Các sao YouTube kiếm tiền như thế nào?
- 07:40 01-06-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tâm sự của một người nổi tiếng trên YouTube đã hé lộ cách các sao trên kênh chia sẻ video này kiếm tiền như thế nào.
Anna Akana là một người nổi tiếng hay còn gọi là "sao" trên trang chia sẻ video YouTube. Với nội dung đề cập tới nhiều chủ đề, ví dụ như những lời khuyên cho việc hẹn hò hay tình trạng kiệt sức ở nơi làm việc, kênh của cô trên YouTube hiện thu hút tới gần 2 triệu người đăng ký theo dõi.
"Tới nay, tôi đã làm việc này được khoảng 3 - 5 năm, nên hãy để tôi coi đây là một nghề thực sự. Tôi phát hiện ra rằng, mọi người đánh giá cao công việc khi bạn thành thật về nó thay vì cố gắng lén lút bán cho họ cái gì đó", Akana tâm sự.
Akana có thể chi tới hàng ngàn USD chỉ để sản xuất một video. Dù kênh YouTube cá nhân đang phát triển ổn định nhưng cô vẫn thấy mình như đang trong một cuộc chiến. "Sự nổi tiếng trên Internet ngắn hạn đến mức tôi hy vọng bất kỳ nhà sáng tạo chuyên nghiệp nào cũng thử nghĩ về cách đa dạng hóa nguồn thu nhập của mình", Akana giải thích.
Phần chia doanh thu thấp từ YouTube
Các nhà sáng tạo nội dung hiện nhận được rất ít sự giúp đỡ từ YouTube. Trong khu vực Không gian dành cho nhà sáng tạo (Creator Space) ở trụ sở công ty tại Los Angeles, Mỹ có đầy rẫy máy quay chuyên nghiệp và các thiết bị âm thanh cùng một phòng trình chiếu tối tân. Song, chỉ khi đạt được số lượng người theo dõi nhất định, các nhà sáng tạo mới có thể đăng ký và sử dụng bất kỳ thứ gì họ muốn tại đây một cách miễn phí.
"Chúng tôi mang tới cho họ một con đường để phát triển, khiến họ hứng thú làm thứ gì đó tiếp theo. Chúng tôi thể hiện cam kết của mình với họ và khiến họ gắn bó với YouTube", Alvaro Bajos, phụ trách khu vực YouTube Creator Space ở Los Angeles nói.
Về phần mình, tất nhiên nhờ các nhà sáng tạo như Akana, YouTube có nội dung để bán quảng cáo. Song, các quảng cáo này không mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà sáng tạo như mọi người thường nghĩ.
David Craig, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Truyền thông Peabody và cũng là giảng viên Đại học Nam California (Mỹ) cho biết: "Đối với các nhà sáng tạo, họ kiếm được rất ít tiền từ những quảng cáo này. Họ từng đút túi tới 20 - 25 USD cho mỗi 1.000 lượt xem video của họ, nhưng theo thời gian, số thu nhập đó đã sụt giảm do YouTube đã bành trướng về quy mô".
Hiện tại, theo ông Craig, các nhà sáng tạo trên YouTube chỉ kiếm được khoảng 1 - 3 USD cho mỗi 1.000 lượt xem, phụ thuộc vào loại nội dung sản xuất.
Kiếm bộn từ hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp
Laura Chernikoff, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận "Hiệp hội các nhà sáng tạo Internet" nhận định, các nhà sản xuất nội dung không thể hoàn toàn sống dựa vào phần chia doanh thu từ YouTube.
Thay vào đó, các hợp đồng quảng cáo cho các thương hiệu sẽ mang tới cho họ cơ hội mở rộng những nội dung có thể làm. Đôi khi, các nhà sáng tạo sản xuất nội dung cho kênh YouTube của công ty nào đó, thay vì chỉ phục vụ kênh cá nhân.
Theo bà Chernikoff, nguồn tiền chính đến từ những hợp đồng như trên với các thương hiệu, chứ không phải phần chia doanh thu quảng cáo từ YouTube. "Nếu một nhà quảng cáo trực tiếp gặp bạn và trả tiền cho bạn để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, bạn có thể kiếm được trung bình từ 75 - 100 USD cho mỗi 1.000 lượt xem", bà Chernikoff cho hay.
Akana tiết lộ, phần lớn thu nhập của cô có được nhờ các hợp đồng quảng bá thương hiệu ký trực tiếp với các công ty như Squarespace và Audible. Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Craig, Anna và các "sao" YouTube khác có thể kiếm thêm từ các sản phẩm ảo ăn theo, tiền ủng hộ của những người hâm mộ, phí đăng ký theo dõi kênh trên các nền tảng khác, hoạt động thương mại điện tử, các chương trình phát trực tiếp, việc bán sách hay các sản phẩm âm nhạc, ....
Akana nói, đối với những nhà sáng tạo như cô, phần đáng sợ nhất của công việc là luôn phải giữ cho kênh YouTube của mình hoàn toàn mới mẻ, hấp dẫn. Điều này quả thực thách thức khi các nền tảng khác như Twitter, Facebook và Snapchat cũng bắt đầu nhòm ngó đến lĩnh vực chia sẻ video. Để đối phó, các sao YouTube hiện bắt đầu phải nghĩ đến chuyện không thể gắn bó mãi với một nền tảng ứng dụng nữa.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet
Nguồn tin: Báo VietNamNet