Hoàn cảnh gia đình đặc biệt của thiếu nữ 10X Việt mang vẻ đẹp lai
- 14:09 28-06-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống, Sandra Danuta cảm nhận được điều quý giá nhất với mỗi người chính là hơi ấm gia đình.Thiếu nữ mang nét đẹp lai nhận mình không phải là công chúa vì thế chẳng có lý do gì để kiêu kì hay cho phép mình nổi trội hơn ai khác.
Khi nhắc đến con lai, người ta nghĩ đến chuyện cô bé đó, hay chàng trai nọ có nhan sắc nổi bật, một đời sống vật chất khá giả vì: "Bố nó, mẹ nó là Tây cơ mà!".
Nhưng có lẽ chúng ta đã quá hời hợt khi đóng khung suy nghĩ của mình ở đó. Có những thiệt thòi không phải ai cũng hiểu hay được nếm trải nếu không được sinh ra trong gia đình có bố hoặc mẹ là người ngoại quốc.
Với Sandra Danuta (sinh năm 2001, tại TP. Vinh, Nghệ An) cuộc sống của một đứa con lai không hề dễ dàng. Đã 5 năm trôi qua, cô bạn không được gặp mẹ.
Khoảng trống tình thương ấy chưa được lấp đầy thì năm 2016, người bố yêu thương cũng rời bỏ cô. Ông ra đi sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư gan. Đám tang của bố chỉ có hai anh em cô tiễn đưa, người mẹ ngoại quốc đã không kịp về.
Sandra Danuta, thiếu nữ mang dòng máu lai Việt - Ba Lan có hoàn cảnh riêng đặc biệt.
Từ ngày bố mất, thiếu nữ 16 tuổi sống cùng anh trai (sinh năm 1999) trong ngôi nhà cũ bố để lại. Thỉnh thoảng, Sandra nhận được tiền trợ cấp của mẹ ở nước ngoài gửi về.
Sandra tâm sự: "Mẹ và mình đều có công việc nên gần như đến cuối tuần hai mẹ con mới có thời gian nói chuyện với nhau, qua Facebook hoặc điện thoại.
Mình chưa bao giờ được đến nơi của mẹ sống. Mình cũng muốn sang thăm mẹ lắm nhưng bây giờ chắc chưa có điều kiện...".
Mẹ Sandra đang sống tại quê hương bà, Ba Lan.
Nàng công chúa không sống trong nhung lụa
Bố Sandra là người Việt. Ông sang Đức làm ăn và gặp người phụ nữ của đời mình - mẹ Sandra. Khi ấy, bà là một cô gái Ba Lan xinh đẹp, mái tóc vàng óng, đôi mắt xanh lơ và sống mũi thẳng tắp.
Tình yêu của người đàn ông Việt và cô gái ngoại quốc đơm hoa kết trái tại Đức.
Một năm sau khi sinh con trai đầu lòng (anh trai Sandra), cô gái Ba Lan theo chồng về Việt Nam.
Sandra lớn lên thừa hưởng nhiều nét đẹp lai pha trộn. Tuổi thơ của cô bạn ngập tiếng cười. Cô bé lai là công chúa nhỏ của cả xóm, được các bác các dì cưng lắm vì trông lúc nào cũng xinh xắn như búp bê. Mắt Sandra to tròn, sâu thẳm và long lanh như có nước.
Chiếc mũi cao thừa hưởng từ mẹ khiến cô bạn nổi bật hẳn so với tụi con nít trong xóm. Càng lớn, Sandra càng trở nên cuốn hút.
Sandra Danuta thừa hưởng nhiều nét đẹp từ người mẹ.
"Mình có một cuộc sống bình thường. Mình không sống trong nhung lụa nên chẳng kiêu kì với bất kỳ ai, cũng không bao giờ tỏ ra mình nổi trội hơn. Có lẽ cũng vì vậy mà mình có nhiều bạn bè lắm!", Sandra chia sẻ.
Bố Sandra mở một cửa hàng cầm đồ, mẹ cô nói tiếng Việt khá sõi và kinh doanh mặt hàng lưu niệm.
Cuộc sống gia đình không êm đềm. Bố mẹ thường xuyên xảy ra bất hòa vì những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Dẫu thế, với Sandra, khoảng thời gian được sống cạnh bố mẹ là những hồi ức ngọt ngào nhất mà chẳng thể nào cô bạn tìm lại được nữa.
Sandra nhớ những phút giây gia đình sum họp, thèm được đón giao thừa bên bố mẹ.
Sandra nghẹn ngào khi được nói ra những tâm tư giấu kín: "Mình luôn tỏ ra bình thản bên ngoài nhưng thực ra, trong lòng mình nhớ bố mẹ nhiều.
Đôi lúc thấy bản thân sống rất thiếu thốn tình thương. Khi đi đường hay lướt qua những nơi gợi nhớ đến gia đình, mình đều cay mắt. Nó làm mình nhớ đến gia đình nhỏ của mình ngày xưa rất nhiều"
"Nhớ nhất có lẽ là đêm giao thừa. Năm ngoái, bố qua đời rồi nên hai anh em mình đón giao thừa lặng lẽ lắm. Hai đứa cũng chỉ biết sắp xếp đồ cúng, xong thức đến gần sáng thì đi ngủ chứ cũng chẳng biết làm gì khác", Sandra nói thêm.
Món quà cuối cùng trước lúc bố mất
Là con gái lại sống xa vòng tay mẹ, Sandra tự bắt mình phải cứng cỏi, gan lì như con trai vậy. Ở tuổi 15, 16, cô bạn cũng muốn khẳng định cái tôi của mình, cũng theo bạn bè xỏ khuyên. Sở thích của con gái từng khiến bố cô cảm thấy rất phiền lòng.
Với sự vụng về của một người cha, ông chẳng biết phải khuyên bảo hay dỗ ngọt thế nào để con gái nghe và hiểu lòng mình.
Một ngày nọ, Sandra vào phòng đưa cơm cho bố. Ông bất ngờ rút từ trong túi ra một chiếc điện thoại mới và nói với con gái rằng: "Hãy coi đây như món quà cuối cùng bố tặng con".
Sandra cầm lấy và vui mừng ngỡ như muốn nhảy cẫng lên. Tối hôm ấy, cô bạn tiết lộ với bố: "Bố ơi con lại xỏ khuyên đấy!". Bố chỉ cười dù trước đây, ông phản đối kịch liệt chuyện ấy.
Đêm đó trôi qua trong bình lặng và Sandra chẳng ngờ được lúc bố bình thản chấp nhận sở thích xỏ khuyên của mình cũng là khi ông biết chẳng còn nhiều thời gian bên con gái. Sáng hôm sau trước khi đi làm, Sandra vào thăm bố vẫn thấy ông đang ngủ.
Một lúc sau có người gọi điện đến báo bố đã nhập viện. Sandra đến nơi thì bố đã hôn mê và qua đời không lâu sau đó.
Trước khi mất, bố Sandra đã tặng một món quà cho con gái và khiến cô thay đổi sở thích xỏ khuyên.
Từ ngày bố qua đời, Sandra đã từ bỏ luôn những chiếc khuyên.
Anh trai Sandra hiện là thợ xăm mở tiệm xăm tại nhà. Hết xong lớp 9, Sandra thôi học. Cô bạn đang làm makeup cho một studio ở TP. Vinh.
Sandra muốn giữ kín lý do mình nghỉ học sớm. Khi nghĩ đến quyết định ấy, cô bạn thấy tiếc nuối vì chẳng thể nào khoác lên mình chiếc áo dài trắng, không biết cảm giác bồi hồi trong lễ trưởng thành, ngày ra trường... như những bạn trẻ khác.
"Họ hàng giúp đỡ hai anh em nhiều thứ lắm, từ chi phí học nghề đến đồ đạc, tất cả mọi thứ bọn mình thiếu.
Ngày xưa khi mẹ ở cạnh, mình cần gì hay xin tiền mẹ nhưng từ lúc mẹ đi, mình ngại không muốn xin bố. Mình vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền mua những đồ dùng cần thiết. Tự lập như vậy lâu rồi thành quen.
Đến bây giờ dù được mọi người xung quanh giúp đỡ nhưng mình vẫn muốn kiếm đồng tiền riêng, sống không phụ thuộc vào ai", 10X nói.
Hiện Sandra có hơn 21.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Ngoài công việc makeup cô bạn còn làm mẫu ảnh cho một số nhiếp ảnh ở Vinh. Thần thái của Sandra trong các bộ ảnh khiến người xem có cảm giác buồn đến nao lòng.
Những bức ảnh của Sandra gợi cảm giác buồn man mác cho người xem.
Tác giả: Lê Ái
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ