Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người bệnh tiểu đường có nên hạn chế ăn trái cây?

Một tâm lý chung của người bệnh tiểu đường là… xa lánh trái cây, vì sợ hấp thu thêm… đường. Thực tế trái cây cung cấp một nguồn chất xơ rất tốt cho cơ thể vì có cả 2 nhóm chất xơ hòa tan và không hòa tan.

 Không thể có một hướng dẫn chung cho tất cả bệnh nhân tiểu đường trong việc ăn hoa quả (Ảnh minh họa)

Chất xơ tan là thức ăn cho các vi khuẩn có lợi ở đường ruột, gắn kết với các axit mật trong ruột làm giảm nhũ tương hóa chất béo của thức ăn (làm dễ tiêu), thẩm thấu, nối kết với các cholesterol và thải trừ chúng ra khỏi cơ thể. Chất xơ không tan giúp hạn chế sự tăng đường máu sau khi ăn ở bệnh nhân đái tháo đường, phòng chống tăng cholesterol trong máu và phòng chống ung thư trực tràng.

Không chỉ vậy, trái cây còn là một nguồn chất chống ôxy hóa tế bào như vitamin C và A. Trung bình 100-150g trái cây có thể cung cấp cho một người lớn đủ nhu cầu vitamin C hàng ngày. Vitamin C còn giúp cơ thể gia tăng sức đề kháng chống nhiễm khuẩn.

Những loại trái cây có màu vàng sậm và đỏ cam như xoài, đu đủ, cam, dưa lê, dưa hấu, hồng... là nguồn carotene rất tốt, có khả năng kháng ung thư. Vitamin nhóm B cũng hiện diện nhiều trong trái cây như mãng cầu, chuối, táo, trái cây nhiều đường tự nhiên, nhưng nó là thực phẩm vô cùng cần thiết, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như vitamin, chất xơ, chất chống ôxy hóa ... có lợi cho bệnh nhân tiểu đường. Các loại trái cây đều có hàm lượng nước lớn, chiếm 75-95%, giúp bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể. Vitamin C trong trái cây giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật.

Tiểu đường là một tình trạng phức tạp và mỗi người bệnh tiểu đường được điều trị bằng một phương pháp khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn mắc bệnh, mức độ bệnh và thể trạng của mỗi người... Do đó không thể có một hướng dẫn chung cho tất cả bệnh nhân tiểu đường trong việc ăn hoa quả. Ví dụ như 2 bệnh nhân là bố con đều mắc bệnh tiểu đường, người bố đã mang trong mình căn bệnh này 15-20 năm, trong khi người con mới mắc bệnh cách đây 2 tháng. Người bố nếu ăn 1 quả chuối, mức độ đường huyết có thể tăng lên tới 80 mg/dL, nhưng con trai của ông ta có thể không có mức đường lên cao như vậy sau khi cùng ăn chuối. Đó là do người con mới mắc bệnh, tuyến tụy vẫn kiểm soát tốt lượng đường, nên không bị đường huyết tăng vọt. Vì vậy việc ăn trái cây còn tùy thuộc vào giai đoạn nào của bệnh tiểu đường và đối tượng mắc bệnh có sức khỏe như thế nào...

Nếu bệnh nhân tiểu đường ăn trái cây ngay sau bữa ăn trưa hoặc ăn tối có thể làm gia tăng lượng đường trong máu. Phải có khoảng cách ít nhất 2 giờ sau các bữa ăn mới nên dùng trái cây, ăn trái cây lúc này sẽ không làm đường huyết của người bệnh bị tăng đột ngột. Thời gian lý tưởng để ăn trái cây là giữa buổi sáng, khoảng 11 giờ sáng hoặc vào buổi tối lúc 5 giờ chiều.

Các loại nước ép trái cây không phải là thức uống lý tưởng cho bệnh nhân tiểu đường, thậm chí cả những loại nước ép đóng hộp có ghi nhãn là không đường (sugar-free). Nước trái cây là một trong những nguyên nhân làm lượng đường trong máu tăng đột ngột. Việc nhai hay ăn bằng miệng làm cơ thế hấp thụ dần lượng đường đưa vào, nếu có sự gia tăng hàm lượng đường nó cũng diễn ra chậm hơn. Ngoài ra việc ăn hoa quả còn làm tăng hàm lượng chất xơ cho cơ thể, giúp chống táo bón, giảm mỡ máu....