Sử dụng hình ảnh trẻ em - Liệu luật có “đá nhau”?
- 10:05 29-06-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kể từ khi Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017, mặc dù nội dung luật có rất nhiều vấn đề mới liên quan thiết thực đến trẻ em, nhưng dường như quy định về sử dụng hình ảnh là vấn đề chiếm được nhiều sự quan tâm nhất của nhiều tầng lớp xã hội. Hiểu theo Luật Trẻ em, việc sử dụng hình ảnh của trẻ sẽ bị hạn chế, dù bất cứ mục đích gì. Trong khi đó theo Bộ luật Dân sự, quyền hình ảnh tuy là quyền nhân thân bất khả xâm phạm nhưng cũng có những ngoại lệ nhất định. Vậy luật “có đá nhau”?
Chụp một bức ảnh phải xin phép cả nghìn gia đình
Là phóng viên làm mảng giáo dục ở một tờ báo địa phương, chị Nguyễn H. băn khoăn đặt câu hỏi từ sau Luật Trẻ em có hiệu lực, chị sẽ tác nghiệp thế nào với những bài báo viết về phong trào thể dục thể thao ở trường, chị chụp ảnh cả trường gần nghìn học sinh đang tập thể dục, hay bài báo viết về các kỳ thi, chị chụp ảnh một nhóm thí sinh đang cắm cúi làm bài…
“Tôi hình dung theo luật tôi sẽ phải xin phép từng em một trong bức ảnh buổi tập thể dục ở sân trường, hoặc phải tạm ngừng buổi thi để tôi xin phép chụp ảnh các thí sinh, nếu tôi không làm thế thì phạm luật nhưng làm theo thì rất khó khả thi”, chị Nguyễn H. bày tỏ.
Vẫn biết rằng việc bảo vệ trẻ em nói chung và trên môi trường mạng nói riêng là cần thiết nhưng cuộc sống luôn có những “ngoại lệ nhất định” như trường hợp của phóng viên Nguyễn H. nói trên và phải xử lý như thế nào với những trường hợp ngoại lệ như thế?
Điều 6 Khoản 11 Luật Trẻ em quy định cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em nêu rõ, từ 1/7/2017, tổ chức, cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.
Cũng theo Nghị định này, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án, hình ảnh cá nhân, thông tin về các thành viên trong gia đình, địa chỉ, nơi ở, trường, lớp...
Như vậy, có thể hiểu theo Luật Trẻ em và Nghị định 56, việc sử dụng hình ảnh của trẻ em vì bất cứ mục đích gì phải có sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Trong khi đó, theo pháp luật dân sự mà cụ thể là Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, quyền hình ảnh là quyền nhân thân. Theo đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Tuy nhiên, BLDS năm 2015 cũng quy định những “ngoại lệ nhất định”, đó là việc “sử dụng hình ảnh trong trường hợp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ”.
Như vậy, với quy định của Luật Trẻ em, BLDS năm 2015 về sử dụng hình ảnh thì liệu luật có “vênh” luật? Và phải chăng từ nay những bức ảnh chụp trẻ em vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của trẻ đã thực sự gặp khó?
Sửa luật hay hiểu đúng luật?
Tại hội thảo với phóng viên báo chí về truyền thông triển khai Luật Trẻ em và những vấn đề về trẻ em diễn ra ngày 22/5/2017 do Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH tổ chức, khi phóng viên đặt câu hỏi hiểu như thế nào về sử dụng hình ảnh trẻ em nếu so sánh hai quy định của Luật Trẻ em và BLDS, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em đã trả lời: “Việc bảo vệ trẻ em là rất quan trọng và việc các luật khác phải sửa đổi, bổ sung để tương thích với quy định của Luật Trẻ em là cần thiết”.
Trước thông tin gây chú ý và không ít hoang mang cho các bậc phụ huynh, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho hay mọi người nên hiểu luật một cách đầy đủ chứ không nên cứng nhắc nghĩ cha mẹ đăng ảnh con lên mạng là vi phạm pháp luật.
Trên thực tế các thông tin về nhận dạng đặc biệt hoặc quyền thừa kế, thừa hưởng của trẻ từ ông bà, cha mẹ nên được giữ kín, chứ việc gia đình đi chơi, du lịch mà cha mẹ đăng bức ảnh có mặt con lên mạng bị hiểu sẽ phạm luật là không đúng. Quan điểm của Cục Trẻ em là để đảm bảo bí mật đời sống riêng tư và bí mật cá nhân của trẻ em thì các quy định của luật phải được hiểu một cách đầy đủ chứ không nên hiểu một cách máy móc.
“Từ 1/6, nếu trẻ từ 7 tuổi trở lên, cha mẹ cần hỏi ý kiến, nếu trẻ chưa đủ 7 tuổi thì cha mẹ có quyền quyết định, nhưng phải xem xét dựa trên mục tiêu vì sự phát triển tốt nhất của trẻ. Hiện tại chúng tôi mới đề nghị các cơ quan sửa lại luật xử lý vi phạm hành chính, theo hướng quy định phạt bao nhiêu, gỡ thông tin thế nào. Sau đó, cần phải quy định cụ thể trong một nghị định hướng dẫn mới xử lý được” - ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em. l“Liên quan đến vấn đề hình ảnh của trẻ em, cơ quan quản lý nhà nước cần có văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể trường hợp nào cần xin phép và những trường hợp nào không phải xin phép. Khi có những hướng dẫn cụ thể như vậy sẽ tránh được sự hoang mang của người chấp hành luật cũng như hạn chế được các hành vi lạm dụng quy định để làm những việc không vì mục đích tốt đẹp” - PGS.TS Nguyễn Văn Cừ - Trưởng khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội. |
Tác giả bài viết: Hồng Minh
Nguồn tin: