Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nông dân miền núi 'cay' vì không bán được ớt

Mô hình rau an toàn của xã Tam Thái (Tương Dương - Nghệ An) hiện có 1ha ớt đã đến vụ thu hoạch nhưng không ai mua khiến bà con phải đem phơi khô.
o1
Vườn ớt của bà con nông dân tham gia mô hình rau an toàn ở bản Na Tổng, xã Tam Thái có diện tích 1ha. Ớt đã chín nhưng bà con vẫn không thể bán. Ảnh: Hữu Vi 

Bà Lộc Thị Lợi, trú bản Na Tổng, xã Tam Thái (Tương Dương) là một trong số 14 hộ trồng ớt theo mô hình rau an toàn của xã này. Bà cho biết hiện đang cùng con dâu chăm sóc hơn 400m2 ớt cay. Ớt đã chín đỏ vườn nhưng không muốn thu hái bởi chẳng biết bán cho ai vì mặt hàng này hiện có quá ít người thu mua.

Mô hình rau an toàn là một khu trang trại trồng rau được quy hoạch nhằm mục đích trồng các sản phẩm rau sạch như: bí, mồng tơi, cà, rau cải… Các khâu sản xuất đều được thực hiện theo quy trình sản xuất rau sạch. Ớt cay cũng là nông sản được 14 hộ tham gia mô hình trồng từ năm 2014 khi trang trại đi vào hoạt động. Đây cũng là một công trình để giúp xã Tam Thái cán địch nông thôn mới trong thời gian vừa qua.

 
o2]
Ớt chín rụng vì không có người mua. Ảnh: Đào Thọ

Bà Vi Thị Thắng - Tổ trưởng sản xuất tại mô hình rau an toàn cho biết: Ngoài ớt cay thì những sản phẩm khác vẫn bán chạy. Bà con thường tập trung các loại nông sản tham gia ban tại chợ phiên hoạt động mỗi tuần một lượt. Chợ chỉ cách vườn rau an toàn chưa đầy 300m.

Thời điểm bán chạy nhất, mỗi kg ớt sản xuất theo quy trình an toàn tại mô hình có giá khoảng 30.000đ. “Bây giờ thì mỗi cân hai chục nghìn cũng không có người mua” - bà Thắng chia sẻ thêm.

Theo bà con trồng ớt ở mô hình rau an toàn Tam Thái thì trước đây có một doanh nghiệp thu mua.  “Bao nhiêu ớt họ cũng mua hết với giá 15.000đ/kg. Nhưng năm nay không thấy họ đến mua nữa” - bà Lộc Thị Lợi cho hay.

 
o3
Đem phơi khô để xay nhỏ và cất vào lọ là cách bà con nông dân xã Tam Thái tự “giải cứu” ớt. Ảnh: Hữu Vi

Để tránh ớt chính rụng ngoài vườn, bà con nông dân hái về phơi khô rồi đem xay nhỏ để bán dần. Đây là cách làm truyền thống của người vùng cao. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế vì ớt khô xay nhỏ thường chỉ tiêu thụ được vào mùa đông. 

Ông Vi Viết Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết: Hiện chính quyền địa phương đã nắm bắt được tình hình khó khăn trong việc tiêu thụ ớt cay. “Chính quyền đang vận động các cấp ngành trên địa bàn và kêu gọi các doanh nghiệp mua ớt cay ủng hộ bà con” - ông Kiều chia sẻ.

 
Tác giả: Hữu Vi - Đào Thọ
Nguồn tin: Báo Nghệ An