Mai một nghề chằm áo tơi
- 08:01 10-07-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiếc áo tơi giúp người dân tránh được nắng nóng và những cơn mưa bất thường |
Theo các cụ cao niên trong làng, từ thực tiễn lao động sản xuất nông nghiệp, người dân làng Yên Lạc đã sáng tạo ra chiếc áo tơi. Chiếc áo đơn sơ, mộc mạc này đã đi vào ca dao, trở thành một đặc điểm nhận diện văn hóa của cả một vùng quê. Và cái nghề rất nông nghiệp này đã tồn tại suốt hơn 200 năm qua, được các thế hệ con cháu trong làng kế nghiệp, gìn giữ và trao truyền cho đến hôm nay.
Cụ Trần Thị Minh (86 tuổi, ngụ tại làng Yên Lạc) cho biết, hồi còn nhỏ, cứ vào đầu tháng 3 âm lịch hằng năm là cụ thấy cha mẹ lại lên rừng chặt lá tơi (thuộc họ cau, lá tựa như lá cọ, có nơi gọi là lá nón) về phơi khô để chằm (đan - PV) áo tơi. Thời ấy, áo tơi được dùng rất phổ biến, ai ra đồng cũng đều cắp theo chiếc áo tơi.
“Từ nhỏ, tui đã được cha mẹ dạy cho cách chằm áo tơi, lên 16 tuổi đã thành thạo tất cả kỹ thuật. Gia đình tui có 5 anh em thì cả 5 người đều có tay nghề chằm áo tơi điêu luyện. Mỗi khi chằm xong 5 cái áo, mẹ lại đem bán với giá 2.000 đồng/chiếc, cũng đủ mua được ít gạo nên không lo thiếu đói”, cụ Minh nhớ lại.
Theo cụ Minh, ngày ấy, áo tơi là công cụ hữu hiệu nhất giúp người dân đối phó với thời tiết khắc nghiệt. Người dân các nơi tìm đến làng Yên Lạc đặt hàng mỗi ngày một nhiều. Làng Yên Lạc khi đó có 150 hộ dân thì cả 150 hộ đều chằm áo tơi.
Ông Nguyễn Đăng Quế, một cư dân làng Yên Lạc, năm nay 66 tuổi, đã có trên 50 năm tuổi nghề chằm áo tơi. Bây giờ, dù tuổi đã cao nhưng cứ vào vụ tơi là vợ chồng ông lại tất bật vào rừng chặt lá về chằm.
“Khoảng 5 giờ sáng, những người đàn ông trong làng đánh xe máy chạy khoảng 25 km ngược lên cánh rừng Truông Bát thuộc H.Hương Khê (Hà Tĩnh) chặt lá tơi. Những chiếc lá này sau đó được sấy khô bằng củi rừng rồi gom thành bó chở về nhà. Trước khi chằm áo, chúng tôi đem phơi sương và vuốt cho chiếc lá thẳng đều”, ông Quế nói.
Lo giữ lửa nghề
Việc chằm áo tơi không quá phức tạp, kỳ công nhưng đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người làm. Lá tơi được xếp lên chiếc khuôn gỗ rộng 1 m2, rồi dùng 4 chiếc thước kẻ dài 1 m nẹp cho ngay ngắn. Người thợ sau đó dùng kim khâu từng sợi dây mây xuyên thẳng hàng giữ nếp cho lá. Trung bình 1 ngày, người thợ lành nghề chằm được khoảng 5 sản phẩm. Áo tơi hiện được bán với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc.
Ông Nguyễn Đắc Khoa, Trưởng thôn Yên Lạc nói rằng, trước kia người dân chằm áo tơi vào cả hai mùa mưa và nắng. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, người dân chỉ còn chằm áo vào mùa nắng. “Sức mua ngày càng giảm, nhiều hộ dân bắt đầu chuyển sang các công việc có thu nhập cao hơn. Trong làng hiện chỉ còn 50 hộ tiếp tục chằm áo tơi, không rầm rộ như trước. Những người kế nghiệp đang lo làm sao để giữ lửa cho nghề này”, ông Khoa nói.
Theo ông Đặng Hồng Kiệm, Chủ tịch UBND xã Quang Lộc, những người theo nghề chằm áo tơi giảm dần trước hết do lá tơi ngày càng khan hiếm. Loại cây này mọc tự nhiên trong rừng nhưng đến nay các chủ rừng chặt bỏ để trồng keo, trồng cao su.
“Chằm áo tơi bây giờ không còn đem lại thu nhập chính nữa nên người dân không mặn mà với nghề này cũng là điều dễ hiểu. Chúng tôi chỉ biết vận động bà con tận dụng thời gian nhàn rỗi để chằm áo, vừa có thêm thu nhập, vừa giữ lửa cho nghề”, ông Kiệm nói.