Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thạc sỹ Bách khoa bỏ việc lương cao về quê khởi nghiệp

Có bằng thạc sỹ kỹ thuật của Đại học Bách khoa Hà Nội và đang làm việc cho một trong những tập đoàn lớn nhất của Việt Nam với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, Hồ Xuân Vinh quyết định từ bỏ tất cả để về quê khởi nghiệp trong lĩnh vực chế tạo máy.
Đi là để trở về

Cảm nhận đầu tiên của tôi về Hồ Xuân Vinh (SN 1987) - Phó Giám đốc phụ trách mảng chế tạo máy của Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu chính là sự năng động, hoạt bát.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2010, Xuân Vinh đầu quân vào Tập đoàn Viettel và có điều kiện làm việc ở Trung Quốc, Singapore và Cameroon. Công việc tốt, thu nhập hấp dẫn, làm việc trong môi trường quốc tế, có nhiều cơ hội phát triển nhưng năm 2015, khi đang làm việc tại Nexttel - công ty của Viettel đầu tư tại Cameroon, chàng trai 8X quyết định từ bỏ để trở về khởi động cho một cuộc hành trình mới ở quê nhà. 

Nhìn vào quyết định của Vinh, không ít bạn bè, đồng nghiệp ngạc nhiên nhưng với chàng thạc sỹ này thì đó là thời điểm chín muồi để tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. “Trước khi làm chủ thì tôi xác định phải đi làm thuê để học. 5 năm ở Viettel là khoảng thời gian cần thiết để thực hành kiến thức, hiểu về cách làm việc, vận hành của tập đoàn lớn. Đó là hành trình đã được vạch sẵn chứ không phải quyết định bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ” - Xuân Vinh chia sẻ. 

 
Hồ Xuân Vinh (phải) giới thiệu với khách hàng dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động. Ảnh: Thành Duy

Bố của anh Vinh - ông Hồ Văn Hoàn là thợ cơ khí giỏi và có nhiều sáng chế trong lĩnh vực này. Từ một xưởng cơ khí nhỏ thành lập đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu được thành lập và có nhiều sản phẩm chế tạo máy thiết thực với nhà nông như: bếp tiết kiệm nhiên liệu, máy cắt thuốc lào, máy tẻ ngô, băm chuối, máy đúc gạch không nung.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống như vậy, tuổi thơ Hồ Xuân Vinh lớn lên với xưởng cơ khí của người cha. Và tình yêu, đam mê với nghề chế tạo máy cũng ngấm dần vào anh lúc nào không hay.

Vì vậy, khi học xong phổ thông, Xuân Vinh quyết định thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội ngành Cơ điện tử và sau đó là hoàn thành chương trình thạc sỹ về kỹ thuật. Trong tâm khảm của mình, Vinh luôn xác định sẽ có ngày trở về quê hương để tiếp nối nghề nghiệp của người cha với kiến thức, kinh nghiệm và đam mê của mình tạo ra những sản phẩm đột phá cho công ty.

“Những máy móc được chế tạo trước đây còn ở mức đơn giản, thủ công, bán tự động. Điều này chỉ phù hợp trong giai đoạn sản xuất nhỏ lẻ nhưng khi quy mô sản xuất ngày càng lớn thì không đáp ứng được. Mục tiêu của tôi là phải chế tạo ra những sản phẩm tự động hóa, nâng cao năng suất, giảm nhân công vận hành và phải thân thiện với môi trường” - Xuân Vinh cho biết.

“Cú đúp” sáng tạo khoa học và công nghệ

Trở về nước năm 2015, Xuân Vinh bắt đầu nghiên cứu chế tạo nhiều sản phẩm cơ khí phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Trong đó nổi bật là dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động.

Sản phẩm máy ép gạch không nung trước đây tại Nghệ An là các máy thủ công nhỏ lẻ, sử dụng cơ chế rung để tạo hình viên gạch, có những hạn chế cần khắc phục như năng suất thấp, dưới 3.000 viên/ca và cần 6 lao động vận hành, gạch đảm bảo chất lượng xây dựng cơ bản nhưng không đồng đều vì chịu nhiều sự tác động của yếu tố con người, khó đảm bảo được chất lượng để xây dựng các công trình lớn cần tiến độ và chất lượng cao.

Các dây chuyền nhập ngoại của Trung Quốc, Nhật Bản có giá thành cao, thường từ 1 -5 tỷ đồng, không phù hợp với khả năng đầu tư của đa số người dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Nghệ An. Với phân tích đó, Xuân Vinh đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo dây chuyền này. 

Mặc dù đã lường trước nhưng khi thực sự bắt tay vào làm, anh gặp không ít khó khăn. Trước hết là về vốn vì trong giai đoạn chế tạo phải thử nghiệm, mỗi lần làm lại rất tốn kém.

Thứ nữa là tài liệu tham khảo hầu như không có, anh phải tìm tòi các tài liệu tiếng Anh trên mạng, thông qua các thầy giáo cũ ở đại học và lắng nghe cả nhu cầu của khách hàng để đưa ra giải pháp tối ưu nhất, đặc biệt là chế tạo được hệ thống điều khiển tự động hoàn toàn, sử dụng các chương trình chạy mạch xử lý PLC điều khiển các động cơ của dây chuyền hoạt động nhịp nhàng và liên tục.

Sau 7 tháng miệt mài nghiên cứu và chế tạo thử, có những lúc thất bại tưởng chừng phải bỏ cuộc, tháng 1/2016, Hồ Xuân Vinh đã hoàn thành được công trình dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động, có quy mô công nghiệp và có thể sản xuất đại trà để đưa vào thương mại hóa. 

“Đây là dây chuyền sản xuất gạch tự động đầu tiên của Nghệ An chế tạo. Rất nhiều công nghệ mới được áp dụng như ép thủy lực, rung biến tần, cấp liệu tự động, cấp khay tự động, robot gắp và hạ gạch” - Xuân Vinh cho biết.

“Giá thành dây chuyền chỉ 400 - 500 triệu đồng, năng suất 1,2 -1,4 vạn viên gạch tiêu chuẩn/8 tiếng. Gạch sản xuất ra sắc nét, chắc chắn và đảm bảo chất lượng Việt Nam do khuôn mẫu được chế tạo bằng công nghệ phay cho độ chính xác cao. Đặc biệt, dây chuyền hoàn toàn không gây ra tác động xấu đến môi trường do không xả thải các chất thải rắn, lỏng, khí”.

Hiện nay, dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động của Hồ Xuân Vinh đã được khách hàng gần xa biết đến, không chỉ cung cấp ở Nghệ An mà còn vươn ra các tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk...

 
Xưởng sản xuất dây chuyền gạch tự động của Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu do Hồ Xuân Vinh phụ trách. Ảnh: Thành Duy

Hồ Xuân Vinh còn nghiên cứu thành công máy rung tạo gạch lát sân vườn. Các loại gạch trang trí, gạch lát sân vườn từ trước đến nay cũng chỉ có loại máy sử dụng công nghệ ép thủy lực, khuôn gạch cố định, mỗi lần ép được 1 viên gạch, sau khi ép phải qua mài bề mặt mới sử dụng được. Giá thành sản phẩm lại cao, yêu cầu người vận hành và sử dụng có trình độ tay nghề. Từ thực tế đó, anh đã chế tạo máy rung tạo gạch lát sân vườn với 3 bộ phận: máy rung tạo hình, máy rung ra gạch, khuôn nhựa.

“Sản phẩm tạo hình viên gạch bằng công nghệ rung nén tần số cao qua khuôn nhựa, tạo ra được nhiều loại gạch khác nhau trên cùng một lần rung nén. Khi rung, các phần tử bột mịn sẽ lắng xuống đáy tạo nên hình hoa văn láng, mịn trên bề mặt gạch và không cần phải mài, viên gạch đã đạt tính thẩm mỹ để đưa vào sử dụng” - Xuân Vinh cho biết những tính năng vượt trội của máy so với máy ép thủy lực.

Giá thành của sản phẩm cũng chỉ tầm 40 - 50 triệu và cho sản phẩm đa dạng, không cần lao động có trình độ tay nghề cao cũng có thể vận hành được. Hiện nay, sản phẩm này cũng rất được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Tính đến nay, sau hơn hơn 2 năm trở về lập nghiệp trên quê hương, dẫu có những lúc niềm vui, nỗi buồn xen lẫn nhưng quan trọng nhất, những thành công bước đầu đã khẳng định lựa chọn của anh là đúng, đưa công ty ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, có những sản phẩm công nghệ tốt, giá thành hợp lý, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Xưởng cơ khí do Hồ Xuân Vinh phụ trách đang tạo việc làm cho 52 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng. Về chiến lược lâu dài, nhà sáng chế 8X khẳng định quyết tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu và thương mại hóa thành công thêm nhiều sản phẩm chế tạo máy chất lượng tốt, giá thành hợp lý ra thị trường. 

 
Công trình nghiên cứu Dây chuyền sản xuất gạch không nung tự động của Hồ Xuân Vinh chế tạo được trao giải Nhất giải Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Nghệ An 2017. Còn công trình nghiên cứu Dây chuyền sản xuất gạch lát sân vườn cũng được trao giải Ba giải Sáng tạo Khoa học và Công nghệ thanh niên Nghệ An năm 2017.
 
Tác dụng: Thành Duy
Nguồn tin: Báo Nghệ An