Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đột kích "trung tâm đẻ thuê" của Ấn Độ

Theo nguồn tin mật báo, cảnh sát tiểu bang Telangana, Ấn Độ đã đột kích Trung tâm sản khoa Kiran ở khu Banjara Hills, thuộc thành phố Hyderabad của bang này hôm 17-6 và phát hiện cơ sở này tổ chức hoạt động “đẻ thuê” với 47 phụ nữ mang thai phải sống trong điều kiện tồi tệ.
4 năm hoạt động không phép, Trung tâm sản khoa Kiran thực hiện ít nhất 300 giao dịch “mang thai hộ”

Vụ đột kích được thực hiện với sự phối hợp của các cơ quan y tế của Hyderabad. Các thai phụ chủ yếu đến từ vùng đông bắc Ấn Độ, đặc biệt có một phụ nữ Nepal thực hiện hợp đồng với lời hứa được trả khoảng 400.000 rupee (tương đương 6.000 USD). 

Hoạt động 4 năm không hề có giấy phép

“Họ sống trong những căn phòng nhỏ ở 2 tầng của trung tâm. Có những phòng lớn đông người mà tất cả chỉ được dùng chung 1 nhà vệ sinh”, điều tra viên B. Limba Reddy nói với Reuters. The New Indian Express đưa tin, những người mẹ làm nhiệm vụ đẻ thuê phải ở trong trung tâm này suốt 9 tháng, cho đến khi đứa trẻ ra đời. Họ được cung cấp thực phẩm, thuốc men và 10.000 rupee cho phụ cấp sinh hoạt hàng tháng.

Qua sàng lọc, các bà mẹ “đẻ thuê” ở đây đều từ 21-30 tuổi, hầu hết đã ly dị hoặc ly thân. Luật pháp Ấn Độ hiện nay quy định, chỉ các cặp vợ chồng lấy nhau 5 năm mà không có con mới được phép nhờ mang thai hộ nhưng trong số 47 thai phụ nói trên, ít nhất 15 trường hợp mang thai cho người sống đơn thân. 

Nhà chức trách phát hiện ra rằng, tổ chức này hoạt động 4 năm nay nhưng không hề có giấy phép. Theo Timesofindia, nơi này cũng lưu trữ rất ít tài liệu về các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy vậy, cơ quan chức năng nghi ngờ bệnh viện đến nay đã thực hiện ít nhất 300 giao dịch “đẻ thuê”. Lực lượng đặc nhiệm đang khảo sát mối liên hệ giữa phòng khám này với các cơ sở khác ở Chennai, Mumbai, Bangalore và Delhi.

Thực tế, những phụ nữ “đẻ thuê” này đã được trả khoảng 1/4 so với tổng số tiền mà trung tâm thu được từ khách hàng. “Qua môi giới, họ được hứa hẹn trả 50.000 rupee nhưng khi tới trung tâm, số tiền đã bị giảm đi một nửa. Một số thai phụ đã ở tháng thứ tám và có thể sinh con bất cứ lúc nào”, bà GK Sunanda, cơ quan phúc lợi xã hội của Hyderabad cho biết. 

Chưa rõ số phận các bà mẹ “đẻ thuê”

Theo các chuyên gia, khoảng 12% dân số của Hyderabad bị vô sinh, nguyên nhân rất đa dạng từ căng thẳng trong cuộc sống, lối sống buông thả đến môi trường ô nhiễm và nguồn thức ăn. Với những cặp vợ chồng vô sinh, Hyderabad đã trở thành trung tâm du lịch sinh sản của Ấn Độ suốt 15 năm qua. 

Trang Sundayguardianlive.com phân tích, đó là bởi Hyderabad có một số lượng lớn các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật sinh sản, các phương án điều trị giá cả phải chăng, nơi tập trung các chuyên gia về sản khoa và nguồn cung dồi dào các bà mẹ mang thai hộ đến từ các vùng lân cận.

Ngành kinh doanh về sản khoa ở Hyderabad có tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 10% mỗi năm. Tất nhiên, có những lo ngại rằng ngành công nghiệp này có thể lạm dụng phụ nữ nghèo. So với các bà mẹ đại diện ở các nơi khác trên thế giới, phụ nữ “đẻ thuê” ở đây chỉ được nhận không quá 25% tổng chi phí của hợp đồng. Người ta cũng sợ rằng dịch vụ mang thai hộ có thể vượt quá kiểm soát khi người ta cố tình lạm dụng để thu được lợi nhuận cao hơn. 

Vụ việc cũng đặt ra vấn đề mang tính xã hội và pháp lý cần giải quyết. Đó là sau những đợt truy quét các cơ sở “đẻ thuê” bất hợp pháp, tương lai của những thai phụ liên quan sẽ ra sao? Có lẽ sẽ không nhiều “bố mẹ đẻ của bào thai” quay trở lại nhận con sau khi trung tâm rơi vào “tâm bão” nên các thai phụ có thể sẽ trắng tay, không nhận được khoản tiền như đã hứa. Các thai phụ mang thai từ 7 đến 9 tháng hiện đã được chuyển sang những nơi tốt hơn và nhà chức trách đang lên kế hoạch vận động từng cặp cha mẹ đến trình diện để xem họ có phù hợp với tiêu chuẩn quy định hay không.  

Được mệnh danh là “trung tâm đẻ thuê” của thế giới trong nhiều năm, lĩnh vực “đẻ thuê” - vốn được hợp pháp hóa từ năm 2002 đã đem lại cho Ấn Độ khoảng 2,3 tỷ USD mỗi năm. Riêng 2 bang Telangana và Andhra Pradesh điều trị cho khoảng 30.000 cặp vợ chồng vô sinh mỗi năm.

Tác giả bài viết: Yến Chi

Nguồn tin: