Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bước qua lời nguyền, vợ chồng cựu binh cứu những đứa trẻ bị chôn sống theo mẹ

Sống giữa buôn làng Jarai nghèo khó, vợ chồng người cựu binh nghèo không chỉ nhận nuôi hàng chục đứa trẻ đói khổ, mồ côi, mà còn dám đứng lên chống lại luật tục hà khắc của buôn làng, cứu sống những đứa trẻ bị chôn theo mẹ.
 
Vợ chồng ông Hới, bà My.

Nên duyên giữa chiến trường 

Theo chân già làng Rơ Châm Roi chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng ông Ayun Hới (SN 1928) và bà Siu My (SN 1943, ngụ làng Vêl, xã Ia Ko, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Trước mắt chúng tôi là một ông lão với một con mắt bị tật, ngồi bên cạnh là người vợ với dáng ngồi khắc khổ, nhưng giọng nói trong veo, đầy mạnh mẽ. 

Ông Hới cho biết, ông là người Ê Đê, sinh ra và lớn lên ở buôn Pu (xã Chư Păng, huyện Krông Puk, tỉnh Đắk Lắk). Tháng 3/1946 ông thoát li và được tập kết ra Bắc. Tháng 8/1950 ông nhập ngũ. Năm 1960, ông được biên chế vào Trung đoàn 120, Sư đoàn 304, trực tiếp tham gia các chiến trường như Cánh đồng Chum ở nước bạn Lào, Khe Sanh - Quảng Trị và những trận đánh ác liệt ở ngã ba Đông Dương.

Trong khi tham gia các trận đánh, ông Hới bị thương ở chân, tay và bị một mảnh đạn cướp đi vĩnh viễn mắt phải. Do bị thương nhiều lần, năm 1969 ông được chuyển về Quân khu 5, làm trợ lý Dân vận Trung đoàn 101, Sư 304 và phụ trách các dân tộc Tây Nguyên.

Sau đó, ông Hới được điều động về Trung đoàn 95B, Tỉnh đội Gia Lai, đóng quân ở căn cứ Dân Chủ (huyện Kbang). Tại đây, ông gặp bà Siu My, một sơn nữ người Jarai đẹp người, đẹp nết. 

Khi nghe ông Hới nhắc đến địa danh Dân Chủ, bà My vui vẻ tiếp lời: “Đầu năm 1961, tôi nghe theo lời cán bộ đi chống Mỹ cứu nước. Tôi đi tiếp tế, tham gia chiến đấu với bộ đội trong các trận như ngã ba Cheo Reo ở huyện Chư Sê, Phú Nhơn ở huyện Chư Pưh, Plei Me ở huyện Chư Prông, Chư Nghé ở huyện Ia Grai, Ka Nak ở huyện Kbang.

Đúng mùa hoa dã quỳ nở vàng khắp núi rừng, đầu năm 1973, tôi gặp ông ấy ở căn cứ Dân Chủ. Khi đó, đơn vị của ông ấy tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ với đơn vị của tôi”.

Sau thời gian làm quen, ông bà thương yêu nhau, rồi bà lấy ông làm chồng theo phong tục và được đơn vị tổ chức lễ cưới vào cuối năm 1973. Trong chiến trường ác liệt, bà My đã 2 lần sinh con nhưng cả 2 người con của ông bà đều chết sau khi chào đời không lâu. Sau giải phóng, ông bà trở về quê ở xã Ia Ko sinh sống và sinh được 1 người con trai.

Cứu đói hơn 50 đứa trẻ

Theo lời bà My, cuộc sống lúc mới về quê của ông bà đầy rẫy khó khăn. Nhưng người dân trong làng còn khó khăn hơn. Nhìn cảnh bà con trong vùng không chỉ đói mà còn tồn tại rất nhiều hủ tục lạc hậu, nhiều đứa trẻ có nguy cơ chết đói, ông bà cảm thấy xót thương. 

Là người từng mất đi những núm ruột thân yêu của mình nên ông bà hiểu hơn ai hết nỗi đau mất đi những đứa con là như thế nào. Dù không có tiền bạc hay lúa gạo nhiều nhưng vườn nhà rất nhiều chuối, sắn. Vậy là, ông bà đã đón hàng chục đứa trẻ về nuôi.

Ông Hới cho biết: “Cha mẹ tụi nó không nuôi được nên vợ chồng tôi nuôi. Có đứa vợ chồng tôi nuôi vài ba tháng, khi nào cha mẹ nó hết đói làm ăn được thì đón về, có đứa nuôi đến lớn rồi chúng đi lấy chồng, lấy vợ.

Vợ chồng tôi nuôi những đứa con người dân tộc Jarai cũng có và người Kinh cũng có. Tôi không nhớ rõ chính xác nhưng mấy đứa nhỏ vợ chồng tôi nuôi vài ba tháng thì nhiều lắm, chí ít cũng hơn 50 đứa. Bây giờ, lâu lâu tụi nó về thăm vợ chồng tôi”.

Ngồi trò chuyện với khách, ông Hới kể về những kỷ niệm không thể quên khi nuôi những đứa trẻ. Một lần đang chạy vội vào bụi tre trú mưa, ông nhìn thấy một phụ nữ người Kinh và đứa trẻ da tím tái nằm bất động trên vũng máu. Tiến lại gần, ông nghe tiếng đứa trẻ khóc ré lên. Ông vội vỗ nhẹ vào vai người thiếu phụ. 

 
Ngôi nhà của vợ chồng ông Hới

Một hồi sau, người thiếu phụ đó tỉnh dậy. Vừa thấy ông, người này liền liền van xin ông nuôi dưỡng cháu bé. Ngay sau đó, thiếu phụ đi như chạy vào những lô cao su. Như hiểu chuyện, ông bế cháu bé về nhà nuôi dưỡng và cho ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay, cậu bé năm xưa đã có vợ, có con, có nhà cửa ở riêng.

Trong những đứa con từng được bao bọc, đứa con gái nuôi được ông Hới thương nhất là chị Siu Séc (SN 1990). Mẹ chết, cha Séc đi theo vợ mới và không chịu nuôi con mình. Trong lúc đi làm rẫy, ông nghe thấy tiếng Séc khóc lả vì đói và sợ, do bị bỏ rơi ở bên một con suối nên đã mang về nuôi.

Cách đây vài năm, vợ chồng ông đã tổ chức đám cưới cho chị Séc với một thanh niên trong làng. Bây giờ, chị Séc đang sống hạnh phúc cùng chồng và 2 con, hàng ngày người con gái nuôi vẫn về thăm ông bà.

Cứu tinh của những đứa trẻ suýt bị chôn sống

Không chỉ làm việc thiện khi nuôi những đứa trẻ mồ côi, đói khổ mà vợ chồng ông Hới còn dám đứng lên chống lại luật tục hà khắc, lạc hậu tồn tại hàng trăm năm của người Jarai. Đó là khi người mẹ chết, đứa trẻ mới sinh ra dù khỏe mạnh nhưng phải chôn theo mẹ. 

Theo lời ông Hới, năm 1995, trong một lần ông được mời đến đám tang ở làng Đăk Pớt (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê), khi nhìn xuống gầm nhà sàn, ông thấy một đứa trẻ đỏ hỏn đang nằm thoi thóp bên xác người mẹ. 

Trong lúc mọi người không để ý, ông vội vàng chạy đến nhẹ nhàng bế đứa trẻ lên tay, cởi vội chiếc áo trên người quấn cho đứa bé tội nghiệp. Thấy vậy, những người trong đám tang đưa mắt nhìn ông. Bố đứa bé yêu cầu ông phải để con mình theo mẹ nó, nếu không sẽ bị Yàng (ông Trời) trừng phạt cả làng.

Trước hàng trăm ánh mắt giận dữ đang hướng về mình, ông Hới bình tĩnh giải thích: “Nếu để đứa bé chết theo mẹ nó là vi phạm pháp luật. Không ai dám nuôi bé thì để tôi nuôi”. 

Sau một hồi nghe ông giải thích, nhiều người trong đám tang đã xuôi lòng. Ông ẵm đứa bé chạy một mạch về nhà. Thấy đứa bé tội nghiệp đang đói khóc, bà My vội vàng nấu cơm lấy nước cho bé uống. 

Già Rơ Châm Roi cho biết: “Sau lần ông Hới cứu đứa bé ấy, nhiều người dân trong xã cũng như các xã lân cận, gia đình nào mỗi lần có người mẹ sinh mà chết, đứa bé sắp đưa đi chôn đều chạy đến nhờ ông giúp đỡ, nói với người làng để cứu đứa trẻ.

Đến nay, vợ chồng ông đã cứu gần chục đứa trẻ suýt bị chôn sống. Cũng nhờ thế, mà người dân ở nhiều làng không còn giữ luật tục hà khắc ấy nữa. Bây giờ, nếu người mẹ có chết, họ cũng giữ đứa bé chứ không như trước đây”. 

Bây giờ, ông Hới đã 89 tuổi đời, là thương binh 3/4. Bà My 74 tuổi. Tuổi đã cao, sức yếu nhưng bà My vẫn chăm chỉ lao động phát triển kinh tế. Bà vẫn là cán bộ phụ nữ giúp những người dân trong làng còn khó khăn và tuyên truyền kiến thức cho người dân, giúp họ xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. 

 
Ông Trần Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND xã Ia Ko, cho biết: “Vợ chồng ông Hới đều là cán bộ lão thành gương mẫu. Ông bà làm rất nhiều việc thiện giúp bà con trong vùng và trước đây từng cứu giúp nhiều đứa trẻ thoát khỏi cái đói và cái chết. Cũng nhờ ông bà đi đầu mà người dân đã dần xóa bỏ luật tục hà khắc chôn sống con theo mẹ ở địa phương và nhiều vùng lân cận”.

Tác giả bài viết: Nhuận Oanh

Nguồn tin: