh Hải (ngụ ấp Phú Thạnh B, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) trong lúc không biết làm cách nào để bán đàn heo hơn 1000 con thì ông hay tin ở siêu thị Co.opMart (TP Vĩnh Long) không thu phí mặt bằng nên xin đăng ký mở quầy thịt heo cạnh cổng ra vào siêu thị và được nhiều người dân thành phố ủng hộ. Mỗi ngày mổ bán được chừng 3-4 con.
Có thể thấy, với mong muốn cải thiện đời sống, nhiều nông dân đã đầu tư nuôi heo nhưng hiệu quả mà họ thu được thì là quá bi đát. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng địa phương sớm có các biện pháp hỗ trợ bà con để vượt qua khó khăn này.