Chè xanh ở Nghệ An được đưa ra Hà Nội tiêu thụ trong những ngày nắng nóng
- 14:04 09-06-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chè Gay ở Anh Sơn (Nghệ An) trở thành 'thức uống' được nhiều người tìm mua vì nó có giá trị giải nhiệt trong thời tiết nắng nóng. Bởi vậy, những ngày nắng, chè Gay càng đắt hàng. Sản phẩm này còn đưa ra thị trường Hà Nội tiêu thụ.
4h sáng, bà Nguyễn Thị Minh ở thôn 1, xã Cao Sơn đã tất bật lên nương để hái chè cho kịp buổi chợ. Nắng nóng những ngày qua, chè Gay của gia đình bà cũng như nhiều hộ dân khác dễ tiêu thụ.
Tuy giá chè không nhích lên là mấy nhưng hái từng nào họ mua hết từng đó nên những người trồng chè như bà Minh phấn khởi.
Tuy giá chè không nhích lên là mấy nhưng hái từng nào họ mua hết từng đó nên những người trồng chè như bà Minh phấn khởi.
Việc hái chè Gay từ sáng tinh mơ, khi lá còn đọng sương giúp sản phẩm thơm ngon hơn. Ảnh: Huyền Trang
"Chè Gay có đặc trưng riêng về hương thơm đặc biệt mà không loại chè nào có được. Loại chè này còn được nhận diện bởi đặc điểm lá hơi nhỏ, mép dày, giòn, vò nhẹ trong lòng tay nghe tiếng lách tách. Chè ngon nhất là loại lá có màu hơi vàng, đây là loại chè được trồng nơi thoáng không bị các bóng cây cao che lấp ánh mặt trời" - bà Minh chia sẻ.
Với đồi chè rộng gần 2 ha, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Bùi Thị Vân ở xóm 2, xã Cao Sơn. Chị Vân cho biết: "Nắng nóng chè rất dễ bán, mỗi ngày tôi hái 40 – 50 bó mang ra chợ nhập với giá 6.500 - 7.000 đồng/bó...".
Những ngày nắng nóng, chè xanh tiêu thụ mạnh bởi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Chè xanh có tác dụng giải nhiệt và rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Huyền Trang
Việc thu hái chè Gay cũng có khác biệt, người dân chỉ dùng tay bẻ, không dùng dao, liềm để cắt như một số nơi khác để tránh làm chè bị "đau", chậm phát triển.
Tại chợ Gay, nhiều xe tải được chất đầy chè để vận chuyển đi tiêu thụ ở các địa phương khác. Chị Hồ Thị Lan một thương lái chuyên buôn chè cho biết: Chè xanh nơi đây nổi tiếng thơm ngon, sạch nên được khác hàng ưa chuộng. Mùa hè nhu cầu tiêu thụ mạnh nên mỗi ngày thương lái thu mua từ 1.000 - 1.200 bó chè từ người dân để mang đi bán ở các chợ đầu mối ở Vinh, Diễn Châu hoặc chuyển ra Hà Nội.
Chè Anh Sơn được nhiều thương lái vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Ảnh: Huyền Trang
Thời tiết càng nắng nóng, việc tiêu thụ chè xanh càng thuận lợi. Với diện tích toàn xã trên 540 ha, mỗi ngày người dân Cao Sơn cung cấp ra thị trường từ 8.000 - 8.500 bó chè, mỗi tháng thu về gần 2 tỷ đồng.
Tác giả: Huyền Trang
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Nguồn tin: Báo Nghệ An