Phải chụp ảnh khi đăng ký thuê bao di động: Nhiều khách hàng không hợp tác
- 19:27 19-06-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người sử dụng thuê bao điện thoại di động sẽ phải chụp ảnh chân dung để đăng ký thông tin với nhà mạng. Yêu cầu này là bắt buộc với cả thuê bao đăng ký mới và thuê bao đang hoạt động nhằm hình thành một cơ sở dữ liệu chính xác, chi tiết về thuê bao, phục vụ việc đảm bảo an ninh quốc gia, giảm thiểu tình trạng tin rác, các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, từ ngày 24-4-2017, nhà mạng phải cập nhật ảnh chân dung của tất cả thuê bao di động đang sử dụng dịch vụ và thuê bao hòa mạng mới. Tuy nhiên, quy định này đang gặp phải phản ứng của khách hàng.
Khách hàng cho là phiền hà
Có nhu cầu chuyển thuê bao di động của mạng VinaPhone từ trả sau sang trả trước, anh Nguyễn Hữu Hưng (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) ra điểm giao dịch của nhà mạng này ở đường Trần Duy Hưng để giao dịch. Tuy nhiên, ngoài thẻ căn cước công dân, tại điểm giao dịch, anh Hưng còn được đề nghị chụp ảnh chân dung.
“Nhân viên điểm giao dịch giải thích là theo quy định mới, khách hàng phải chụp ảnh chân dung bên cạnh giấy tờ bắt buộc là hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân). Tôi nghĩ họ không làm khó khách hàng, vì làm như vậy họ cũng thêm việc nhưng tôi không hợp tác. Theo tôi giấy căn cước công dân là đủ tính pháp lý, có ảnh và cả đặc điểm riêng của tôi, thế là đủ để đăng ký cho thuê bao rồi”- anh Nguyễn Hữu Hưng nói.
Cùng chung quan điểm này, chị Trần Thùy Liên (trú tại Đại Mỗ - Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng không đồng ý chụp ảnh khi đi mua và đăng ký thông tin cho thuê bao mới. Chị Thùy Liên bức xúc: “Quy định này gây phiền phức cho khách hàng. Chưa kể khách hàng còn có thể bị ảnh hưởng nếu ảnh chụp bị rò rỉ, kẻ xấu khai thác cho mục đích không lành mạnh. Tôi hoàn toàn không chuẩn bị quần áo trang phục để đi chụp ảnh chân dung, còn nếu chụp cho có thì ảnh này cũng không mấy có giá trị, người ta có thể chỉnh sửa”.
Những khách hàng này không nắm được Nghị định 49/NĐ-CP đã quy định việc đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao di động nhằm hình thành một cơ sở dữ liệu chính xác, chi tiết về thuê bao, phục vụ việc đảm bảo an ninh quốc gia, giảm thiểu tình trạng tin rác, các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Tại khoản 5, điều 1 của Nghị định 49/NĐ-CP quy định việc bổ sung ảnh chụp của người trực tiếp đến giao dịch (kèm theo ngày chụp) vào danh sách các thông tin của thuê bao mà doanh nghiệp viễn thông cần thu thập và lưu giữ. Yêu câu này là bắt buộc với cả thuê bao đăng ký mới và thuê bao đang hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy quy định này đang gây phiền phức cho khách hàng và một bộ phận không nhỏ khách hàng không tuân thủ, đặc biệt là các khách hàng có thuê bao đang hoạt động.
Quá ít thuê bao chấp hành
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, việc yêu cầu phải xác tín thông tin cá nhân với thuê bao di động là cần thiết, góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên kho số và hạn chế tin nhắn rác. Tuy nhiên, quy định này dường như đã “quản chặt quá mức cần thiết nên chủ thuê bao di động có cảm giác bị đụng đến vấn đề cá nhân, dẫn đến bất hợp tác.
Nếu các thuê bao đang hoạt động đều phải bổ sung ảnh chụp để không bị cắt thuê bao thì hàng chục triệu thuê bao có nguy cơ bị cắt. Trong cả 2 trường hợp là khách hàng thực hiện quy định và khách hàng không thực hiện, nhà mạng đều… méo mặt”- vị chuyên gia cho hay.
Để siết chặt quản lý thuê bao di động, Nghị định 49/NĐ-CP cũng yêu cầu doanh nghiệp viễn thông hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thuê bao. Nếu các thông tin thuê bao bị phát hiện chưa tuân thủ các quy định mới trong Nghị định, người đứng đầu doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu phạt số tiền tới 100 triệu đồng, doanh nghiệp có thể phải chịu phạt tới 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, số tiền phạt thực tế thậm chí có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng bởi ngoài các khoản phạt nêu trên, doanh nghiệp viễn thông còn phải nộp lại tổng số tiền tương đương tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của SIM sau ngày 14-4-2018.
Đây được xem là chế tài nghiêm khắc với doanh nghiệp. Doanh nghiệp viễn thông sẽ có 12 tháng (tức là đến ngày 24-4-2018) để hoàn thành cơ sở dữ liệu thông tin về thuê bao theo quy định mới.
Ngay khi Nghị định 49/NĐ-CP có hiệu lực, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên thông báo quy định này đến khách hàng. Tuy nhiên, gần 2 tháng qua, số thuê bao đang hoạt động nếu không có nhu cầu gì cần hỗ trợ từ nhà mạng vẫn không ra điểm giao dịch để bổ sung ảnh chụp; chỉ một lượng nhỏ thuê bao đăng ký mới chấp hành.
Thế nên khoảng thời gian 10 tháng còn lại là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, chi phí đầu tư thiết bị, phần mềm và tăng cường nhân lực để phục vụ yêu cầu này cũng là bài toán với doanh nghiệp bởi sẽ tiêu tốn hàng tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Hà Linh
Nguồn tin: