Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


18 ngày ‘cân não’ cứu hai mẹ con sản phụ bị bệnh lý tim-sản phức tạp

Một phụ nữ bị bệnh thấp tim đã thay van 2 lá nhân tạo cách đây 4 năm, nay đang trong giai đoạn mang thai lại rơi vào tình trạng kẹt van nhân tạo ở tuần thai thứ 32. Thông thường, bác sĩ sẽ phải đình chỉ thai nghén để cứu lấy tính mạng người mẹ, nhưng thật bất ngờ, các bác sĩ Viện Tim mạch Việt Nam (BV Bạch Mai) đã giành giật sự sống thành công cho cả mẹ lẫn con.
Một bé gái nặng 2,2kg chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ bến, song ít ai biết được rằng để có được ‘quả ngọt’ ấy, những người thầy thuốc áo trắng đã phải lao tâm khổ tứ biết nhường nào…

Hành trình kéo dài tuổi thai cứu sống con, mổ thay van tim cứu sống mẹ

TS.BS Phạm Thị Tuyết Nga, Trưởng phòng C2 – Khoa Điều trị tích cực, Viện Tim mạch cho biết, bệnh nhân (BN) nữ L.T.Ng, 25 tuổi, quê Nghệ An, bị bệnh lý thấp tim đã thay van 2 lá nhân tạo tại BV địa phương cách đây 4 năm. BN vẫn uống thuốc đều đặn, theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe ở BV tỉnh.

Đến tuần thai thứ 32, BN đột nhiên xuất hiện khó thở, khó thở tăng dần khi đi lại. BN đến khám tại BV địa phương, kết quả siêu âm chẩn đoán kẹt van nhân tạo ở tuần thứ 32. Sau đó BN nhanh chóng được chuyển đến Viện Tim mạch trong tình trạng khó thở nhiều, nhịp tim nhanh 100-110lần/phút.

Tuy nhiên, các bác sĩ nhận thấy tiếng van nhân tạo nghe còn khá rõ, phổi nghe vẫn bình thường, huyết áp bình thường, tình trạng khó thở lúc này vẫn chưa phải ở mức dữ dội, phù phổi cấp như các ca bệnh kẹt van tim khác.

 

Trước tình thế BN không quá nguy kịch, lại đang mang thai 32 tuần, kết quả siêu âm kiểm tra thai có trọng lượng khoảng 1,5-1,7kg, bác sĩ điều trị có nghĩ đến phương án trì hoãn việc mổ thay van tim cho người mẹ để có thêm thời gian cho bào thai phát triển. Ngay lập tức, các bác sĩ chuyên ngành Tim mạch và Sản khoa đã cùng hội chẩn và quyết định: Vừa theo dõi chặt chẽ tình trạng của mẹ (liên tục kiểm tra tình trạng khó thở, nghe nhịp tim, siêu âm tim, siêu âm thai, xét nghiệm đông máu 4 giờ - 6 giờ một lần…); vừa tiến hành tiêm thuốc trưởng thành phổi đề phòng trường hợp nếu sinh non thì phổi của trẻ sẽ trưởng thành tốt hơn.

“Rất may mắn, trong suốt khoảng thời gian đó, tình trạng BN tốt lên, mức độ khó thở giảm đi, BN có thể nằm được đầu bằng thoải mái; trong khi thai nhi phát triển tốt và lên cân đều đặn. Tuy nhiên sang đến ngày thứ 17 – cũng là lúc bào thai được 35 tuần tuổi thì BN khó thở rất nhiều, nhịp tim nhanh 140lần/phút, siêu âm tim cấp ngay tại giường thấy chênh áp qua van tăng 4-5 lần so với trước.

Chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo Viện và liên hệ với khoa Sản ngay lập tức mổ cấp cứu lấy ra một bé gái khỏe mạnh nặng 2,2kg.

Phương án số 1 lúc này là mổ lấy thai: thai phải sống và mẹ cũng phải sống. Và đúng là như vậy, việc mổ lấy thai sẽ giảm áp lực động mạch phổi, em bé được lấy ra thì tình trạng khó thở của mẹ cũng giảm dần. Sau đó, khi tính mạng của trẻ đã được an toàn, sản phụ được chuyển về Viện Tim mạch để hồi sức, chuẩn bị cho cuộc mổ thay van 2 lá ngay ngày hôm sau”- TS. Nga chia sẻ.

Đến ngày hôm sau, tình trạng lâm sàng của sản phụ có diễn tiến trở nặng hơn. Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, các bác sĩ quyết định mổ thay van tim cho BN. Và rất vui mừng, chỉ một tuần sau mổ, BN đã khỏe mạnh và xuất viện về với con nhỏ.

Bác sĩ vừa điều trị vừa ‘xin tiền’ giúp bệnh nhân

Nói về ca bệnh này, PGS.TS Tạ Mạnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch cho biết, đây là tình trạng bệnh lý tim và sản, cùng một lúc có hai tính mạng (cả người mẹ và đứa bé) lâm vào tình trạng nguy hiểm. Nguyên nhân là do chứng rối loạn đông máu ở phụ nữ mang thai gây ra, đặc biệt từ tháng thứ 7 trở đi tình trạng tăng đông diễn biến phức tạp hơn.

Trước đây, các bác sĩ Viện Tim mạch đã điều trị cho nhiều sản phụ kẹt van tim, tuy nhiên đa số các ca bệnh đều trong trường hợp mổ cấp cứu ngay lập tức vì mức độ khó thở nhiều chứ không trì hoãn kéo dài được như trường hợp này.

 

“Mặc dù nhìn trên siêu âm, van tim nhân tạo của người mẹ đã bị kẹt nguy hiểm đến thế nhưng dường như người mẹ lại “chấp nhận” được cái van bị kẹt như vậy. Bằng chứng là lẽ ra mức độ khó thở phải dữ dội nhưng ở BN này khó thở ở mức vừa phải; lẽ ra dòng máu chảy qua van rất xiết nhưng xem ra lại thấy không xiết lắm; và lẽ ra người mẹ sẽ phù phổi, thở hổn hển nhưng lại không đến mức như vậy.

Hơn nữa, điều khiến chúng tôi phải cân nhắc đó là tình trạng tuổi thai đang trong ranh giới gần cuối thai kỳ, nếu mổ lấy thai sớm quá thì rất dễ xảy ra rủi ro về sức khỏe cho bé. Chính điều này gây nhiều mâu thuẫn, đấu tranh trong tư tưởng rất quyết liệt của bác sĩ điều trị khiến chúng tôi phải “cân não” - vừa muốn duy trì làm sao cứu được mẹ lại vừa đảm bảo an toàn cho con. Do vậy có thể nói, để duy trì an toàn được tuần thai từ 32 đến 35 tuần, sau đó trẻ chào đời khỏe mạnh, người mẹ mổ thay van thành công là một điều hiếm gặp…”- PGS. Cường phân tích.

Thêm vào đó, các bác sĩ cho biết, trường hợp BN này phải điều trị kéo dài cho đến khi “mẹ tròn con vuông’, trong khi gia cảnh lại quá khó khăn, chỉ có một người mẹ già ngoài 70 tuổi ngày đêm chăm sóc con gái. Chứng kiến hoàn cảnh éo le như vậy, các bác sĩ Viện Tim mạch vừa phải điều trị tốt cho BN, mặt khác lại phải liên hệ với Phòng Công tác xã hội của BV để tìm nguồn kinh phí cho cuộc phẫu thuật cứu cả mẹ và con.

Trong cuộc trò chuyện với các y bác sĩ, chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe những lời chia sẻ tự đáy lòng của những người thầy thuốc áo trắng: “Bất kỳ bác sĩ nào cũng muốn cứu chữa tối đa cho người bệnh của mình, không thể vì họ quá nghèo khó, không có tiền mà bỏ mặc hay buông xuôi. Và với mỗi BN mà bác sĩ trực tiếp điều trị, họ phải lao tâm khổ tứ rất nhiều, chấp nhận hi sinh, vất vả để đạt mục đích cuối cùng là cứu được người - không phải chỉ riêng cứu mẹ hay cứu con như trong trường hợp BN này”.

 
Tác giả: Dương Hải
Nguồn tin: Theo Sức khỏe & Đời sống