Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tai nạn nghiêm trọng, lãnh đạo bị “xử”

Mới đây, tại Hội nghị Sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã chỉ đạo Ủy ban này trong 6 tháng cuối năm 2017 phải xây dựng chế tài xác định trách nhiệm người đứng đầu các bộ ngành, địa phương, cơ quan chức năng trong việc để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người do lỗi chủ quan, thiếu trách nhiệm.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh những địa điểm cần có sự giám sát của các ban ngành, cơ quan chức năng để giảm thiểu tai nạn giao thông. Đó là các đoạn đường ngang dân sinh hoặc những nơi đã trở thành “điểm đen” giao thông vv...

Qua số liệu thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, 6 tháng đầu năm 2017 cả nước xảy ra 9.593 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. So với cùng kỳ năm 2016, tai nạn giao thông giảm về số vụ và số người chết. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều vụ tại nạn nghiêm trọng, thiệt hại lớn về tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì vậy, trước chỉ đạo của Phó Thủ tướng, dư luận rất đồng tình. Họ cho rằng, nếu quan sát hiện trường những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, không khó gì chúng ta cũng có thể nhận biết được các chỗ đó rất có “vấn đề”. Chẳng hạn biển báo, vành đai an toàn không đảm bảo, nhưng không có xử lý hoặc cảnh báo nào được đưa ra, tai nạn là điều dễ hiểu. Để xảy ra tai nạn giao thông mà lỗi là do chủ quan, thiếu trách nhiệm là không thể chấp nhận được.

Còn nhớ, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2017, được tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã thẳng thắn cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông diễn biến phức tạp là do người đứng đầu các ban ngành, địa phương chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Tại Hội nghị lần này, Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Chúng ta hô hào nhiều nhưng cuối cùng không có chế tài, không có quy định, không xử lý được vì chỉ là nghị quyết, chỉ thị, ra lệnh chung chung. Bây giờ phải xây dựng chế tài cụ thể về xử lý trách nhiệm để áp dụng sát hơn thực tế”.

Có thể nói, chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc kéo giảm, kìm chế tai nạn giao thông, đồng thời triệt tiêu “căn bệnh” khen thì cá nhân nhận, lỗi thì tập thể chịu ở nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có giao thông hiện nay.

Tất nhiên, để giảm thiểu tai nạn giao thông, ngoài trách nhiệm của người đứng đầu thì ý thức của người tham gia giao thông cũng rất quan trọng. Dự luận cho rằng, phần lớn tai nạn giao thông tại Việt Nam xảy ra là do ý thức chấp hành pháp luật kém của người dân. Do đó, các biện pháp cần tiến hành đồng bộ, có như vậy mới xử lý được vấn đề tận gốc.