Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thanh Chương: Mất hàng trăm triệu vì bị lừa XKLĐ

Sau khi nhận hơn 280 triệu đồng tiền đặt cọc của 12 lao động ở huyện Thanh Chương với hứa hẹn đưa qua nước ngoài làm việc, đại diện Công ty Leesco liền “bặt vô âm tín”. Sau gần 4 năm tố cáo, hiện nay người dân mới chỉ nhận lại được hơn 100 triệu đồng.
Người dân lao đao

Trong căn nhà xập xệ ở thôn Tiên Kiều, xã Đồng Văn (Thanh Chương), ông Trần Đình Duất (63 tuổi) cho biết, gia đình ông đã quá mệt mỏi sau gần 4 năm đi đòi tiền đặt cọc từ công ty xuất khẩu lao động. Con trai đi làm ăn xa, con dâu của ông Duất là chị Trịnh Thị Minh (27 tuổi), sau khi không xuất ngoại được, đã phát bệnh, hiện phải điều trị tại bệnh viện.

Chị Minh là 1 trong 12 lao động ở huyện Thanh Chương được Công ty cổ phần dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hóa (Công ty Leesco) cam kết đưa qua Đài Loan làm việc, nhưng sau khi nhận tiền đặt cọc, công ty “cao chạy xa bay”. “Hoàn cảnh khó khăn, thấy họ bảo sang Đài Loan làm việc lương cao, nên vợ chồng tôi cũng đi vay họ hàng được 50 triệu đồng cho con dâu đi. Nhưng ai ngờ, con không xuất ngoại được, còn mình lại lâm vào cảnh nợ nần” - ông Duất nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giữa năm 2013, Công ty Leesco được các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An giới thiệu về tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện Thanh Chương. Lúc này, chính quyền các xã tổ chức họp dân rồi thông báo trên loa truyền thanh tuyên truyền giúp công ty. Sau khi tư vấn, công ty này tuyển được 12 lao động, trong đó nhiều nhất là ở xã Đồng Văn với 7 người, xã Hạnh Lâm, Thanh Thủy mỗi xã 2 người và xã Thanh Ngọc 1 người. Tháng 9/2013, 12 lao động được cán bộ tuyển dụng của Công ty Leesco đưa xuống TP. Vinh đào tạo và làm các thủ tục. Các lao động này chủ yếu đăng ký đi làm việc tại thị trường Đài Loan với chi phí 130 triệu đồng/người.

700 stamp 1
Ngôi nhà của chị Trịnh Thị Minh ở xã Đồng Văn (Thanh Chương), 1 trong 12 lao động bị công ty nợ tiền. Ảnh: Tiến Hùng

“Tháng 10/2013, trong quá trình học tiếng, ông Hà Văn Tài, cán bộ tuyển dụng của Công ty Leesco yêu cầu mỗi người nộp 10,5 triệu đồng đặt cọc. Riêng tôi và 3 người nữa được ông Tài thông báo đã có đơn hàng ở Đài Loan, nên phải nộp thêm 40 triệu đồng để chuẩn bị bay. Sau khi đã đưa tiền cho ông Tài, người này hẹn 4 chúng tôi ra Hà Nội để tuyển chọn. Tuy nhiên, khi chúng tôi ra tới nơi, liên tục điện thoại vào máy của ông Tài thì không liên lạc được” - anh Trần Đình Lợi (34 tuổi, thôn Luân Phượng, xã Đồng Văn) kể lại.

Chờ đợi một ngày ở khách sạn nhưng vị đại diện công ty vẫn “bặt vô âm tín”, 4 lao động sau đó phải bắt xe về quê. Lúc này, số tiền mà người dân đã đặt cọc tại công ty là hơn 280 triệu đồng. “Đó là chưa kể những chi phí đi lại, ăn ở rồi nộp học phí của chúng tôi suốt 2 tháng đào tạo” - anh Lợi nói thêm. 

Đùn đẩy trách nhiệm

Mất lòng tin vào công ty, người lao động nhiều lần liên hệ để đòi lại tiền nhưng người của công ty này lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Chương, cuối năm 2013, khi bắt gặp ông Tài và ông Nguyễn Ngọc Gấm - Phó Giám đốc Công ty Leesco đang có mặt tại văn phòng công ty này ở phường Vinh Tân (TP. Vinh), một số lao động đã chất vấn và yêu cầu đối thoại. Lúc này ông Gấm cho hay, do ông Hà Văn Tài đã tự ý chỉ đạo cán bộ thủ quỹ thu tiền của người lao động khi chưa có chủ trương của công ty. Ông Tài lại cho rằng, việc ông làm là do chỉ đạo của công ty và đã bàn giao hồ sơ cho ông Gấm. Nhận thấy công ty này có dấu hiệu bất thường, người lao động đã đến trình báo Công an phường Vinh Tân, thành phố Vinh (nơi công ty tạm trú và dạy học). Tuy nhiên, sau đó người của công ty đã bỏ đi khỏi địa bàn.

“Phần lớn 12 lao động không xuất cảnh được hiện đã phải vào miền Nam làm thuê, chỉ còn tôi và chị Minh là vẫn ở quê. Ai nấy giờ nghe nhắc đến “xuất khẩu lao động” cũng sợ. Dù sao trường hợp của tôi còn may mắn, cũng nhận lại được hơn 25 triệu đồng trong tổng số 50,5 triệu đồng đã đóng. Hiện công ty còn nợ chúng tôi hơn 170 triệu đồng, trong đó người nhiều nhất hơn 50 triệu đồng, người ít thì hơn 5 triệu đồng” - anh Trần Đình Lợi cho hay. 

Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, sắp tới Sở sẽ cử đại diện trực tiếp ra Thanh Hóa để làm việc với Công ty Leesco, yêu cầu công ty này trả lại số tiền đã nhận của người dân. Ông Đặng Cao Thắng nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi công văn đề nghị họ trả lại tiền cho người dân, nhưng vẫn chưa nhận được sự hợp tác. Lần này, nếu họ vẫn không trả thì chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an”.

Công ty Leesco đóng trụ sở chính tại Thanh Hóa, vào thời điểm nhận tiền cọc của các lao động ở huyện Thanh Chương, đây là công ty Nhà nước, trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa. Tuy nhiên, hiện nay công ty này đã được cổ phần hóa, thay đổi phần lớn lãnh đạo. “Riêng ông Hà Văn Tài, người nhận tiền từ 12 lao động hiện đã bị công an bắt trong một vụ án khác. Lãnh đạo công ty này thì đổ lỗi cho ông Tài nhưng làm thế không được, dù sao lúc đó ông này cũng là cán bộ của công ty, công ty phải chịu trách nhiệm” – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An bày tỏ quan điểm.

 
Sau nhiều lần gửi đơn tố cáo, nửa năm sau, ngày 9/5/2014, ông Lê Văn Tình - Giám đốc Công ty Leesco cam kết với chính quyền địa phương và cơ quan liên quan, hạn cuối đến ngày 20/6/2014 sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã thu cũng như giấy tờ liên quan cho các lao động. Tuy nhiên, đến hạn chót, người dân vẫn không hề nhận được tin tức gì. Mãi đến tháng 9/2014, 9 lao động ở xã Đồng Văn và Thanh Thủy được gọi lên để công ty hoàn trả tiền nhưng cũng chỉ nhận được một nửa số tiền mà họ đã đóng trước đó. Riêng 3 lao động ở xã Hạnh Lâm và Thanh Ngọc đến nay vẫn chưa nhận được đồng nào. Một thời gian sau, người lao động tiếp tục liên hệ ông Tình để đòi lại số tiền còn thiếu nhưng ông này thông báo đã nghỉ làm tại Công ty Leesco, chuyển giao công việc cho người khác.
Tác giả: Tiến Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An