Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyên gia Nhật Bản ấn tượng với tiềm năng kinh tế biển Nghệ An

Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Akira Kuroki - Ủy viên HĐQT Tổ chức International Small Vessel Recycle Project (Nhật Bản) về dự án hỗ trợ tàu cá cho ngư dân và triển vọng hợp tác với Nghệ An trong tương lai.
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế biển của Nghệ An?

Ông Akira Kuroki: Qua tìm hiểu chúng tôi được biết Nghệ An là tỉnh lớn nhất Việt Nam cả về diện tích và dân số. Với thế mạnh 82km và 6 cửa biển, trong đó có cảng Cửa Lò là một cảng biển Quốc tế có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn.

Vùng biển ở Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm của các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng, trên tuyến trục Bắc Nam và Đông Tây của miền Trung, trên hành lang của tuyến đường hàng hải quốc tế, là một trong những cửa ngõ vùng Bắc Trung bộ, Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan. Phải khẳng định rằng, tiềm năng, tài nguyên vùng biển, ven biển khá đa dạng, phong phú.

 
Giới thiệu tàu Hamakaze. Ảnh: Thanh Lê

Bên cạnh đó, ngư dân của Nghệ An có truyền thống ra khơi từ lâu đời. Nhìn vào bản đồ, nếu coi 82km bờ biển là “mặt tiền” thì với 2.067km biên giới giáp Lào, Nghệ An có địa thế “nở hậu” rất tốt…

Biển là một thế mạnh của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung, nên việc quan tâm đến kinh tế biển là một chiến lược lâu dài và phải coi nó là tầm quan trọng sống còn đối với nền kinh tế.

PV: Xuất phát từ ý tưởng nào tổ chức International Small Vessel Recycle Project (Nhật Bản) hỗ trợ  tàu cho tỉnh Nghệ An?

Ông Akira Kuroki: Người đề xuất thành lập Tổ chức International Small Vessel Recycle Project (viết tắt là ISVRP) - Nhật Bản -  là một thanh niên Việt Nam khi đó đang học đại học năm thứ 2 trường Đại học Kinh tế Nhật Bản  - anh Trần Thúc Hiếu, quê gốc ở TP. Vinh, hiện nay là Ủy viên Hội đồng quản trị của Tổ chức ISVRP.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, anh Hiếu là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Kobe Việt. Đồng thời là thành viên Hội Hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Nghệ An với vai trò là Phó Chủ tịch Hội.

Nghệ An với vị trí địa lý là một tỉnh Bắc Trung bộ của Việt Nam chỉ cách thủ đô Hà Nội gần 300km, có đầy đủ yếu tố về thiên thời, địa lợi và nhân hòa, do vậy việc quan tâm đến Nghệ An là một điều tất yếu.

Gần đây Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe đã có một câu nói rất hay: “Không gì chặn được sông Hồng nối dòng đến vịnh Tokyo”. Sông Lam của Nghệ An còn được gọi là sông Cả, cũng phải được nhận thức theo câu nói của Thủ tướng Shinzo Abe.

Ở Nhật Bản, chúng tôi có thói quen không được để lãng phí, phải sử dụng trân trọng, triệt để tất cả các tài sản. Do dân số già hóa không còn nhân lực, năng lực để sử dụng các tàu đánh cá, tàu biển, nên chúng tôi muốn các bạn Việt Nam tái hoạt dụng các tài sản này.

Nhờ đó, các bạn có thể hoạt động rộng hơn trên biển, bảo vệ lãnh hải, tăng lợi ích cho đất nước Việt Nam. Thêm nữa là giữ vững tuyến giao thông huyết mạch của Nhật Bản - đây là vấn đề quan trọng đối với tương lai trung và dài hạn của Nhật.

Chúng tôi khẳng định  rằng, các hoạt động của chúng tôi không phải là đem “rác thải công nghiệp” đến Việt Nam.

PV: Vì sao tàu vỏ FRP-Composite được Nhật Bản sử dụng nhiều?

Ông Akira Kurok: Tàu vỏ FRP Composite được Nhật Bản sử dụng nhiều, bởi có những ưu điểm: có độ bền vượt trội so với tàu gỗ vì vật liệu composite không bị ăn mòn bởi môi trường biển. Mặt khác tàu Composite cũng không bị thấm nước, không bị mục rữa. Tuổi thọ của tàu cao (trên 100 năm).

Về chi phí bảo trì, bảo dưỡng thân tàu, thì đối với tàu vỏ gỗ phải đi bảo trì bảo dưỡng hàng năm nhưng với tàu Composite thì 20 năm đầu không phải bảo trì thân tàu tiết kiệm cho chủ tàu một lượng chi phí khá lớn.

Vì thân tàu làm bằng nhựa Composite có độ trơn lướt nên giảm đáng kể lực ma sát với nước và gió ngược chiều nên tốc độ tàu khá nhanh tiết kiệm nhiên liệu. Theo tính toán của những người trực tiếp sử dụng tàu Composite thì tàu có thể tiết kiệm được 10% nhiên liệu so với tàu gỗ.

Còn về tính an toàn, thì tàu Composite có ưu điểm vượt trội so với tàu gỗ. Được thiết kế bằng cách đúc khuôn, các khoang kín nước nên tàu vẫn an toàn trong trường hợp có khoang bị thủng. Trong trường hợp tàu bị lật úp cũng chính nhờ ưu thế kín nước nên nó có thể nổi, ngư dân bám vào thân tàu làm tăng khả năng sống sót.

Xét về hiệu quả kinh tế toàn diện, thì tàu Composite đạt hiệu quả kinh tế cao hơn tàu gỗ bởi nó tiết kiệm được các chi phí nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng thân tàu và thời gian khai thác tàu cao hơn.

Nhất là trong điều kiện, tài nguyên gỗ hiện nay đã không còn nhiều, đóng tàu vỏ gỗ là sử dụng lãng phí gỗ, phá hoại môi trường (vì 1 cây gỗ chỉ sử dụng được 30% để đóng tàu gỗ, còn lại không phù hợp).

PV: Qua chuyến khảo sát lần này, tổ chức International Small Vessel Recycle Project (Nhật Bản) có kế hoạch như thế nào hỗ trợ cho Nghệ An trên các lĩnh vực?

Ông Akira Kuroki: Sau khi triển khai thành công việc viện trợ 30 con tàu vỏ bằng composite đã qua sử dụng, chúng tôi sẽ triển khai xưởng đại tu, bảo dưỡng các loại tàu này tại tỉnh Nghệ An để vừa đáp ứng cho ngư dân Nghệ An với giá thích hợp, vừa cung ứng cho thị trường các nước Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, chúng tôi có kế hoạch sản xuất tại Nghệ An các loại cầu tàu cơ động cho tàu thuyền đánh cá rẻ hơn rất nhiều lần cầu tàu làm bằng bê-tông cốt thép.

Một việc rất quan trọng liên quan đến giao thương Việt - Nhật đó là vận động mở đường bay trực tiếp từ sân bay Quốc tế Vinh đến các sân bay Nhật Bản. Chúng tôi đã, đang, tiếp tục vận động, kêu gọi các hãng hàng không Nhật Bản, hy vọng sẽ thành công.

 
Tổ chức ISVRP tặng tàu Hamakaze cho tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê

Như trên đã nói, Nghệ An là một tỉnh lớn nhất Việt Nam cả về diện tích lẫn dân số. Tiềm năng phát triển của Nghệ An hết sức to lớn, đặc biệt là tiềm năng về con người. Nghệ An là quê hương của chí sĩ Phan Bội Châu và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung đang ở trong thời kỳ dân số vàng (tuổi bình quân là 28 tuổi), trong lúc Nhật Bản lại dân số già hóa (bình quân 46 tuổi) do vậy chúng tôi đang rất cần nguồn lực lao động ở tất cả các ngành nghề. 

Rất mong UBND tỉnh Nghệ An tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty Kobe Việt do anh Trần Thúc Hiếu là Ủy viên HĐQT Tổ chức chúng tôi.

Nếu Kobe Việt được cấp phép đưa lao động và chuyên gia sang Nhật Bản, thì Tổ chức ISVRP sẽ kết nối với các nghiệp đoàn của Nhật Bản để điều phối nguồn nhân lực phù hợp với pháp luật hai nước Việt Nam và Nhật Bản; đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động. 

Chúng tôi coi việc đưa nguồn nhân lực lao động của Nghệ An sang Nhật Bản là phương châm đầu tư cơ bản và lâu dài nhất. Ngoài việc tiền lương của họ đóng góp cho gia đình và đất nước bằng ngoại tệ, họ còn được tiếp thu kỹ thuật các ngành nghề mà Nhật Bản được thế giới đánh giá là tiên tiến…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 
Tác giả: Thanh Lê (Thực hiện)
Nguồn tin: Báo Nghệ An