Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sốc nhiệt và cảnh báo từ bệnh viện

Từ đầu tháng 6 này, nhiệt độ ở hầu hết các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ tăng cao, nhiều nơi nắng nóng gay gắt lên tới 40 độ C. Điều này đã khiến sức khỏe của mọi người đều bị ảnh hưởng, nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do bị sốc nhiệt.
Ảnh minh họa

Tại Hà Nội, theo Trung tâm cấp cứu 115 thành phố, trong các ngày nắng nóng gay gắt vừa qua, số cuộc gọi yêu cầu cấp cứu tăng vọt, trung bình mỗi ngày 105 - 110 ca vận chuyển. Đáng lưu ý, có nhiều ca bệnh nhân đã tử vong trước khi xe cấp cứu đến. Mặc dù chưa thể khẳng định các ca tử vong này trực tiếp do nắng nóng nhưng là con số bất thường. Do vậy những ngày nắng nóng, người dân nên cẩn thận trước những biểu hiện bất thường của cơ thể.

Bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho hay, sốc nhiệt (cũng còn gọi là say nắng) là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Sốc nhiệt có thể gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ liên quan tới nhiệt như chuột rút, ngất xỉu và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng).

Nhưng sốc nhiệt cũng có thể không có dấu hiệu báo trước. Sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt. Thân nhiệt do vùng đồ thị trong não điều khiển, khi nhiệt độ tăng cao khiến cho mạch máu giãn, kích thích ra nhiều mồ hôi. Còn khi nhiệt độ giảm thì mạch máu co lại, cơ thể tăng nhiệt. Với trẻ nhỏ càng có nguy cơ cao vì chúng vốn có sức đề kháng kém, hiếu động, hay chạy nhảy, thậm chí chơi ở ngoài trời lúc nắng to nên nguy cơ mất nước do toát mồ hôi, mất muối là rất lớn. 

Do đó, việc hạ nhiệt cơ thể những ngày nắng nóng là điều rất cần thiết, tuy nhiên cần phải hạ nhiệt đúng cách. Thực tế, để hạ nhiệt nhanh sau khi ở ngoài trời nắng nóng, rất nhiều người đã tìm cách giải nhiệt bằng nước đá. Việc làm này không hề làm cho cơ thể được mát hơn mà có thể làm cho tim đập loạn nhịp, gây viêm họng và ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Ngoài ra, không ít người chủ quan khi đi trời nóng về, cơ thể đang đầm đìa mồ hôi lập tức đi tắm gội ngay sau đó. Sự giảm nhiệt đột ngột ấy có thể gây cảm dẫn đến đột qụy nguy hiểm đến tính mạng.

Theo dự báo, sắp tới miền Bắc vẫn còn phải trải qua vài đợt nắng nóng kỷ lục nữa, do đó, để phòng sốc nhiệt mọi người cần cần tránh ra trời nắng trong khoảng thời gian từ 10h -16h. Nếu phải ra đường cần trang bị đầy đủ các thiết bị chống nóng, chống nắng, bổ sung đầy đủ nước và dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và không ở ngoài trời quá lâu.

Điều quan trọng trong phòng ngừa sốc nhiệt là tránh để cơ thể mất nước và không hoạt động mạnh trong những ngày thời tiết nóng ẩm. Nếu phải hoạt động nhiều trong những ngày nóng, cần uống nhiều nước (bao gồm nước lọc và các thức uống thể thao bù muối và chất khoáng), tránh uống các thức uống có cồn, cafein và đường vì có thể gây mất nước.

Đồng thời, cần bổ sung các chất điện giải (natri) và nước cho cơ thể nếu đổ mồ hôi nhiều, hoặc làm việc dưới ánh mặt trời lâu trong những ngày nắng nóng. Thường xuyên nghỉ giải lao, mặc quần áo mỏng nhẹ, sáng màu.

Tác giả bài viết: Hoa Nguyễn

Nguồn tin: