Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều bệnh viện xin... xuống hạng!

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nguyễn Minh Thảo đã thông tin như vậy tại Hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) đối với các cơ sở y tế tư nhân do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp Hiệp hội Bệnh viện tư nhân tổ chức ngày 3-7.
Theo ông Thảo, từ khi chính sách thông tuyến (huyện) khám chữa bệnh (KCB) BHYT cả nước, nhiều cơ sở y tế xin xuống hạng 3 để tiếp cận nguồn BHYT mặc dù các danh mục của hạng 1, hạng 2 sẽ được bảo hiểm thanh toán chi phí cao hơn.

Mặc dù các cơ sở KCB tư nhân đã góp phần giảm tải cơ sở KCB công, đồng thời thúc đẩy phát triển chuyên môn, kỹ thuật... song ông Thảo cho rằng việc thực chính sách BHYT đã làm phát sinh nhiều vấn đề về cung ứng vật tư, tài chính y tế, tiếp cận các chính sách, văn bản pháp luật về lĩnh vực BHYT từ các cơ quan BHXH Việt Nam, Bộ  Y tế... Lý do là đội ngũ làm công tác BHYT tại các cơ sở KCB tư nhân còn mỏng, khiến việc tiếp cận chính sách chưa đầy đủ, khó khăn trong thanh quyết toán chi phí KCB.

 
Đại diện các sở KCB tư nhân boăn khoăn về thanh quyết toán BHYT. Ảnh: P.ĐIỀN

"Hiện nay chưa có tiêu chí và xếp hạng bệnh viện tư nhân nên đã phát sinh nhiều vướng mắc trong việc áp giá thanh toán, xác định tuyến chuyên môn kỹ thuật. Để thuận lợi hơn trong việc KCB bằng BHYT, BHXH Việt Nam vừa ký kết biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Bệnh viên tư nhân để tháo gỡ khó khăn và thanh quyết toán kịp thời cho các cơ sở KCB tư nhân”, ông Thảo cho biết thêm.

Về thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH, BHYT Việt Nam, cho hay năm 2016, bội chi KCB gần 7.000 tỷ đồng. Các tỉnh có số tiền bội chi lớn là Nghệ An (800 tỷ), Thanh Hóa (843 tỷ), Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên Huế mỗi tỉnh bội chi 300 tỷ. Dự báo năm 2017, hầu hết các địa phương sẽ bội chi quỹ KCB BHYT. Trong đó lưu ý ba địa phương Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa dự kiến bội chi trên 1.000 tỷ đồng. Hải Dương, Quảng Nam, Quảng Ninh bội chi trên 500 tỷ; An Giang, Thái Bình bội chi trên 400 tỷ đồng. 

Về nguyên nhân gây mất cân đối quỹ KCB được giao, ông Bằng cho biết là do sự bất hợp lý trong lựa chọn mua sắm, sử dụng thuốc và vật tư y tế phát sinh do cơ sở KCB chưa thực sự chú ý quan tâm tới vấn đề chi phí hiệu quả; Các cơ sở KCB tư không đủ bác sĩ cơ hữu tại cơ sở KCB (dưới 50%); Các cơ sở khi đăng ký giấy phép hoạt động thì đầy đủ nhưng khi hoạt động không đủ do thay đổi nhân sự... Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như thiếu nhân lực về xét nghiệm hoặc X quang, Dược làm việc trong giờ hành chính. KCB ngoài giờ nhưng không xác định cụ thể thời gian KCB ngoài giờ, bác sĩ công tác tại bệnh viên công về KCB tại bệnh viện tư nhưng không đăng ký hành nghề tại cơ sở tư nhân...

 

Tác giả bài viết: PHONG ĐIỀN

Nguồn tin: