Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Lao động Việt 'lạnh lưng' ở Malaysia

Malaysia và Thái Lan đang mạnh tay bắt giữ và trục xuất lao động nước ngoài bất hợp pháp.

 

 Công nhân Việt Nam tại một lán trại cạnh công trường xây dựng ở thành phố Klang, Malaysia ngày 3-4-2017 - Ảnh: LAN QUỲNH

Đó là một buổi sáng bình thường ngày 7-7 tại một công trình xây dựng ở thành phố Nilai, cách thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia khoảng 50km về phía nam. Khi gần 500 công nhân đang chuẩn bị bắt tay vào công việc, hơn 150 cảnh sát và nhân viên nhập cảnh ập vào công trường, yêu cầu tất cả những người có mặt tập trung ra một khoảng sân trống.

Sau đó, 306 trong tổng số 450 lao động nước ngoài có mặt đã bị bắt giữ, phần lớn trong số này đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.

Truy quét

Họ bị cáo buộc là lao động bất hợp pháp do không có giấy tờ chứng minh được phép làm việc ở Malaysia. Những người này sẽ bị đưa tới các trung tâm giam giữ dành riêng cho người nhập cư bất hợp pháp để trục xuất về nước, theo mô tả của báo New Straits Times.

Đây chỉ là một đợt truy quét trong hàng chục đợt truy quét được tiến hành tại nhiều bang ở Malaysia sau khi chính sách “Thẻ thực thi tạm thời công nhân nước ngoài” (gọi tắt là E-card) hết hạn đêm 30-6.

Nhưng chiến dịch truy quét mạnh tay này cũng đang đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng nhiều công trình xây dựng vào thế bế tắc. Nhiều công ty xây dựng Malaysia đã phải ngưng hoạt động vì “trót” thuê quá nhiều lao động nước ngoài không giấy tờ.

 Hai lao động Việt làm xây dựng ở Selangor - Ảnh: H.T.N.

Đi làm trong nơm nớp lo lắng

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, anh H.T.N., một lao động người Việt ở bang Selangor, không giấu được lo lắng: “Tui thấy lo cho mấy anh em mới qua. Họ có giấy tờ gì đâu, nói qua đi du lịch rồi ở lại làm chui. Giờ anh em bị bên này truy quét như tội phạm, đi làm cứ nơm nớp sợ bị bắt”.

Các thông tin trong cộng đồng cho thấy có không ít người Việt vào Malaysia theo thị thực du lịch rồi tìm đến những điểm có chủ thầu người Việt để làm việc. Các lao động Việt được trả lương trung bình 2.000-2.800 ringgit/tháng (khoảng 10-14 triệu đồng) tùy thuộc vào số giờ tăng ca, được cho là cao hơn so với làm công việc tương tự ở Việt Nam.

Anh N., người có thâm niên làm việc tại Malaysia đã 10 năm và hiện đang chỉ huy nhóm thợ nội thất 8 người, kể lại: “Đang trong đợt truy quét nên cảnh sát rất mạnh tay, ôtô đang chạy ngoài đường cũng bị chặn lại kiểm tra xem có chở người lao động bất hợp pháp hay không”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một vị của Đại sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur khẳng định việc truy quét lao động bất hợp pháp là rất thường xuyên ở Malaysia trong thời gian gần đây. Ông này cho biết sứ quán cũng luôn cảnh báo về việc này nhưng không thể kiểm soát được số người Việt sang đây làm việc chui “vì họ đi theo nhiều đường lắm”.

29.000 lao động 
rời Thái Lan

Tại Thái Lan, các đợt truy quét sớm hơn, bắt đầu từ ngày 23-6, khi luật lao động mới của nước này chính thức có hiệu lực.

Theo luật lao động mới của Thái Lan, lao động nước ngoài ở Thái Lan sẽ bị phạt 2.000 - 100.000 baht (1,2 - 66 triệu đồng), thậm chí án tù 5 năm nếu bị phát hiện không có giấy phép lao động. Riêng người sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp bị phạt còn nặng hơn.

Với mỗi lao động nước ngoài bất hợp pháp bị phát hiện, người sử dụng lao động sẽ bị phạt ít nhất 400.000 baht (khoảng 268 triệu đồng) và tối đa lên tới 800.000 baht (khoảng 536 triệu đồng).

Bộ trưởng Lao động Thái Lan Sirichai Distakul nhấn mạnh mức phạt trên là hợp lý, tương đương với những kẻ sử dụng “nô lệ” trên các tàu đánh cá, lao động trẻ em và người bị cưỡng bức làm lao động, theo báo Bangkok Post.

Hoang mang và lo sợ trước luật lao động mới, nhiều lao động chui người Campuchia, Myanmar và các nước khác bắt đầu đổ về các cửa khẩu biên giới. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày 23-6, hơn 29.000 lao động nước ngoài đã rời Thái Lan.

Trước tình trạng lao động nước ngoài ồ ạt bỏ về nước gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, ngày 5-7 Hội đồng quốc gia vì hòa bình và trật tự Thái Lan đã quyết định “ân hạn”, tạm ngưng thực thi luật lao động mới trong vòng 180 ngày.

Giấy tờ không khó, chỉ tốn tiền

 

Theo nhà chức trách Malaysia, có khoảng 2 triệu lao động nước ngoài có đăng ký với chính quyền ở Malaysia và trong số hơn 1 triệu lao động chui tại nước này, có khoảng 600.000 trường hợp có thể đăng ký E-card.

Chính sách này mang tính tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động trong các công trình xây dựng ở Malaysia, ngăn chặn thất thu nguồn thuế và bảo vệ lao động nước ngoài, Chính phủ Malaysia khẳng định. Người giữ E-card có thể làm việc ở Malaysia tới hết ngày 15-2-2018.

Vấn đề ở chỗ chủ sử dụng lao động phải đóng phí 600 ringgit (hơn 3 triệu đồng) cho mỗi lao động mình đăng ký và họ thường “tiết kiệm” khoản này khiến người lao động dễ bị bắt.