Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bố chồng chuẩn "vàng mười" khiến con dâu cảm động không muốn ra ở riêng

Thời gian thấm thoắt trôi qua rồi cũng đến lúc Nhị phải đi làm lại. Nói đến việc bế cháu ra ở riêng, quay trở lại thành phố, bố chồng Nhị cứ rưng rưng, buồn thiu...
Nhị vác bụng bầu 3 tháng theo Bình về làm dâu ở một tỉnh khác cách nhà tận 200 cây số. Mọi chuyện đã lỡ, cô đành chấp nhận bước theo số phận. Nhị cứ nghĩ, sau này chuyện đời có như nào thì cũng phải cố mà chịu đựng, vì bố mẹ đẻ ở quá xa mà bố mẹ chồng thì chưa biết sẽ thế nào. Nhưng thật may cho Nhị, vì cô đã gặp được gia đình chồng chuẩn “vàng mười” mà đặc biệt là bố chồng.

Ông Hoàng tốt với Nhị đến độ, đôi khi cô cứ nghĩ đó là tình cảm của một người bố dành cho con gái ruột của mình. Và dù cho chồng Nhị vẫn hay chểnh mảng chuyện vợ con, không biết làm một việc gì cả thì Nhị cũng cảm thấy không sao cả vì cô luôn nhận được những sự quan tâm rất đặc biệt khác.

Hồi đầu mới về, trưa nắng nôi, Nhị chứng kiến bố chồng ngồi ngoài bờ ao chỉ để câu cá chép nấu cháo cho con dâu. Nhị nhờ mẹ chồng ra gọi ông vào, thì ông cũng chỉ đáp lại: “Ngồi đây râm mát, tiện thì quăng cần câu kiếm con cá cho con Nhị nó tẩm bổ luôn!”. Rồi đích thân ông nấu cháo vào chiều cho Nhị ăn. Vì vốn trong nhà, ông là người thích nấu ăn nhất.

Đến khi Nhị đi sinh con ở bệnh viện cách nhà 30 cây số, cũng chỉ có mẹ chồng và bố chồng ở bên cạnh túc trực, chăm sóc. Dù ông đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn cứ chạy xe đi về giữa nhà và bệnh viện để nấu đồ ăn, mang những đồ dùng cần thiết cho cả ba bà cháu. Nhị đẻ mổ, phải nằm viện 7 ngày, cũng là chừng ấy thời gian bố chồng chẳng hề quản ngại chuyện đi lại, chạy chỗ này chỗ kia. Còn chồng Nhị cũng chỉ ghé qua ghé lại đôi ba lần rồi lại đi làm.

i14 1498210457009 crop 1498210469436
Ảnh minh họa

Mẹ con, bà cháu Nhị được đưa nhau về nhà, lại càng ngạc nhiên hơn khi bố chồng đã lau dọn nhà cửa, phòng ốc gọn gàng sẵn để đón cháu từ lúc nào. Mẹ chồng Nhị chỉ cười, còn trêu ông: “Ông lau nhà còn mang cả nước xả vải ra lau cho thơm nữa cơ à?” làm ông cũng chỉ cười trừ. Nhị thấy tình cảm gia đình gắn bó như vậy, đôi khi xúc động thật sự.

Rồi trong 3 tháng đầu ở cữ, bố mẹ chồng bắt Nhị không được làm bất cứ việc gì cả. Dù mẹ chồng chân tay rất yếu vì bị bệnh khớp. Cuối cùng, bố chồng lại là người giặt hết tất tần tật áo quần trong nhà. Ông cứ giặt rồi lại cất và hai ông bà tối ngồi xem phim thì tranh thủ xếp gọn, phân chia cho cả nhà. Hễ thấy cái tã nào của cháu bẩn là ông lại vội vàng đi vò và giặt luôn, bảo: “Không giặt để nó khô vào lại càng khó hơn!”.

Bố chồng Nhị còn rất thương cháu. Cứ lúc nào thấy mẹ và bà tắm cho cháu là ông cũng phải loanh quanh trợ giúp. Khi thì lấy giúp quả chanh, lúc lại chuẩn bị chậu nước tắm hay để sẵn áo quần, phấn rôm… cho cháu.

Có những đêm cháu ốm, ông cũng thao thức không ngủ được. Nghe tiếng cháu khóc là ông lại chạy vào phòng đòi bế giúp. Thế nào rồi khi ông à ơi, mang cháu ra nằm võng là cháu lại ngủ rất ngoan. Nhớ lần mang cháu đi khám bệnh vì viêm tai giữa, khi bác sỹ soi tai và rửa tai cho cháu, thấy cháu khóc, ông cũng chảy nước mắt, sụt sùi. Chứng kiến những cảnh như thế, Nhị thật không cầm được lòng.

Thời gian thấm thoắt trôi qua rồi cũng đến lúc Nhị phải đi làm lại. Nói đến việc bế cháu ra ở riêng, quay trở lại thành phố, bố chồng Nhị cứ rưng rưng, buồn thiu. Ông không ngăn cản, nhưng cứ ôm cháu, bế cháu suốt như không muốn rời xa vậy. Mẹ chồng bảo với Nhị: “Bố mày có lúc cứ ngồi thẫn ra, còn rơm rớm nước mắt nữa chứ! Thật là không đâu vào đâu!”.

Nhị nghe mà thấy thương bố chồng vô cùng. Rồi cô lại cứ thấy buồn buồn khi nghĩ đến cảnh mỗi lần ông đi đâu đều vội vội cho xong việc rồi về bế cháu, về đến nhà là í ới: “Bống ơi!”…

Nhưng Nhị biết, cũng không thể sống chung mãi như thế này được. Ở nhà, cô cũng chẳng biết phải làm gì để kiếm ra tiền. Mà để con gái lại cho ông bà chăm, cũng không phải là phương án hay.

Cuối cùng, Nhị quyết định đi ra với chồng, cho gia đình đoàn tụ và có thể bắt đầu cuộc sống tự lập hơn, không thể dựa dẫm mãi vào bố mẹ chồng được. Chỉ cần cô biết, ông bà vẫn sẽ luôn dõi theo và hỗ trợ cháu, vậy là vui rồi!

Tác giả bài viết: Cát Tường

Nguồn tin: