Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Theo dấu chân voi rừng Nghệ An

Với khoảng 15 con được ghi nhận, Nghệ An có số lượng voi hoang dã đông thứ 2 cả nước, chỉ sau Đắk Lắk - nơi vốn được xem là thủ phủ của voi ở Việt Nam.
1images1936703 k1
Trước tình trạng bị săn bắn lấy ngà và môi trường sống bị xâm hại, Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 70 đến 130 con voi hoang dã. Trong đó, chỉ 3 tỉnh có quần thể voi tốt nhất, sống quy mô theo đàn vì vẫn giữ được vùng sinh cảnh là Đắk Lắk (khoảng 83 đến 110 con), Nghệ An (khoảng 13 đến 15 con) và (Đồng Nai khoảng 10 con). Voi ở Nghệ An chủ yếu sinh sống trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Bức ảnh được chụp từ năm 2001 tại khu vực tây bắc Pù Mát. Đàn voi ở khu vực này có ít nhất 5 con được ghi nhận. Ảnh. VQG Pù Mát cung cấp.

2images1936704 k2
Theo ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, để có được những bức ảnh này, cán bộ của vườn đã đặt bẫy ảnh trong suốt 4 năm. Trong ảnh là một con voi đực được chụp bẫy máy ảnh từ 16 năm trước. Hiện nay, Nghệ An có khoảng 6 đàn voi hoang dã. Tuy nhiên, chỉ có 2 đàn sống theo quần thể. Các đàn khác chỉ còn lại một con sống đơn lẻ. Ảnh. VQG Pù Mát cung cấp.

3images1936706 k3
Theo ông Cường, đàn voi này sống ở địa phận thuộc hai xã Tam Hợp và Tam Quang, cách khu vực có người dân sinh sống hơn một ngày đi bộ. Vì vậy, rất hiếm khi đàn voi đụng độ với người dân. "Từ năm 1998, chúng tôi đã đặt bẫy máy ảnh nhưng chỉ một lần duy nhất ghi lại được. Từ đó đến nay, chúng tôi chỉ ghi nhận đàn voi này theo dấu chân để lại trong những cánh rừng sâu. Số lượng đàn dường như không thay đổi", ông Cường nói. Đây cũng là đàn voi hiếm hoi ở Nghệ An không xảy ra xung đột với con người. Ảnh. VQG Pù Mát cung cấp.

4images1936707 k4
Cách đàn voi 5 con ở tây bắc Pù Mát khoảng 2 ngày đi bộ là con voi cái đang tuổi sinh đẻ. Con voi này hiện sống ở trung tâm Vườn quốc gia, thường xuyên xung đột với con người. "Trước đây, đàn voi có 2 con nhưng năm 1996, con voi đực bị giết hại. Từ đó đến nay, con voi này sống đơn lẻ gần khu vực thác Khe Kèm. Cứ đến mùa động dục nó lại thường đến các bản làng quấy phá. Không có voi đực, nó thường xuyên tìm các con trâu đực lớn của người dân rồi giữ lại trong rừng", ông Cường cho hay. Trong ảnh là cảnh con voi cái đã "bắt giữ" một trâu đực của người dân xã Chi Khê vào tháng 8/2016. Ảnh. VQG Pù Mát cung cấp.

5images1936758 k5
Con voi cái đơn lẻ nhiều lần được ghi nhận ra khỏi rừng, quật ngã biển báo giao thông, thậm chí những lán trại, nhà dân gần đó. "Khi chúng tôi làm con đường vào thác Khe Kèm, con voi này liên tục ra quấy phá. Lán trại dựng lên là nó đến quật ngã", ông Cường cho hay. Ảnh. VQG Pù Mát cung cấp.

6images1936760 k6
Thường xuyên đụng độ với người dân nhất phải kể đến đàn voi 6 con sống ở phía đông nam Vườn Quốc gia Pù Mát. Theo người dân xã Phúc Sơn (Anh Sơn), trước đây họ và đàn voi sinh sống hòa bình. Tuy nhiên, năm 2009, những cánh rừng nứa vốn là thức ăn và là nơi sinh sống của voi bị chặt phá để trồng cao su, đàn voi liên tục ra quấy phá, tìm thức ăn. Đỉnh điểm là sau năm 2010, khi con voi đực đầu đàn bị bắn chết để lấy ngà. "Môi trường sống bị xâm hại, không còn thức ăn nên chúng thường ra các bản như Vều 1, Vều 2... để tìm thức ăn. Đàn voi này thường xuất hiện theo chu kỳ, vào mùa thu hoạch mía, từ tháng 10 trở đi", ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn nói. Ảnh. Đặng Dương

7images1936774 l
Tháng 5/2011, anh Vi Văn Sinh (trú xã Lục Dạ, Con Cuông), cùng vài người khác đến bản Vều dựng lán phát rẫy trồng cao su thuê. Nửa đêm, trong lúc đang ngủ say thì đàn voi hung hăng xông vào phá lán trại, quật chết anh Sinh và làm một người khác bị thương. Từ đó đến nay, đàn voi này liên tục quấy phá. "Đến nay đã có 2 người bị đàn voi này quật chết và nhiều người khác bị thương. Nó thường xuất hiện khi mía người dân trồng sắp đến mùa thua hoạch", Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn nói. Ngoài quấy phá ở xã Phúc Sơn, đàn voi này cũng thường xuống khu vực xã Thanh Đức, Hạnh Lâm của Thanh Chương tàn phá hoa màu người dân.Trong ảnh là lán trại nơi anh Vi Văn Sinh bị voi quật chết. Ảnh: VQG Pù Mát cung cấp.

8images1936777 k8
Nơi vốn là cánh rừng nứa ở bản Vều bị chặt hạ năm 2009, nguyên nhân khiến đàn voi nổi giận. Ngoài 3 đàn voi với khoảng 12 con ở Pù Mát, tỉnh Nghệ An còn có 3 con voi sống đơn lẻ ở xã Xá Lượng (Tương Dương), Bắc Sơn (Qùy Hợp) và một con khu vực huyện Quế Phong giáp ranh với Thanh Hóa. Trong đó, con voi cái ở xã Bắc Sơn thường xuyên xung đột với người dân, quật bị thương nhiều người. Ảnh. VQG Pù Mát cung cấp.

9images1936779 k9
"Qua theo dõi những đàn voi, chúng tôi nhận thấy các con voi đơn lẻ thường có xu hướng di chuyển để nhập với các đàn khác. Tuy nhiên, do bị ngăn cách bơi sông suối nên nhiều năm qua nó vẫn chưa gặp gỡ được. Chúng tôi đang có kế hoạch dẫn dụ, đưa các con voi đơn lẻ đến khu vực sông cạn để chúng có thể nhập đàn mới, sinh sản nhằm tăng sống lượng", ông Trần Xuân Cường nói. Để bảo tồn voi hoang dã, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Tổng thể bảo tồn voi giai đoạn 2013 - 2020, trong đó Nghệ An là một trong 3 vùng ưu tiên quy hoạch bảo tồn và phát triển voi bền vừng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn, đề án này vẫn chưa mang lại hiệu quả. Ảnh. Đặng Dương

 
Tác giả: Tiến Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An