Tuyển chồng, kén người yêu trên mạng: Tiềm ẩn rủi ro
- 13:37 15-06-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian gần đây, mạng xã hội rộ lên phong trào “tuyển chồng”, “kén vợ”, “kén xã”, “kén người yêu”… của nhiều bạn trẻ.
Tuyển chồng trên Facebook
“Hỡi đàn ông trai tráng bốn phương tám hướng, trai độc thân, trai chưa vợ, trai ly dị, trai góa bụa, trai ế độ, trai gay quay đầu làm trai thẳng, các anh có muốn lấy cô gái sau làm vợ…”, sau khi tự nhận mình ế, một nữ MC kiêm biên tập viên đang làm việc tại một đài truyền hình đã bắt đầu “rao” trên Facebook cá nhân thông báo tuyển chồng với lời lẽ vừa nghiêm túc vừa có vẻ đùa giỡn như vậy. Trên mạng xã hội, nữ MC có biệt danh là Q.S.
Sau lời rao, Q.S đưa ra những ưu điểm của bản thân rằng: nhan sắc ưa nhìn, điện nước đầy đủ, hàng thật 100% không bơm hút; học vấn thạc sĩ, công việc lương cao, thu nhập mỗi tháng dư đi du lịch châu Âu; có nhà, có xe, có tài khoản 9 con số 0 trong ngân hàng... Cô cũng không quên liệt kê bộ tiêu chí chọn chồng dài dằng dặc, với những yêu cầu như chỉ nhận ứng viên từ Đà Nẵng trở vào, phải học rộng, giỏi tiếng Anh, công việc tốt, có nhà, có xe hơi... Và cô cũng khẳng định luôn: “Nếu không có ai đủ tiêu chuẩn kể trên thì tôi thà ế chứ không lấy chồng đâu nha, tuyệt đối không hạ mình”.
Ngay sau khi đăng tải trên Facebook, bài viết nhận được hàng ngàn lượt thích, bình luận, chia sẻ. Bên cạnh những người ủng hộ thông báo tuyển chồng của Q.S, cũng có không ít người cho rằng, cách làm này có phần thái quá, không cần thiết. Có người cười nhạo cho đây là hành động ngông cuồng, làm cao, cố tình tạo dư luận để nổi tiếng…
Anh Phan Đình Thắng (30 tuổi, quận 7) nhận xét: “Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc đăng tuyển kiếm nửa kia trên mạng là đang quá thiếu tự tin và bản lĩnh để đi tìm một nửa ngoài đời thật. Tôi tin rằng, một người đàn ông hội đủ các tiêu chuẩn như thế, chẳng ai lại thiếu tự tin đến mức “nộp đơn dự tuyển”. Giới trẻ có quyền tự do thể hiện cái tôi, nhưng chọn cách này chỉ khiến cộng đồng ném đá, trừ phi họ muốn nổi tiếng”. Còn Nguyễn Thị Loan (28 tuổi, quận Gò Vấp) lại đồng tình: “Trang Facebook là của cá nhân thì việc đăng tuyển chồng là quyền của chị ấy. Vả lại, chị ấy giỏi thì có quyền đưa ra những tiêu chuẩn này. Mặc dù khó tìm nhưng không phải là không thể… Ai bảo gái ế không có quyền kén chồng?”.
Ngay sau bài viết của Q.S, rất nhiều cô gái khác cũng bắt chước đăng Facebook tuyển chồng để mong tìm được chồng như ý. Không thua kém Q.S, một cô gái tên N.C. (23 tuổi, sống ở Hà Nội) cũng liệt kê hẳn một danh sách những điểm cần có ở người đàn ông muốn lấy làm chồng như: phải là trai thẳng, có ôtô riêng, nhà riêng, ngoại hình ưa nhìn, cao 1,7m trở lên… N.C. cũng tự nhận mình có nhiều ưu điểm như nhan sắc thu hút, chiều cao - số đo 3 vòng lý tưởng. “Không bơm, không độn, không sửa. Các anh nên nhớ: mông to dễ đẻ, con thông minh. Em nói vậy thôi! Bonus: Da trắng nõn nà…”, Q.C. tự tin khoe bản thân. Cuối cùng, Q.C. nhắc ai cảm thấy đủ khả năng thì gửi hồ sơ vào tin nhắn. “Em sẽ duyệt hồ sơ và phỏng vấn sau ngày 15-6-2017. Tiền cưới em có rồi, anh không phải gánh vác một mình”, cô gái trẻ viết.
Cẩn thận với mạng xã hội
Không chỉ riêng việc tuyển chồng mà nhiều bạn trẻ khác cũng lên mạng soạn những bộ tiêu chí để “tuyển vợ”, “tuyển xã”, “tuyển người yêu”, “tuyển tri kỷ”, “tuyển người đi ăn trưa - tối”… Bất cứ dịp nào, dù là tết, noel, ngày lễ tình nhân, thậm chí ngay sinh nhật của mình, hoặc khi cảm thấy… quá ế, dù tuổi chỉ mới mười tám, đôi mươi, nhiều bạn trẻ cũng nóng ruột lên mạng đăng tuyển.
Sau những dòng giới thiệu, đăng tuyển, nhiều bạn trẻ không lường được rắc rối mà mình gặp phải. Đăng tin tìm bạn tâm giao, tri kỷ kèm số điện thoại liên lạc nhưng chưa được 1 tuần, A.T. (17 tuổi, ngụ Thủ Đức) đã phải đổi số điện thoại vì bị “khủng bố”. Mỗi ngày, T. nhận được hàng chục cuộc điện thoại từ người lạ, nhưng người có ý định kết bạn đàng hoàng thì ít mà người đề nghị nhạy cảm lại nhiều. Hơn nữa, khi mở hộp thư trang Facebook cá nhân, T. phát hoảng bởi hàng loạt tin nhắn đòi xem hình nhạy cảm, rủ rê đi chơi, thậm chí gửi luôn địa điểm hẹn hò là những nơi không đàng hoàng… “Lúc đầu, em chỉ đăng tin với ý định nghiêm túc, làm quen các bạn rồi sẽ có một người đi chơi, biết đâu có người hợp với mình. Thế nhưng, nhiều người đã gọi điện, nhắn tin, đề nghị em với những lời lẽ rất khiếm nhã, khó chịu. Em phải lập trang cá nhân khác mới thoát khỏi cảnh bị làm phiền đó. Lần sau thật không dám đưa thông tin cá nhân lên mạng nữa”, T. cho biết.
Còn Q.S., từ lúc rao tuyển chồng từ cuối tháng 5 đến nay, có rất nhiều hồ sơ ứng tuyển gửi về cho nữ MC này. Trên các trang báo mạng cũng thông tin cô đã kiếm được chồng tương lai và đang rục rịch làm đám cưới trong thời gian tới. Tuy nhiên, quá phiền phức từ ồn ào dư luận, Q.S đã xóa bài viết và thỉnh cầu mọi người đừng inbox những link bài báo, đừng đính kèm tên cô vào những status của người khác bàn bạc nhận xét về bài viết kén chồng.
Bùi Ngọc Duyên (28 tuổi, nhân viên Phòng Đối ngoại, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM) chia sẻ: “Thực ra giới hạn giữa đúng và sai trong mọi việc đều rất mong manh, vì thế không thể nói hành động tuyển chồng trên mạng là không chuẩn mực... Đó cũng là quyền của mỗi cá nhân, chủ động tìm kiếm một nửa trong đời của mình cho đến khi chọn được người phù hợp. Nó có thể không phù hợp với một xã hội quan niệm “cọc không nên đi tìm trâu” như ở Việt Nam”.
Cũng có nhiều cặp đôi nên duyên từ mạng xã hội và sống hạnh phúc. Tuy nhiên, cách thức đăng tin trên Facebook quá rủi ro, ồn ào, bởi đối tượng đọc, chia sẻ thông tin là đại trà. Trong đó, có thể sẽ có một số đối tượng tội phạm ẩn nấp, sẵn sàng biến thành “người thành đạt”, “người đẹp” để lợi dụng tấn công, cướp của. Nhiều bạn trẻ cũng lường trước được những mối nguy hiểm, nhưng họ vẫn thích thể hiện bản thân mình theo cách không giống ai, bất chấp rủi ro.
Tác giả: Võ Thắm
Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng