Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bỏ biên chế giáo viên có nâng chất lượng giáo dục?

Chủ trương thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên nếu được thực hiện sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên.
Chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng và có chế độ đãi ngộ lớn, đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều. Bởi, nếu chủ trương trên được thực hiện sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên...

 
Đối với giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa cần có chế độ đãi ngộ hợp lý.

Giảm chây ỳ

Chuyện thừa thiếu giáo viên, cùng với chế độ đãi ngộ, lương bổng eo hẹp vẫn tồn tại từ nhiều năm qua trong ngành giáo dục mà chưa có hướng giải quyết. Theo ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay, các trường có nhu cầu tuyển dụng, biết giáo viên thừa thiếu như thế nào thì thường lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên.

Do đó, sắp tới phải thực hiện nghiêm quy định trong hợp đồng làm việc của viên chức, nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ; đồng thời đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục.

Với kinh nghiệm quản lý một trường tư uy tín lâu năm, PGS Văn Như Cương (Trường THPT Lương Thế Vinh - Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận với nhau, hiện nay có một bộ phận giáo viên không thực sự say mê với nghề, không tâm huyết, chỉ lên lớp cho có, hết giờ thì về nhà, không có trách nhiệm mà vẫn nhận lương. Điều đó sẽ khiến giáo dục trở nên trì trệ hơn. Nay chúng ta thay bằng chế độ hợp đồng, buộc giáo viên phải “vận động” để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo”.

Một vị hiệu trưởng ở Hà Nội cũng chia sẻ, tình trạng nhiều giáo viên chây ỳ, không chịu đổi mới mà vẫn không bị đuổi việc đã trở thành vấn nạn lâu nay. Chính, những “quy định chết” đối với những người đã được “biên chế” mới tạo ra các tiêu cực và sức ỳ như lâu nay vẫn thấy trong giáo dục.

Còn TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), bày tỏ: “Trong kinh tế thị trường, sức lao động cũng cần phải được đối xử sòng phẳng mới mong có người tài. Và nữa, chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chỉ là trên nghị quyết, còn thực tế, nhiều năm nay không có sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm. Vì đội ngũ không được chọn lọc, không được đãi ngộ một cách thỏa đáng. Do đó, tôi ủng hộ đổi mới không tuyển giáo viên vào biên chế. Tuy nhiên, đây là việc tốt nhưng làm được không dễ. Nếu đã sử dụng quy luật kinh tế thị trường trong xây dựng giáo viên thì tất cả đội ngũ của ngành giáo dục phải được tuyển chọn và chung một quy chế”.

Giáo viên sẽ bỏ nghề vì áp lực lớn?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc bỏ công chức, viên chức sẽ thúc đẩy các thầy, cô giáo nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, sẽ có nhiều giáo viên chưa sẵn sàng đón nhận chủ trương trên của Bộ GD-ĐT vì nhiều người đã quen được hưởng lương “bao cấp”.

Vì vậy, quá trình thực hiện phải có lộ trình, không nên quá đột ngột. Khi bỏ công chức, viên chức giáo viên thì phải gắn với chế độ lương bổng, đãi ngộ xứng đáng đủ để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình. GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, điều mà chúng ta cần chú ý là các giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa.

Bởi nếu bỏ biên chế, đương nhiên, khó có giáo viên nào tình nguyện ký hợp đồng ở các điểm trường vùng khó khăn. Vì thế, giờ muốn thu hút giáo viên theo chế độ hợp đồng lên vùng sâu, vùng xa thì phải có chế độ đãi ngộ hợp lý và có tính hấp dẫn.

Ở góc độ khác, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội lại có quan điểm trái chiều và cho rằng, chủ trương trên của Bộ GD-ĐT có thể “lợi bất, cập hại”. Hiện nay, giáo viên Việt Nam bị quản lý quá chặt và đặc biệt là chịu sức ép từ những thành tích thi đua. Những sự điều hành, quản lý như trên đối với giáo viên đã khiến nhiều người rất mệt mỏi nên không thể hiện được hết sự sáng tạo, học hỏi trong nghề nghiệp mà chỉ làm theo sự chỉ đạo để cho xong việc.

Do đó, nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy yên tâm khi được tuyển dụng dưới dạng công chức, viên chức vì được hưởng bảo hiểm khi ốm đau, gặp tai nạn. Tuy nhiên, nếu hình thức này không còn nữa thì có thể nhiều giáo viên sẽ nghỉ việc và chuyển nghề.

Cần minh bạch và có lộ trình

Để chủ trương này có hiệu quả thực sự, PGS. Văn Như Cương kiến nghị: “Khi triển khai phải có lộ trình rõ ràng và phải đồng bộ. Nếu chuyển sang chế độ hợp đồng mà chúng ta đảm bảo được cho giáo viên có thể sống bằng lương của mình thì tôi nghĩ sẽ không đáng lo ngại lắm”.

Trên rất nhiều diễn đàn xã hội, không ít người là giáo viên bày tỏ lo lắng rằng, nếu bỏ công chức, viên chức, đồng thời giao quyền tự chủ về nhân sự cho hiệu trưởng các cơ sở giáo dục rất dễ nảy sinh việc lạm quyền trong tuyển dụng, phe cánh, lợi ích nhóm trong quản lý điều hành.

Một giáo viên ở Hà Nội tâm sự: “Tôi thấy chủ trương bỏ biên chế giáo viên làm hoang mang hàng triệu giáo viên đang làm việc. Thực tế không đơn giản như lý thuyết vì sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ. Giáo viên hiện nay đang chịu quá nhiều áp lực khi đứng lớp, sức ép của phụ huynh học sinh, sức ép của hiệu trưởng, của xã hội. Nếu cứ hằng năm ký lại hợp đồng làm việc sẽ dẫn đến việc giáo viên nào cũng lo lắng sợ mất hợp đồng, ai thân quen, “chu đáo” với hiệu trưởng thì được xem xét, ai có chính kiến, đấu tranh thì bị loại.

Về vấn đề này, PGS. Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, cần xây dựng quy định chung về quản lý, giám sát trách nhiệm của lãnh đạo các cơ sở giáo dục. Đồng thời, phải có chế tài quy định việc “phế truất” hiệu trưởng nếu họ vi phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do đó, chủ trương bỏ công chức, viên chức đối với giáo viên cũng cần bỏ hình thức biên chế đối với hiệu trưởng để đảm bảo sự công bằng.

Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, nếu mục đích đề án của Bộ GD-ĐT chỉ dừng ở nâng cao chất lượng giáo viên, làm sao có cơ chế thông thoáng để tuyển giáo viên giỏi thay vào vị trí những giáo viên kém hiện nay thì chỉ cần thực hiện nghiêm chỉnh Luật Viên chức, những quy định về ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng với viên chức là đủ.

Ở phương diện khác, việc bỏ biên chế giáo viên theo hướng người dạy tốt sẽ được trả lương cao là biện pháp giúp phát huy tiềm năng các thầy cô giáo. Nhưng đó cũng là con dao 2 lưỡi, phải tổ chức thực hiện công bằng, công khai, minh bạch./.

 
Tác giả: Hoàng Dũng
Nguồn tin:  VOV.VN