Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tâm sự của những bác sỹ 9X thành thị đầu tiên tình nguyện về huyện nghèo làm việc

Lần đầu tiên, sẽ có 7 bác sỹ trẻ, tốt nghiệp bằng khá, giỏi, được đào tạo chuyên khoa, bài bản tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo nhất trong cả nước.
"Một kèm một" để "trình" lên nhanh, bền

Chiều 22/6, tại buổi cung cấp thông tin về kết quả thực hiện dự án “Thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”, Bộ Y tế cho biết, ngày 28/6 tới, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Bộ Y tế sẽ tổ chức bàn giao 7 bác sỹ trẻ tình nguyện về làm việc tại các huyện nghèo của 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên và Sơn La.

Đây là những bác sỹ đầu tiên của dự án, gồm: 1 bác sỹ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, 1 bác sỹ chuyên ngành ngoại khoa và 5 bác sỹ nhi khoa. Đây đều là những bác sỹ tốt nghiệp Đại học Y loại khá, giỏi..

 
BS Phạm Văn Tuấn trong lần khám chữa bệnh cho bà con vùng cao. Ảnh: NVCC

Theo TS Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), để đảm bảo các bác sỹ trẻ có thể “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, công tác đào tạo được ưu tiên theo hướng “cầm tay chỉ việc” và “một kèm một”, tức là mỗi học viên được một giáo sư đầu ngành tại các bệnh viện tuyến Trung ương kèm cặp, “huấn luyện” trong vòng 2 năm. Trên thực tế, việc đào tạo có thể lên tới 8-9 giáo sư, tiến sĩ đào tạo 1 bác sỹ trẻ.

“Hình thức đào tạo giống như chương trình bác sỹ nội trú. Những bác sỹ sau khi tốt nghiệp 6 năm y khoa, được học chuyên khoa 1 ngay mà không cần thời gian làm việc 2 năm mới được nhận đào tạo chuyên khoa. Các bác sỹ trẻ cũng được cọ xát thực tế tại các bệnh viện tuyến Trung ương và Bệnh viện hạng I” – TS Phạm Văn Tác nói.

Đơn cử, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đào tạo 5 trong số 7 bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn công tác, trong khuôn khổ dự án. ThS Trịnh Ngọc Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, Bệnh viện đã phân công 5 thành viên ban giám đốc Bệnh viện – những chuyên gia hàng đầu trong chuyên ngành Nhi - “kèm” sát sao 5 bác sỹ trẻ này.

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Phạm Minh Thông – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, các học viên theo đào tạo được tham gia giao ban hội chẩn hàng ngày với lãnh đạo khoa, tham gia trực bệnh nhân liên tục nên sau 2 năm đào tạo các bác sĩ có thể làm rất tốt và bài bản tại địa phương.

Nguyện dốc hết kiến thức 8 năm y khoa để chữa bệnh cho bà con vùng khó khăn

Trong số 7 bác sỹ trẻ được bàn giao về làm việc tại các huyện miền núi khó khăn lần này có bác sỹ Cao Thị Hồng Yến (SN 1990, Hà Nội).

 
BS Cao Thị Hồng Yến

2 năm qua, Yến đã được các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai đào tạo, huấn luyện. Từ 28/6 tới, bác sỹ trẻ này sẽ chính thức làm việc tại Bệnh viện huyện Mường Khương (Lào Cai).

Nữ bác sỹ trẻ chia sẻ thật lòng, chị chưa từng một lần đặt chân tới huyện miền núi nghèo Mường Khương và cũng chưa lường hết được những khó khăn mình sẽ phải đối mặt trong hơn 2 năm làm việc tại đây.

"Trước đây, tôi đã tới Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) và cảm nhận được rất rõ những khó khăn về cả kinh tế xã hội, tập quán của người vùng cao. Tất nhiên, vì tôi chưa bao giờ thật sự xa nhà nên cảm giác lo lắng là điều khó tránh khỏi" - BS Hồng Yến nói .

Dù vậy, chị vẫn rất hào hứng và nguyện cống hiến hết sức mình, bằng tuổi trẻ, nhiệt huyết và năng lực, kiến thức đã được đào tạo, rèn luyện suốt 8 năm y khoa.

GS.TS y khoa về chẩn đoán hình ảnh Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau khi được đào tạo rất bài bản, trình độ của BS Cao Thị Hồng Yến lên rất nhanh. Hiện chị có thể đáp ứng được rất tốt tất cả các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.

Một trong 5 nam bác sỹ sẽ được bàn giao về huyện nghèo công tác trong ngày 28/6 tới là Phạm Văn Tuấn (SN 1990, Hải Dương). Tuấn từng tốt nghiệp hạng Giỏi của Đại học Y Hà Nội. Ngày mới ra trường, Tuấn có nhiều lựa chọn công tác tại bệnh viện tỉnh hay ở lại trường làm việc, nghiên cứu… nhưng anh quyết tâm tham gia dự án "Thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" mà không quá nhiều đắn đo.

“Cái được lớn nhất, có thể nói không gì đánh đổi được với sinh viên ngành y, đó là được đào tạo chuyên khoa ngay sau khi ra trường. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi được cử riêng một giáo sư quan tâm, kèm cặp nên tay nghề lên rất nhanh”, Tuấn lý giải.

BS Hồng Yến sẽ có 2 năm làm việc tại vùng khó khăn; còn đối với bác sỹ nam như BS Tuấn, thời gian sẽ là 3 năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, những bác sỹ này được tiếp nhận làm việc tại các bệnh viện như: Bạch Mai và Nhi Trung ương…

 
Được biết, nhu cầu bác sỹ tại 62 huyện nghèo trên cả nước là khoảng 600 bác sỹ thuộc 15 chuyên khoa. Trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm, Chẩn đoán hình ảnh...

Từ khi triển khai Dự án vào năm 2013 đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội mở 4 khoá đào tạo, với 54 học viên. Khóa 5 dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2017 cho 24 học viên (các học viên này đã có Quyết định trúng tuyển chuyên khoa I). Như vậy tổng số học viên đã, đang và sẽ đào tạo chuyên khoa là 78 bác sỹ.

Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục đào tạo chuyên khoa I cho ít nhất 300 bác sỹ tham gia dự án…
 
Tác giả: Võ Thu
Nguồn tin: giadinh.net.vn